Hai chị em gái trên hoang đảo

Hai chị em gái trên hoang đảo
TP - Ở bãi Giếng Tiên có rất nhiều mai rừng, Xuân về mai nở hoa vàng rực. Theo tập tục từ hồi nào ở đảo, ngày Tết, người dân kéo nhau từng nhóm đi chúc Tết nhau, nhất là những gia đình bám đảo từ thuở hoang sơ heo hút như gia đình cô Hồ Ngọc Hiền và Hồ Ngọc Nhẫn.

Giếng Tiên và lời dặn

Bãi Giếng Tiên cách đảo Lớn vài cây số đường biển, thuộc quần đảo Nam Du cách đất liền hơn 90 km.

Ở bãi Giếng Tiên chỉ có hai chị em gái Hồ Ngọc Hiền và Hồ Ngọc Nhẫn, sống trong ngôi nhà cây lá giữa núi rừng, biển cả mênh mông để giữ đảo.

Tách biệt hoàn toàn với khu dân cư ở đảo Lớn, địa danh hành chính thì bãi Giếng Tiên thuộc ấp Củ Tron, xã An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang).

Theo người dân ở đảo Lớn, cô Hồ Ngọc Hiền sinh năm 1953 và Hồ Ngọc Nhẫn sinh năm 1955, ở đảo nay đã gần 60 năm.

Biết gia đình hai cô không sống nghề đánh bắt, người dân chuẩn bị một số cá tươi, cá khô để biếu tặng, còn hai cô tặng lại những cành mai vàng.

Cô Ngọc Hiền tươi cười: “Nhờ vậy, chị em tôi cảm thấy ấm lòng, không đơn độc mỗi lúc Xuân về”.

Các đảo ở quần đảo Nam Du mùa hạn đều khô nước. Giữa núi rừng, biển cả tìm cho được một mạch nước ngọt thật là khó.

Thế nhưng, trong khu rừng cuối đảo Lớn có một hố bằng đá sâu hơn một mét, ngang 1,5m, nước ngọt chảy ra liên tục, không ai biết cội nguồn nhưng từ đó các ghe thuyền đánh bắt cũng như bà con ở quanh bãi đều ghé lại đây lấy nước ngọt. Tên gọi bãi Giếng Tiên vì thế.

 Giếng Tiên. Ảnh: Tùng Huyên
Giếng Tiên. Ảnh: Tùng Huyên.

Năm 1954, ông Hồ Văn Cao (sinh năm 1919) cùng vợ Nguyễn Thị Tường (sinh năm 1917) đem theo con gái Ngọc Hiền mới mấy tháng tuổi, đến hoang đảo lập nghiệp.

Biết bãi Giếng Tiên quanh năm có nước ngọt nên vợ chồng ông đã chọn nơi cất cái chòi tạm, ngày ngày ông khai hoang trồng trọt, đêm đêm ra bãi câu mực, câu cá đổi gạo sống qua ngày.

Năm sau, trên bãi có tiếng khóc bé gái Hồ Ngọc Nhẫn chào đời, vợ ông đã ban tặng một thành viên mới càng làm cho gia đình ấm cúng hơn.

Từ đó, ông Cao càng hăng say lao động, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ ra đã biến mảnh đất hoang trở thành khu vườn sum suê dừa, mít, xoài.

Năm 1991 bà Nguyễn Thị Tường vợ ông Cao qua đời. Năm 1996, ông Cao ra đi theo bà. Trước khi lâm chung, ông gọi hai người con gái lại dặn cố gắng giữ gìn mảnh đất suốt cả cuộc đời vợ chồng ông gian nan tạo dựng.

Thân gái giữa chốn rừng hoang với bao gian nan, có lúc họ muốn rời bỏ bãi ra đi. Mỗi lúc khó khăn, hai chị em thường ra mộ cha mẹ xin sức mạnh để làm tròn lời ủy thác.

Giữ đảo

Qua 17 năm từ khi ông Cao mất, cô chị đã 60 tuổi. Cô Ngọc Hiền dáng người thanh cảnh, nước da trắng mịn, cho biết: “Cuộc sống ở bãi hai chị em tôi nhờ vào huê lợi dừa, xoài, mít để đổi lấy gạo và thực phẩm. Ngoài ra, ban ngày bắt ốc theo ghềnh, ban đêm câu mực để tìm cái ăn”.

Hai chị em nuôi rất nhiều chó và cô Ngọc Hiền cho biết thêm: “Chị em chúng tôi là gái độc thân ở giữa rừng biển, chỉ có những con chó là trung thành nhất, nó giữ yên cho chúng tôi trong những đêm dài, nhờ có chúng mà bớt đi cảnh những cha nhậu say xỉn chạy ghe đến tìm”.

Hai chị em không ngại sức yếu kiên trì khai phá đất để canh tác. Đến nay, họ có hai đám vườn rộng hơn 1,3 ha sum suê.

Cô Ngọc Hiền cười tươi: “Cuộc sống ở bãi hoang, chị em chúng tôi thích nghi với mọi công việc, khi cần leo trèo cũng biết, phá rừng đốn cây làm rẫy cũng như đàn ông”.

Tháng 11-2003, hai cô được tặng căn nhà tình thương cột cây, nay đã xuống cấp, xiêu vẹo. Nhìn quanh chẳng có chiếc xuồng, chiếc ghe nào.

Cô Ngọc Hiền bảo: “Con gái ở hòn, ở bãi trời thương nên rất ít bệnh, vả lại trong nhà lúc nào cũng có thuốc cảm, thuốc đau bụng dự trữ phòng đêm hôm trúng gió trở trời. Ban ngày có các ghe lặn ốc, ghe buôn bán qua lại, thiếu gì mình gửi mua”.

60 năm qua ở bãi Giếng Tiên, hai chị em vẫn chung thủy với ánh đèn dầu leo lét trong những đêm dài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
TPO - Bộ Xây dựng cho biết, việc nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới thời gian qua được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.