Hai máy bay chiến đấu Mỹ va nhau, nổ tung trên trời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hai chiếc máy bay chiến đấu đời cũ của Mỹ va chạm giữa không trung chiều 12/11 (theo giờ Mỹ, tức rạng sáng nay, 13/11, theo giờ Việt Nam), nổ tung, tạo thành quả cầu lửa với đám khói đen dày đặc.

Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, một chiếc “pháo đài bay” Boeing B-17 Flying Fortress và một chiếc tiêm kích Bell P-63 Kingcobra gặp nạn lúc 13h20 khi đang bay biểu diễn tại triển lãm hàng không “Wings Over Dallas” (Cánh bay trên Dallas) tại sân bay Dallas Executive, bang Texas, The Dallas Morning News đưa tin.

Hơn 40 xe cứu hỏa Dallas đã tới hiện trường (cách trung tâm thành phố Dallas khoảng 13km về phía tây nam).

Hai máy bay chiến đấu Mỹ va nhau, nổ tung trên trời ảnh 1

Một chiếc "pháo đài bay" Boeing B-17 Flying Fortress và một chiếc tiêm kích Bell P-63 Kingcobra đâm nhau, nổ tung khi đang bay biểu diễn chiều 12/11. Ảnh: AP.

Một chiếc B-17 thường chở 4-5 người

Ông Hank Coates, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Commemorative Air Force (Lực lượng Không quân Kỷ niệm), cho biết một chiếc máy bay ném bom B-17 thường có phi hành đoàn từ 4-5 người, trong khi P-63 là loại máy bay một người lái. Tuy nhiên, ông không xác nhận số người cụ thể trên hai chiếc máy bay chiến đấu gặp nạn.

Commemorative Air Force là đơn vị tổ chức triển lãm “Wings Over Dallas”. Ông Coates nói với AP rằng, trên hai chiếc máy bay thời điểm va chạm không có vị hành khách nào (khách trả tiền để được bay).

Sở Cứu hỏa-Cứu nạn thành phố Dallas chiều 12/11 nói rằng, vẫn chưa rõ về tình trạng thương vong đối với những người ngồi trên máy bay, nhưng người trên mặt đất không ai tử vong hoặc bị thương khi máy bay rơi xuống.

Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy chiếc P-63 va chạm vào phía sau chiếc B-17 khi nó quay đầu. Mặt trước của chiếc B-17 bị vỡ và cánh máy bay bốc cháy khi chúng chạm đất.

Một người xem thốt lên: “Ôi trời!” bằng tiếng Tây Ban Nha, và một đám khói đen lớn có thể được nhìn thấy từ một cánh đồng nơi hàng chục người đang đứng xem buổi biểu diễn trên cao. Trong một video khác, có thể nghe thấy một đứa trẻ hỏi: “Đúng là chuyện đó đã xảy ra phải không ạ?”.

Tại một cuộc họp báo, ông Coates cho biết, tổ chức của ông có hơn 180 máy bay, những người lái máy bay cho các buổi biểu diễn là tình nguyện viên, nhưng họ không phải là phi công mới vào nghề. Nhiều người lái máy bay biểu diễn là phi công quân sự hoặc máy bay thương mại đã nghỉ hưu.

“Vấn đề không phải về máy bay. Máy bay tốt, an toàn, được bảo dưỡng rất tốt, còn các phi công đã được huấn luyện rất kỹ”, ông Coates nói.

Ông Coates cho biết, khoảng 4.000-6.000 người có mặt tại hiện trường khi hai máy bay va chạm. Các mảnh vỡ từ vụ va chạm nằm rải rác khắp sân bay.

Hai máy bay chiến đấu Mỹ va nhau, nổ tung trên trời ảnh 2

Hai bay rơi xuống sân bay, khói đen bốc lên. Ảnh: Christopher Kratovil.

Thảm kịch

Ông Jason Evans, phát ngôn viên Sở Cứu hỏa-Cứu nạn thành phố Dallas, cho biết các nguồn lực của sở có mặt tại triển lãm hàng không để phòng các trường hợp khẩn cấp, nên nhân viên cứu hỏa đã nhanh chóng đến nơi xảy ra vụ tai nạn để dập lửa.

Vụ tai nạn đang được Cục Hàng không Liên bang và Ban An toàn giao thông quốc gia điều tra (NTSB). NTSB, có trụ sở tại thủ đô Washington, cho biết nhóm chuyên gia của cơ quan này dự kiến đến Dallas vào ngày 13/11. Có thể mất một hoặc hai năm để NTSB hoàn thành một cuộc điều tra.

Trên mạng xã hội Twitter, Thị trưởng Dallas, ông Eric Johnson, gọi vụ tai nạn là “thảm kịch khủng khiếp ở thành phố của chúng ta”. Ông Johnson viết: “Video (quay cảnh tai nạn) thật đau lòng. Xin cầu nguyện cho những linh hồn đã bay trên trời để mua vui và giáo dục các gia đình chúng ta hôm nay”.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết ông và vợ, Heidi, đang cầu nguyện cho những người liên quan. “Những hình ảnh về vụ va chạm này vô cùng đau buồn và chúng tôi cầu nguyện cho sự an toàn của mọi người tại hiện trường”, ông Cruz viết trên Twitter.

Anh Christopher Kratovil đã tham dự buổi triển lãm máy bay cùng với Kelsey - con gái 12 tuổi chung niềm yêu thích với máy bay và lịch sử Thế chiến II. Hai cha con nằm trong số hàng nghìn người chứng kiến vụ tai nạn. Khi vừa nhìn thấy hai chiếc máy bay va chạm, anh Kratovil tưởng đó là một phần của chương trình bay biểu diễn.

“Sau đó, tôi hiểu rằng, họ không có khả năng tạo ra một quả cầu lửa giữa không trung… Ôi, đây là sự thật và tôi không thể tin rằng mình đang chứng kiến một chiếc B-17 phát nổ giữa không trung”, anh Kratovil kể.

Brandi Crawford và Bob Kerr, những người chưa biết tin về vụ tai nạn, đã đến sân bay để xem buổi biểu diễn lúc 14h30, nhưng họ thấy sân bay đã bị đóng cửa. “Chúng tôi thấy rất nhiều xe cộ trên đường đến đây. Chúng tôi không nhận ra rằng đó là do một vụ tai nạn”, ông Kerr nói.

Ông Crawford, cựu chiến binh Lực lượng Không quân Mỹ, nói rằng, hôm thứ Bảy là thời điểm quan trọng để tưởng nhớ các cựu chiến binh, đặc biệt là những đóng góp cho Lực lượng Không quân và trong Thế chiến II. “Không còn nhiều cựu chiến binh Thế chiến II để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện và rút kinh nghiệm”, ông Crawford nói.

Hai máy bay chiến đấu va chạm trên không rồi rơi xuống sân bay. Video: CBS6.

Chương trình ngày cựu chiến binh

“Wings Over Dallas” là một cuộc triển lãm máy bay do Commemorative Air Force tổ chức. Đây là một tổ chức chuyên bảo quản các máy bay trong Thế chiến II có trụ sở tại sân bay.

Thứ Bảy dự kiến ​​là ngày thứ hai của chương trình ba ngày được tổ chức vào cuối tuần của Ngày Cựu chiến binh, nhưng các sự kiện dự kiến diễn ra hôm thứ Sáu đã bị hủy vì thời tiết xấu.

Lịch trình cho các sự kiện hôm thứ Bảy bao gồm một cuộc diễu hành của các máy bay ném bom, bao gồm B-17, tiếp theo là các máy bay chiến đấu hộ tống bao gồm P-63. Trang web của Commemorative Air Force đưa tin, các sự kiện được lên lịch vào Chủ nhật đã bị hủy.

Commemorative Air Force được thành lập năm 1961 và buổi biểu diễn cuối tuần là một phần của Chuyến tham quan lịch sử hàng không-không quân của tổ chức phi lợi nhuận này. Đây được coi là chuyến lưu diễn quốc gia về máy bay trong Thế chiến II.

Chương trình lưu diễn bao gồm trưng bày, biểu diễn một hoặc hai chiếc FIFI (Boeing B-29 Superfortress), một chiếc Boeing B-29 Superfortress, hoặc Diamond Lil, một chiếc B-24 Liberator (loại máy bay cực kỳ hiếm) và một số loại máy bay khác.

Ông Kratovil nói: “Thật sự rất buồn khi mất đi một trong số rất ít chiếc B-17 còn hoạt động cuối cùng trên thế giới. Đó là một phần quan trọng của lịch sử Mỹ, một phần quan trọng của lịch sử thế giới”.

Hậu quả vụ rơi máy bay ở Dallas. Video: NBC News.

Bộ sưu tập chiến đấu cơ cổ bị hư hại

Một logo trên mũi của chiếc B-17 xác định nó là chiếc máy bay Texas Raiders nổi tiếng. Theo Commemorative Air Force, Texas Raiders là một trong năm chiếc B-17 vẫn có thể bay trong số 12.731 chiếc từng được chế tạo.

Commemorative Air Force đã gọi Texas Raiders là “một trong những dòng máy bay chiến đấu được công nhận nhiều nhất và phổ biến nhất”.

Máy bay B-17 gặp nạn là một phần của bộ sưu tập của Commemorative Air Force, có biệt danh là "Texas Raiders". Nó là một trong khoảng 45 chiếc B-17 hoàn chỉnh còn sót lại, mà chỉ 9 trong số đó là còn bay được.

P-63 thậm chí còn hiếm hơn. Tất cả chỉ còn sót lại 14 chiếc, gồm 4 chiếc ở Mỹ có khả năng hoạt động trên không, trong đó có 1 chiếc thuộc sở hữu của Commemorative Air Force.

Hơn 12.000 chiếc B-17 được Boeing, Douglas Aircraft và Lockheed sản xuất từ năm 1936 đến năm 1945, trong đó gần 5.000 chiếc bị mất trong chiến tranh và phần lớn số còn lại bị loại bỏ vào đầu những năm 1960.

Khoảng 3.300 chiếc P-63 được Bell Aircraft sản xuất từ năm 1943 đến năm 1945, và chủ yếu được Không quân Liên Xô sử dụng trong Thế chiến II.

Hai máy bay chiến đấu Mỹ va nhau, nổ tung trên trời ảnh 3

Máy bay ném bom hạng nặng B-17. Ảnh: US Air Force.

Các vụ tai nạn với máy bay ném bom thời Thế chiến II

An toàn tại các triển lãm hàng không là một mối quan tâm trong nhiều năm. Kể từ năm 1982, NTSB đã điều tra 21 vụ tai nạn và 23 trường hợp tử vong liên quan máy bay ném bom thời Thế chiến II, như B-17.

Năm 2019, bảy người chết khi một máy bay ném bom rơi ở thành phố Hartford, bang Connecticut.

Năm 2011, một chiếc máy bay rơi xuống thành phố Reno, bang Nevada, khiến viên phi công và 10 người xem trên mặt đất thiệt mạng.

Năm 2015, Trong chương trình Airshow Shoreham của Anh năm 2015, một chiếc máy bay rơi xuống đường khiến 11 người tử vong và 16 người bị thương.

Hai máy bay chiến đấu Mỹ va nhau, nổ tung trên trời ảnh 4

Máy bay tiêm kích P-63. Nguồn: Weapons and Warfares.

MỚI - NÓNG