Hai năm sau ‘Cuộc cách mạng 17 tháng Hai’, Libya rối như tơ vò

Hai năm sau ‘Cuộc cách mạng 17 tháng Hai’, Libya rối như tơ vò
TPO – Hàng chục ngàn người dân Libya đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Tripoli vào ngày hôm qua, 17-2, đúng 2 năm kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Muammar al-Qadhafi.
Sau hai năm, tình hình Libya vẫn rối như tơ vò
Sau hai năm, tình hình Libya vẫn rối như tơ vò.

Cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra vào ngày 17-2-2011 trong sự trỗi dậy của phong trào "Mùa xuân Ả Rập" ủng hộ dân chủ ở Ai Cập và các nước khác. Đại tá Muammar al-Qadhafi đã bị lật đổ sau một cuộc nội chiến khốc liệt.

Thắt chặt an ninh

Nhiều ngày trước thời điểm tròn hai năm ngày bắt đầu làn sóng biểu tình dẫn tới lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, các lực lượng an ninh nước này được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Đặc biệt trong bối cảnh chính quyền mới ở Libya đang phải đối mặt với lời kêu gọi "một cuộc cách mạng mới" và những cáo buộc không tiến hành các cải cách cần thiết.

Thủ tướng Ali Zeidan cho biết chính phủ đã áp dụng một loạt biện pháp nhằm tránh "mọi âm mưu phá hoại an ninh của Libya và phá hỏng các hoạt động kỷ niệm". Chính quyền cho phép biểu tình hòa bình, song đe dọa sẽ áp dụng vũ lực đối với những ai cố tình phá hoại các hoạt động kỷ niệm.

Cùng thời điểm trên, chính quyền Libya đã cho đóng cửa biên giới của nước này với Ai Cập và Tunisia từ ngày 15 đến 19-2, và hoãn một số chuyến bay quốc tế tới quốc gia Bắc Phi này.

Ngoài ra, lực lượng an ninh nước này cũng đã thiết lập hàng loạt các chốt kiểm soát tại thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ hai và cũng là "cái nôi" của sự kiện mang tên "Cuộc cách mạng 17 tháng Hai".

Ngổn ngang

Tuy nhiên, trên thực tế, hai năm sau cuộc bạo loạn lật đổ nhà lãnh đạo Kadhafi, và bất chấp cuộc bầu cử tự do hồi tháng 7-2012, Libya vẫn chưa thực sự có được ổn định về chính trị, trong khi an ninh vẫn là một thách thức lớn mà nước này phải đối mặt.

Reuters cho biết, hai năm qua tại Libya, khi màn đêm buông xuống, những âm thanh quen thuộc lại vang lên, theo, đó chính là tiếng nổ bom và tiếng súng. Những vụ ném bom vào đồn cảnh sát trở thành chuyện thường ngày.

Cũng bằng ấy thời gian, các nhóm chiến binh và tay súng Hồi giáo hiện còn mạnh hơn cả cảnh sát. Benghazi từng là cứ điểm quan trọng của lực lượng đối lập chống chính phủ Gaddafi giờ vẫn trong tình trạng vô chính phủ.

Người dân Benghazi luôn sống trong tình trạng bất an, thấp thỏm giữa một thành phố bị các tay súng chiếm đóng. Đỉnh cao của các hoạt động ám sát, bắt cóc, đánh bom là vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ giết chết đại sứ Mỹ tại Libya hôm 11-9-2012.

Theo thống kê của nhiều tổ chức nước ngoài, có một số lượng lớn vũ khí được sử dụng trong cuộc nội chiến chưa được thu hồi. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ giết người tại nước này tăng gấp năm lần so với thời điểm trước khi diễn ra "Cuộc cách mạng 17 tháng Hai"

Nhiều nhà quan sát quốc tế khẳng định, số vũ khĩ này đang được vận chuyển quan biên giới để vào các nước láng giềng và thậm chí, chính những vũ khí này đã được lực lượng khủng bố tận dụng trong cuộc khủng hoảng con tin Algeria hồi tháng 1-2013 vừa qua.

Bên cạnh đó, chính quyền mới cũng phải đối mặt với những đòi hỏi xã hội khẩn cấp, đang ngăn cản việc thực hiện các chiến lược an ninh và kinh tế trung và dài hạn, đặc biệt là một bản hiến pháp có tính “quyết định tương lai chính trị của Libya”.

Hiện giới chức Libya đang gấp rút soạn thảo một hiến pháp mới sau cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên của đất nước trong 60 năm qua đã được tổ chức cuối tháng 7-2012.

Theo nhà phân tích chính trị Zahi Basheer, việc thành lập Hội đồng hiến pháp với sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội, soạn thảo một bản hiến pháp được người dân chấp nhận, cũng như xây dựng một nhà nước dân chủ sẽ quyết định tương lai chính trị của Libya.

“Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ vượt qua các thách thức này như thế nào”, ông Zahi Basheer nhấn mạnh.

Fathi Al-ba’aga, một cựu thành viên Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya đưa ra 2 “kịch bản” cho tương lai của Libya: “Hoặc là chúng ta sẽ đạt được mục tiêu về xây dựng hiến pháp mới, xây dựng một nhà nước dân chủ với sự tham gia của đông đảo người dân Libya, hoặc là chúng ta sẽ phải đối mặt với xung đột trong nước”.

Tùng Dương tổng hợp

Theo Viết
MỚI - NÓNG