Theo công bố mới đây của tạp chí Nhà khoa học châu Á, GS Phan Thanh Sơn (Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) và PGS Nguyễn Sum (Đại học Quy Nhơn) có tên trong danh sách 100 nhà khoa học châu Á năm 2018.
Danh sách gồm những người có đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực khác nhau, từ thăm dò không gian đến sinh học. Họ đều là những người đã giành giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế năm 2017.
Ban tổ chức hy vọng danh sách này sẽ truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ ở châu Á hướng tới thành công.
PGS Nguyễn Sum, 57 tuổi, nhà Toán học và GS Phan Thanh Sơn, 40 tuổi, nhà Hóa học, đã đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 vì những cống hiến trong lĩnh vực của mình.
Cụ thể, PGS Nguyễn Sum đã nghiên cứu giả thuyết “hit problem” - bài toán mở rất khó chưa có lời giải trọn vẹn trong lĩnh vực Topo Đại số do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây hơn 30 năm.
Đặc biệt, công trình một tác giả thực hiện. Kết quả này được công bố trên tạp chí Advances in Mathematics năm 2010.
Trong khi đó, GS Phan Thanh Sơn là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực Hóa học kỹ thuật.
Công trình đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ - kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng dụng tổng hợp các hợp chất hữu cơ propargylamine.
Đặc biệt, công trình đã phát hiện chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố. Đây là công trình khoa học được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam, do 5 tác giả là người trong nước, hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài.
Bài báo khoa học mang lại giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm, được trích dẫn 21 lần.
GS Phan Thanh Sơn Nam lãnh đạo nhóm nghiên cứu ở ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố được 48 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI theo hướng nghiên cứu trên.
Năm ngoái, PGS Lê Thị Kim Phụng (Đại học Bách khoa TP.HCM) là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách. Đây là năm thứ ba tạp chí Nhà khoa học châu Á công bố danh sách trên.