Mừng Chủ tịch Kim Nhật Thành 70 tuổi, nhà nước Triều Tiên tổ chức Liên hoan (LH) Nghệ thuật Hữu nghị Mùa Xuân tại Bình Nhưỡng, mời 70 đoàn nghệ thuật các nước tham gia. Đoàn Việt Nam có mặt gồm hơn chục thành viên với 3 ca sĩ: Quang Thọ, Ngọc Lan, Ái Xuân.
Biểu diễn, Quang Thọ hát Bài ca trung thành, nhờ tùy viên văn hóa đại sứ quán dạy phát âm. “Bài hát ca ngợi Chủ tịch Kim Nhật Thành có 3 lời, đại ý: Từ sáng sớm, Tướng quân đã đến với bộ đội, nông dân để thăm hỏi, động viên. Người đã đưa cách mạng của chúng ta đến thắng lợi, ý tưởng của người là thống nhất đất nước. Chúng ta hãy hát lên bài ca ngợi người”, Quang Thọ nhớ lại.
Đêm chung kết diễn ra tại nhà hát Mansude hiện đại nhất Triều Tiên. Nhà hát có tới 3 sân khấu, mỗi sân khấu chứa được 5.000 người, trong khi chỉ có 700 chỗ cho khán giả. Ba sân khấu không bày ra cùng lúc, mà dành để chuyển cảnh. Hạ đèn một cái, sân khấu đầu tiên được đẩy sang bên, sân khấu phía sau tiến ra thế chỗ trong nháy mắt. Bình Nhưỡng thuở ấy có 3 nhà hát như vậy. Chúng đặc biệt được thiết kế để trình diễn một chương trình nghệ thuật sử thi vào các dịp đại lễ với màn kết đủ 5.000 diễn viên và cả xe tăng trên sân khấu. Quang Thọ: “Các đoàn quốc tế tham dự LH được chiêu đãi chương trình đấy đầu tiên, xem chóng mặt luôn!”.
Đêm chung kết, Kim Nhật Thành mới tới thưởng lãm những tiết mục đặc sắc nhất. “Ông không ngồi ghế sẵn có tại nhà hát mà có hai vệ sĩ cao to khênh một chiếc ghế đi theo. Ông dừng tại đâu thì ghế sẽ được đặt xuống cho ông ngồi”, Quang Thọ kể.
Các nước hầu hết trình diễn thính phòng phương Tây, có nước hát nguyên trích đoạn opera. Đến lượt Việt Nam, chỉ Quang Thọ và chiếc đàn piano. Nghệ sĩ kể: “Những tiết mục đầu khán giả vỗ tay cũng ghê, nhưng Kim Nhật Thành chỉ vỗ tay 2-3 tiết. Tôi hát vừa dứt câu, ông ấy đứng dậy vỗ tay. Tất cả khán giả đứng dậy, vỗ tay thôi rồi…”. Đến nay Quang Thọ vẫn giữ được tư liệu thu lại tiết mục của mình qua radio. Ngoài cúp và bằng chứng nhận, các nghệ sĩ được giải còn được trao tiền mặt - là điều chưa từng có tại các kỳ LH trước. Phong bì của Quang Thọ chứa tờ séc 500USD. Đó là năm 1989.“Những tiết mục đầu khán giả vỗ tay cũng ghê, nhưng Kim Nhật Thành chỉ vỗ tay 2-3 tiết. Tôi hát vừa dứt câu, ông ấy đứng dậy vỗ tay. Tất cả khán giả đứng dậy, vỗ tay thôi rồi…”.
Nghệ sĩ Quang Thọ
Bốn năm sau, vẫn LH này, Quang Thọ lại được cử đi thi. Lần này cam go hơn. Buổi sáng, Quang Thọ và Quỳnh Liên (đoàn văn công Ngôi Sao Xanh - bộ đội biên phòng) được giao một bài hát Triều Tiên mới toanh để song ca. Mà tối hôm sau đã là đêm chung kết. Bài hát tên Kangnam - quê hương Kim Nhật Thành, là lời ru của mẹ tiễn ông đi làm cách mạng. Chuyện giao bài gấp như thế với Quang Thọ không hiếm, nhưng là ở trong nước. Đằng này là một thứ tiếng xa lạ. Ngoài lời ca, hai ca sĩ còn phải nói thật diễn cảm lời mào đầu bày tỏ lòng biết ơn với Tướng quân, với Đảng Cộng sản. Trên sân khấu tất nhiên không được nhìn giấy.
Tháng Tư bên ấy vẫn còn rất lạnh. Để nhanh thuộc bài, Quang Thọ nghĩ ra cách: “Tôi xả nước nóng vào bồn tắm, nằm trong đấy tập bài. Hồi đấy còn trẻ, đầu óc ghi nhận nhanh. Đến tối ra sân khấu, thấy tổng đạo diễn đứng trong cánh gà vẻ hồi hộp lắm. Khi tôi vừa cất tiếng nói, cảm tưởng khán giả sững lại. Lại vào bài hát, không sai một chữ. Cả rạp hoan hô không ngớt. Vào trong, đạo diễn thở phào, nói: "Tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí. Các đồng chí quá giỏi!". Và tất nhiên hai cúp vàng được trao cho đôi song ca.
Năm 2011, NSND Quang Thọ được mời đích danh sang Bình Nhưỡng hát lại Bài ca trung thành tại LH lần thứ 27. Trong tư cách khách mời, tất nhiên ông không có giải. Nhưng BTC nghĩ thế nào sau hôm trao giải lại đến tận phòng nghệ sĩ tặng cúp bạc.
Năm 1987, Quang Thọ thi LH Pop-rock ở Mông Cổ. Vòng một, ngoài 2 bài Ngọn lửa cao nguyên (Trần Tiến) và Chào em cô gái vắt sữa, lại chuẩn bị sẵn một bài Mông Cổ nữa phòng xa. Tiếng Mông Cổ dễ phát âm, lại viết bằng chữ Nga nên anh đọc được ngay, học lời rất nhanh. Y như rằng, sau bài Chào em cô gái vắt sữa, khán giả vỗ tay cuồng nhiệt. Quang Thọ ra hiệu cho ban nhạc, hát luôn bài còn lại. Khán giả càng khoái Việt Nam vì các nước khác toàn cầm giấy hát.
Ngay đêm ấy, một cô ca sĩ Mông Cổ nói tiếng Nga được cử đến để dạy cho Quang Thọ một bài hát ngắn. Hai hôm sau, vòng hai của cuộc thi tại một tỉnh khác, Quang Thọ thi xong lại bo thêm khán giả bài nữa. Vừa hát vừa đưa tay lên cao rất oai, thực ra là để… đọc lời hát chép trong lòng bàn tay. Quay lại Ulanbator thi chung kết, cô kia lại đến tập huấn bài mới. Cả thảy Quang Thọ hát 4 bài tiếng Mông Cổ.
Sáng sau đêm chung kết, giám khảo họp, Việt Nam cũng có một thành viên là nhạc sĩ Kỳ Lân. Theo ông Lân thuật lại thì mọi người rất ấn tượng với Quang Thọ. Song giám khảo Bungary ý kiến: “Đây là cuộc thi nhạc nhẹ, nhưng ca sĩ Việt Nam lại hát kiểu dân gian” - ý nói bài Chào em cô gái vắt sữa. Đấu tranh mãi, cuối cùng chủ tịch hội đồng giám khảo Ukhana - vốn học Bungary về - chấp nhận trao cho nữ ca sĩ Bungary giải Nhất, Quang Thọ, Nhì.
Hai năm trước đó, trong Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ, khán giả đã biết Quang Thọ với Chào em cô gái vắt sữa rồi. Tiệc chia tay tại Đông Gobi, ông tỉnh trưởng nói với Thứ trưởng Đình Quang, vẻ rất nghiêm chỉnh: “Chúng tôi rất yêu mến nghệ sĩ Quang Thọ. Nếu như ông ấy đồng ý, xin mời ông ấy ở lại đây, chúng tôi sẽ cho ông ấy lấy 5 cô vợ, ở 5 nhà lều!”.
“Không may” vợ Quang Thọ lại là học trò cưng của thầy Đình Quang ở trường Điện ảnh. Đình Quang nói riêng với Quang Thọ: “Tao biết con Thanh nó ghen lắm, làm sao mày đi được. Thôi khất ông ấy đi (!)”. Rồi Thứ trưởng nói với tỉnh trưởng: “Rất tiếc, Quang Thọ ở nhà đã có 2 vợ rồi”. Điều này không sai, vì hồi ở Quảng Ninh, Quang Thọ đã có một đời vợ.
Rất có thể kết quả Concour Âm nhạc Tchaikovsky 1986 đã khác, nếu nó không diễn ra trùng khớp với World Cup. Chờ thi vòng 1, Quang Thọ ở ký túc xá Nhạc viện Tchaikovsky (lọt vòng 2 mới được ở khách sạn). Hằng đêm, sinh viên tập trung xem bóng đá, reo hò ầm ĩ đến sáng. Quang Thọ chẳng ngủ được, ảnh hưởng giọng hát và bị loại.