Hai ấp nghèo nhất ở một tỉnh nghèo

Hai ấp nghèo nhất ở một tỉnh nghèo
TP - Ấp Xẻo Trâm và ấp 4, thuộc xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp, được tỉnh Hậu Giang giới thiệu là nghèo nhất tỉnh.

> Ngậm ngùi lo Tết
> Ấp 'đại học' ở Hậu Giang

Không có học sinh lớp 12

Bí thư ấp Xẻo Trâm Lê Út Em kể, ấp Xẻo Trâm có 214 hộ, trong đó 151 hộ nghèo (gần 70,6% tổng số hộ); về nhà cửa, khoảng 60 hộ có nhà xây tường mà chủ yếu là nhà tình nghĩa, tình thương và hỗ trợ người nghèo, còn lại nhà cửa tạm bợ. “Khó thoát nghèo nếu không có con đi làm thuê nơi khác”, ông Út Em nói.

Hỏi: “Ấp có con em tốt nghiệp đại học, cao đẳng không?”. Ông Út Em trả lời: “Làm gì có. Từ ngày lập ấp tới giờ, học sinh lớp 12 cũng chưa hề có, mới có mấy đứa học đến lớp 11 mà thôi. Đa số học hành chỉ tới lớp 6, lớp 7 là nghỉ. Cũng từ hồi nào tới giờ, ấp Xẻo Trâm không tuyển được thanh niên đi nghĩa vụ quân sự vì thiếu trình độ văn hoá”.

Những căn nhà ở ấp Xẻo Trâm, gia chủ bỏ đi hơn năm chưa về
Những căn nhà ở ấp Xẻo Trâm, gia chủ bỏ đi hơn năm chưa về.

Ấp Xẻo Trâm hiện chỉ có một lớp mẫu giáo. Ông Út Em cho biết, trước đây cũng có một điểm trường tiểu học với hai lớp 1 và 2, “nhưng con nít bỏ học dần, năm 2012 chỉ còn 25 đứa, năm nay còn ít hơn nên cho chúng sang học điểm trường ở ấp bên cạnh”.

Xẻo Trâm là vùng kinh tế mới, ra đời năm 1997, đưa dân từ nơi khác đến, mỗi hộ được cấp 1.320 m2 đất. Lại là vùng phèn nặng, nên dân ấp Xẻo Trâm trồng trọt và chăn nuôi đều khó khăn.

Ông Trần Văn Đa, sinh năm 1965, có vợ và 4 con. Hai con đầu đã nghỉ học đi làm thuê, hai con sau đang học trung học cơ sở.

Ông kể, năm 2009 được xã giúp đỡ vay ngân hàng chính sách 6,5 triệu đồng nuôi cá thát lát, năng suất thấp lại gặp khi cá mất giá, chỉ trả được 1,5 triệu đồng, còn lại phải xin xoá nợ.

Người ông gầy đen, nụ cười buồn càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo già hơn tuổi, “vợ chồng tôi làm mướn sinh sống, việc cũng ít, khi có việc ngày được trăm ngàn đồng”.

Cách nhà ông Đa một quãng, ông Lê Văn Vinh sinh năm 1967 có vợ và 2 con, một con đã nghỉ học đi làm thuê ở Cần Thơ. Gia đình ông Vinh được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ vốn nuôi heo và làm túi biogas đun nấu.

Bà Vinh than thở: “Nuôi heo lỗ, nhờ nấu rượu mới lời được chút đỉnh”. Cả ấp Xẻo Trâm có 33 hộ phụ nữ được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ nuôi heo với làm túi biogas, cũng như 17 hộ thanh niên được Đoàn thanh niên hỗ trợ vốn nuôi heo, đều chưa khá lên được.

Gia đình khá nhất ấp

Ấp Xẻo Trâm ở đầu này, ấp 4 ở đầu kia xã Hoà An, cách nhau chục cây số. Nếu ở ấp Xẻo Trâm sự nghèo khó do cá và heo những năm qua mất giá, thì ở ấp 4 lại do mất giá lúa và mía.

Ấp 4 có 296 ha lúa và 26 ha mía, có 450 hộ với 1.884 người, bình quân đất nông nghiệp một hộ chưa đến 0,72 ha. Năm qua, mía được một nhà máy trong vùng hợp đồng bao tiêu nhưng vào vụ, nhà máy lại ngừng hoạt động vì sản xuất lỗ. Lúa thì năng suất cao mà hiệu quả luôn thấp do giá thấp.

Trưởng ấp kiêm Bí thư chi bộ ấp Nguyễn Thị Hoa Huệ cho biết, ấp còn 33,3% số hộ nghèo, 7,1% số hộ cận nghèo, và 14% số hộ nhà cửa tạm bợ, “có hộ nghèo cha truyền con nối vì không có đất sản xuất”.

Đứng trên một chiếc cầu nhìn xuống dòng kinh, vừa lúc có đàn vịt đi qua, thấy nước đục ngầu. Ấp 4 mới có gần 17,8% số hộ có nước sạch sinh hoạt, còn lại đang phải múc nước kinh lóng phèn để sử dụng.

Khá giả hàng nhất ấp 4 là hộ ông Lý Vững Miền, có 1,5 ha đất làm một năm ba vụ lúa. Ông Miền kể, giá lúa như hiện nay, một năm gia đình ông lấy công làm lời được khoảng 40 triệu đồng, thêm nuôi heo nái với rau cám sẵn có lời thêm 15 triệu đồng nữa, tổng cộng 55 triệu đồng.

Gia đình ông có 5 người, tính ra bình quân một tháng một người thu nhập hơn 916.000 đồng. “Nhà nông nhờ có gạo, rau trồng được, nuôi thêm gà, vịt, cá nên mới xoay xở được cuộc sống không thiếu thốn”, ông Miền tâm sự.

Khi ngồi ở nhà ông Miền, có ông Trần Ngọc Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Hoà An, nên câu chuyện xoay sang việc dạy nghề cho nông dân để hy vọng thoát nghèo trong điều kiện sản xuất nông nghiệp quá bấp bênh.

Ông Vũ nói “khó lắm!”. Năm 2012, tỉnh và huyện giúp xã mở lớp đan lát thủ công cho 60 người nhưng học xong không có việc làm thường xuyên, may mặc và sửa xe máy thì học ba tháng không thể độc lập hành nghề.

Có một công ty may trong huyện về tuyển lao động, lấy người từ tuổi 18 đến 35, lương tháng 1,8 triệu đồng. Phó trưởng ấp 4 Dương Minh Hải nói: “Lương thấp như thế, dịp tết về nhà là sạch túi”.

Cả xã Hoà An đang có hơn 2.000 người (11% dân số) đi xa làm thuê, chủ yếu công việc tay chân. Cố gắng học hành thì chủ nhà Lý Vững Miền buồn bã: “Con gái đầu của tôi tốt nghiệp cao đẳng chưa kiếm được việc làm”.

Không phải là đất chết

Mới Tết 2012 chứ chưa lâu, dân ấp Xẻo Trâm tổ chức múa lân, đài truyền hình địa phương cử phóng viên xuống quay, tối phát lên màn ảnh nhỏ.

Bí thư Tỉnh uỷ Huỳnh Minh Chắc xem truyền hình, thấy người múa lân đội cái thúng rách, quấn tấm khăn cũng chẳng lành. “Tết nhất mà nghèo vậy sao?”, ông kể là ông đã bất giác thốt lên như thế.

Rồi ông tức tốc xuống tận nơi, chao ôi là nghèo thật! Đường không có đi mà điện cũng chưa có. Mấy tháng sau, ấp Xẻo Trâm có điện, có cầu, có đường bê tông dài gần năm cây số khiến dân phấn khởi”.

Lãnh đạo tỉnh về với dân nghèo, đương nhiên lãnh đạo huyện không thể ngồi phòng lạnh, còn lãnh đạo xã và ấp thì thêm hăng hái.

Phó chủ tịch UBND xã Hoà An Trần Ngọc Vũ bộc bạch: “Cái dự án nuôi cá thát lát ở ấp Xẻo Trâm năm trước chưa thành công, nhưng bây giờ thì thấy phải làm lại, cho thành công mới được”.

Vợ chồng ông Trần Văn Đa với ngó sen ở đất phèn nặng
Vợ chồng ông Trần Văn Đa với ngó sen ở đất phèn nặng.

Đi trên đất Xẻo Trâm nặng phèn bạc trắng, trong nắng ấm đầu năm, cảm giác không khí ong ong rất lạ. Lúc gặp vợ chồng ông Trần Văn Đa đi hái ngó sen về, bất ngờ thấy ngó sen nõn nà.

Ông Đa dừng lại kể, mượn được đám lung để trồng sen, nhổ ngó bán. Sen ta thường một năm lụi tàn mấy tháng nhưng ở đây, nông dân biết cách giữ tươi tốt quanh năm, ông Đa nhổ một tháng vài đợt, một đợt bán được 800.000 đồng.

Khi nghe Phó chủ tịch xã Trần Ngọc Vũ nói muốn trở lại dự án nuôi cá thát lát, ông Đa hưởng ứng liền, bảo vợ chồng ông mong được tiếp tục tham gia để quyết thoát nghèo.

Có thể thấy, đất phèn nặng không phải là đất chết, hơn thế, biết đâu là một tiềm năng lớn. Và khát khao thoát nghèo cùng sức sáng tạo của người nông dân còn là tiềm năng lớn hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.