Hai cách nhìn về sự trừng phạt Iran

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Azumi (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner Ảnh: AP
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Azumi (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner Ảnh: AP
TP - Ngày 12-1, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm của ông với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner rằng thế giới không thể bỏ qua vấn đề phát triển hạt nhân của Iran.

> Nhật, Trung tranh cãi về quần đảo tranh chấp

Ông Azumi nói rằng Nhật Bản hiểu các hành động cấm vận của Mỹ đối với Tehran và do vậy Tokyo bắt đầu giảm nhập khẩu dầu từ Iran theo kế hoạch càng sớm càng tốt. Bộ trưởng Azumi cho biết, hiện nay 10% lượng dầu nhập của của Nhật Bản đến từ Iran.

Sự hưởng ứng của Nhật Bản đối với chiến dịch tăng thêm trừng phạt của Mỹ đối với Iran khác hẳn sự phản ứng lạnh lùng của Trung Quốc đối với đề nghị tương tự của Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Trước khi tới thăm Nhật Bản, ông Geithner thăm Trung Quốc hai ngày. Đây là một phần trong chiến dịch của Mỹ vận động các nước đang nhập khẩu nhiều dầu mỏ của Iran ủng hộ cuộc cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Iran, không hoặc giảm nhập khẩu dầu của Iran.

Các quan chức Mỹ cho rằng, do giá trị xuất khẩu dầu mỏ chiếm đến 80% tổng thu ngân sách của Iran nên nếu mất nguồn thu này, chính phủ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Iran dọa sẽ trả đũa sự trừng phạt bổ sung này của Mỹ và phương Tây bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz hiện là đường trung chuyển lượng dầu mỏ bằng 1/5 lượng dầu mỏ thế giới.

Trung Quốc chỉ trích sự trừng phạt của Mỹ đối với Iran vì cho rằng đó là sự trừng phạt đơn phương và không có tác dụng răn đe đối với Tehran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin cho rằng, việc đặt luật nội địa của một quốc gia lên trên luật pháp quốc tế rồi sau đó ép các nước khác phải theo là điều không thể chấp nhận được. Ông Weimin cho biết Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran về chương trình hạt nhân, nhưng sự trừng phạt đó phải là đa phương chứ không thể là đơn phương.

Hiện nay, mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu từ Iran 600.000 thùng dầu, tương đương 1/3 tổng lượng dầu xuất khẩu của Tehran. Là quốc gia tiêu thụ năng lượng hóa thạch lớn nhất thế giới, Trung Quốc nhập khẩu lượng dầu mỏ từ Iran tương đương 11% tổng lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh. Do vậy, Trung Quốc sẽ là một thành viên nặng ký trong việc ủng hộ hay không cuộc cấm vận bổ sung của Mỹ đối với Iran trong các nỗ lực mới nhằm gây sức ép buộc Tehran ngừng chương trình làm giàu uranium của mình.

Các chuyên gia cho rằng, việc Tokyo giảm nhập khẩu dầu Iran có thể tác động tiêu cực không lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản vì nước này có thể chuyển sang nhập dầu bổ sung từ các nước sản xuất nhiều dầu mỏ khác như Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất…

Chuyên gia kinh tế Hiromichi Shirakwa cho rằng, việc tăng giá dầu thế giới có thể dẫn đến sự mất ổn định kinh tế toàn cầu. Cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran được các nhà lãnh đạo Nhật Bản đưa ra đúng thời điểm Nhật Bản ở giai đoạn thiếu hụt năng lượng nhiều nhất. Sau thảm họa kép động đất, sóng thần, hầu hết trong số 54 nhà máy điện nguyên tử của Nhật Bản đang ngừng hoạt động để bảo dưỡng.

Bộ trưởng Geithner cho biết Mỹ đang tham vấn chặt chẽ các nước trên thế giới nhằm tăng cường sức ép lên Iran bằng cách cắt đứt mối liên hệ của ngân hàng trung ương Iran với hệ thống tài chính quốc tế. Đồng thời, việc giảm mua dầu của Iran là nhằm làm giảm đáng kể nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Đ.P
Theo AP, BBC, Ria-Novosti

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG