Hai chiếc mỏ neo kỳ lạ

Hai chiếc mỏ neo kỳ lạ
TP - Ông Quách Văn Địch là người đang sở hữu hai chiếc mỏ neo thuyền cổ đặc biệt tại gia, ở phường Chương Dương, Hà Nội. Tôi đã “mục sở thị” khi theo một người bạn đến chơi nhà ông.

Chiếc mỏ neo có hai “mỏ” ông Địch “thu thập” được từ năm 1999. Hôm đó vào mùa thu, cuối chiều nhàn rỗi, ông tản bộ ra bến Chương Dương chơi.

Đến Cty du lịch Sông Hồng, đập vào mắt ông là một chiếc mỏ neo dài hơn 6 m, có 2 “mỏ” trông như một mũi tên khổng lồ nằm trên đất.

Ông quan sát và lấy tay đo thử thì thấy mỗi cạnh của “neo - mũi tên” rộng hơn 20 cm. Còn hai “tai” của “mũi tên” dài đến hơn 1m.

Nó được gắn vào thân mỏ neo bằng những chiếc chốt gỗ chắc chắn, và được buộc thêm bằng những vòng dây cuộn nhiều lớp, cứng như sắt.  Đặc biệt, phía “đuôi” còn có một đoạn dây cuộn nhiều lớp bện xoắn, xoăn tít. “Da” của nó không nứt nẻ mà trơn bóng.

Mới đầu, ông tưởng đoạn dây này được bện bằng lông ngựa, song bật lửa đốt lại thấy không khét, có tàn than. Nó được bện bằng một loại vỏ cây đặc biệt nào đó mà qua hàng trăm năm vẫn không bị hoai mục… Ông Địch thấy lạ bèn hỏi mua.

Nhân viên của Công ty du lịch Sông Hồng bảo có người dân chài sống trên sông Hồng vớt được dưới sông mang lên đây bán, song công ty chưa có tiền nên chưa mua.

Ông liền móc túi mua và chở về nhà luôn. Lúc đó, ông chưa thấy hết giá trị của nó, mà một ý nghĩ mới loé lên trong đầu rằng, đặt nó trong nhà hàng như một vật trang trí, và cửa hàng ăn do vợ ông sắp mở sẽ lấy tên là Mỏ Neo.

Một thời gian ngắn sau, có người dân chài tìm đến nhà ông Địch gạ bán chiếc mỏ neo lạ thứ hai. Ông Địch nghĩ, đã mua thì mua cho trót, cặp mỏ neo “có anh có em” trong nhà hàng càng đẹp và có ý nghĩa.

Ông mua nó và mang về chùi rửa, bày trang trọng trong nhà. Chiếc mỏ neo này hơi khác chiếc mỏ neo trước đây ông đã mua. Thân “mũi tên” nứt nẻ chạy dọc, trông như da của một con quái vật thời tiền sử. Độ dài của mỏ neo này ngắn hơn một chút và nó chỉ có một cái “mỏ” dài hơn 1m, cũng được chốt vào thân neo bằng chốt gỗ cộng với dây buộc bện xoắn.

Khi trình bày ý định đặt tên nhà hàng là Mỏ Neo, vợ ông không đồng ý. Cuối cùng chiều vợ, nhà hàng mang tên là Thanh Hằng, chuyên về các món ăn xứ Huế - quê của vợ ông. Hai chiếc mỏ neo treo trên vách nhà. Một hôm, có tốp khách người Bắc Kinh (Trung Quốc) đến quán ăn.

Thấy hai chiếc mỏ neo lạ, họ bèn chăm chú xem, sờ mó, lấy một mẩu dây đốt thử. Họ nói “xì xồ” với nhau khá lâu, sau đó hỏi mua. Cô phiên dịch nói nhỏ vào tai ông Địch rằng, đây là một vật cổ có giá trị, hình như là của thuyền cổ thời nhà Trần.

Ông Địch sửng sốt! Bấy lâu để của quý trong nhà mà không biết. Cũng như lúc mua mỏ neo, lúc đó trong ông một ý nghĩ chợt loé lên: Nó là đồ cổ, không biết của thuyền ta hay thuyền Trung Quốc, phải giữ lại cho Bảo tàng lịch sử!

Nhiều lần đoàn khách đó đến hỏi mua. Họ trả giá 30.000 USD, sau nhờ “thợ” ở Đồng Kỵ trả giá cao gấp 5 lần, ông Địch vẫn không bán. Ông lần tìm gặp các nhà chức trách có chuyên môn cao về đồ cổ ở Bảo tàng Lịch sử, Viện Sử học. Đến không gặp, ông viết thư gửi lại cho Viện trưởng.

Cuối cùng cũng gặp được. Họ nói, hai chiếc mỏ neo đó chắc chắn là đồ cổ, có từ rất xa xưa, nhưng không biết cụ thể thế nào để định giá. Hơn nữa, Bảo tàng Lịch sử không có tiền để mua hiện vật này. Họ chỉ ông Địch sang Viện Dân tộc học hỏi xem.

Ông Địch buồn chán, muốn về bán cho khách Trung Quốc. Nhưng tình cờ một hôm gặp nhà sử học Dương Trung Quốc, ông dừng ngay ý định bán hai chiếc mỏ neo cổ. Nhà sử học Dương Trung Quốc là người có tâm. Ông Quốc tìm đến tận nhà ông Địch tìm hiểu. Sau đó ông Quốc cùng TS. Vũ Thế Long ở Viện Sử học đã chụp ảnh hai chiếc mỏ neo cùng lời chú giải gửi sang nhờ một nhà nghiên cứu Nhật Bản giám định hộ.

Hiện nay ông Địch đang chờ hồi âm để biết được hai chiếc mỏ neo này là của thuyền cổ Trung Quốc hay của ta, thuyền chiến hay thuyền vận tải? Mong muốn cuối cùng của ông là bán lại hai chiếc mỏ neo này cho Bảo tàng Lịch sử, số tiền bán được ông sẽ dành một phần lớn làm từ thiện.

Nhà chức trách cần nhanh chóng có nghiên cứu nghiêm túc về chiếc mỏ neo kỳ lạ này để cổ vật quý hiếm không  “chảy máu” về miền đất lạ. 

MỚI - NÓNG