Dự án xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp hơn 3.000 tỷ đồng:

Hai ba nơi cùng làm một nhiệm vụ là lãng phí

Mô hình V-KIST tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: KOICA
Mô hình V-KIST tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: KOICA
TP - GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ suy nghĩ liên quan “siêu dự án” xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp Việt Nam - Hàn Quốc (gọi tắt là V-KIST) sắp được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trình Chính phủ.

Kỳ vọng tạo ra mô hình mới ở Việt Nam

Dự án xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp V-KIST (Tiền Phong có bài Hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp, ngày 6/11/2013) dự kiến trình Chính phủ trong quý 1/2014.

Theo Bộ trưởng Bộ KH &CN Nguyễn Quân, hiện Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Hàn Quốc (KOICA) đã bố trí 35 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Phía Việt Nam cũng bố trí vốn đối ứng gồm giá trị quyền sử dụng đất, hạ tầng và nguồn chi thường xuyên những năm đầu xây dựng Viện. Trong năm 2014, Bộ KH &CN sẽ trình Quốc hội một nghị quyết riêng cho V-KIST với những ưu đãi về cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ.

“Tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, một nhiệm vụ khoa học không thể hai, ba nơi cùng làm, vừa gây lãng phí vừa làm hại cả một hệ thống khoa học. Vì thế, tôi cho rằng cần có sự phân định rạch ròi nhiệm vụ khoa học công nghệ của V-KIST với hệ thống cơ sở nghiên cứu đang có”

 GS. TSKH Ngô Việt Trung

Trước thắc mắc “Việt Nam hiện có hơn 600 viện, trung tâm nghiên cứu của Nhà nước, tại sao phải xây thêm V-KIST”, Bộ trưởng Quân cho biết, tất cả các cơ sở nghiên cứu trên đều hoạt động theo cơ chế từ mấy chục năm nay với những nút thắt về cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ và phương thức đầu tư. Việc thay đổi là không thể. Khung pháp lý hiện nay chưa cho phép thay đổi và bản thân nhiều viện trưởng, nhà khoa học cũng không muốn thay đổi.

Theo ông, mục đích xây dựng V-KIST là tạo ra một mô hình mới ở Việt Nam. Với cơ chế hiện nay, ai làm viện trưởng cũng được, vì Nhà nước lo hết. Với V-KIST, viện trưởng sẽ giống như ông chủ doanh nghiệp.

Hai ba nơi cùng làm một nhiệm vụ là lãng phí ảnh 1

GS. TSKH Ngô Việt Trung

V-KIST sẽ không sống bằng tiền nhà nước mà sống bằng tiền từ các hợp đồng đặt hàng nghiên cứu của các doanh nghiệp. Nó cũng có một cơ chế hoạt động riêng với những đổi mới về cơ chế tài chính, đãi ngộ so với hiện nay, tiến gần tới đẳng cấp quốc tế. “Chúng tôi muốn thí điểm mô hình mà khi nó thành công thì có thể nhân rộng và áp dụng cho toàn quốc”, ông Quân nói.

Nên xây dựng với quy mô rất nhỏ

Đồng tình với quan điểm cần có một mô hình mới với cơ chế đặc biệt cho nghiên cứu khoa học, GS Ngô Việt Trung chia sẻ: “Phải có những dự án với cơ chế nằm ngoài khuôn khổ thông thường về quy chế tổ chức và hoạt động, tài chính, đãi ngộ để thực sự cởi trói cho khoa học. Cơ chế đặc biệt này phải trở thành thông lệ trong tương lai. Trước mắt, để nó trở thành bình thường phải bắt đầu từ những cái không bình thường như V-KIST. Quan trọng nhất là quy chế tổ chức và hoạt động như thế nào”.

Theo GS Trung, một dự án lớn như V-KIST cần có đồng thuận cao của giới khoa học. Kinh nghiệm từ dự án Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho thấy, phải lấy ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu. Ban đầu có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng sau đấy thì sẽ có được sự đồng thuận của đa số. Tôi nghĩ một dự án như V-KIST không thể chỉ là ý định của một nhóm người không đại diện cho cộng đồng khoa học. Cộng đồng khoa học mới là nhân tố quyết định sự thành công của V-KIST.

Cũng theo GS Trung, một viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế như V-KIST phải do người Việt Nam làm chủ đạo đồng thời phải nhận được sự hợp tác cộng tác của các nước tiên tiến. Việc lựa chọn hợp tác chỉ với một quốc gia là điều nên cân nhắc. Ông cho biết, Việt Nam đã có bài học từ việc xây dựng Đại học Quốc tế Việt- Pháp, Việt - Đức.

“Hiện chúng ta vẫn chưa xây dựng được lực lượng của người Việt ở đó. Nếu người Pháp hay người Đức rút đi là hai trường này tan ngay. Hơn nữa, chúng ta quan hệ chuyên với một nơi thì không thể quan hệ được với nơi khác nữa. Thế không gọi là đẳng cấp quốc tế được. Chúng ta xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp Việt Nam thì được chứ tập trung nguồn lực cho Viện nghiên cứu cao cấp Việt Nam - Hàn Quốc chưa chắc đã là tốt, nhất là trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta có hạn và chúng ta cần sự hỗ trợ quốc tế từ nhiều nguồn khác nhau”, GS Trung nói.

Vị GS cũng cho rằng, điểm khác biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc khi xây dựng V-KIST và KIST ở chỗ: Hàn Quốc xây dựng KIST khi cả nước gần như không có một viện nghiên cứu nào cả trong khi ở Việt Nam đã có cả một hệ thống các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm.

Theo ông, trong cơ chế của V-KIST cần giải quyết tốt các mối quan hệ với hệ thống các cơ sở nghiên cứu hiện có.

“Nếu chúng ta tập trung hết lực lượng tinh hoa ở V-KIST thì các cơ sở khác thiếu đi các nhà khoa học giỏi mà bản thân các cơ sở ấy cũng cần người giỏi để phát triển.

Hơn nữa, tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, một nhiệm vụ khoa học không thể hai, ba nơi cùng làm, vừa gây lãng phí vừa làm hại cả hệ thống khoa học. Tôi cho rằng cần có sự phân định rạch ròi nhiệm vụ khoa học công nghệ của V-KIST với hệ thống cơ sở nghiên cứu đang có”, GS Trung nói.

Nhà khoa học đề xuất thêm, V-KIST, trước mắt nên xây dựng với một quy mô rất nhỏ, thu hút các chuyên gia khoa học để giải quyết những vấn đề khoa học, công nghệ thực sự cấp bách hiện nay của đất nước. Quan trọng hơn là phải sắp xếp lại hệ thống các viện nghiên cứu hiện nay, tập trung việc đầu tư cho khoa học về một mối để tránh tình trạng đầu tư dàn trải ở khắp các địa phương, các bộ và các ngành.

MỚI - NÓNG