Hai anh tài xế tử tế

Hai anh tài xế tử tế
TPO - Trên cõi đời này chẳng có gì quí bằng mạng sống con người. Và, trong bối cảnh giao thông hỗn loạn như ở Việt Nam hiện nay, hành vi của bạn khi lưu thông trên mọi nẻo đường đất nước sẽ cho mọi người thấy bạn có quí mạng sống con người hay không.

Mỗi quốc gia có nỗi lo riêng, thường được báo chí gọi là “quốc nạn”. Người Nhật coi động đất là quốc nạn, vì đảo quốc này nằm trên vệt nứt gãy của địa cầu, nên ngày nào cũng có động đất. Người Mexico coi sự cát cứ, tranh giành lãnh địa của các băng đảng mafia, những băng nhóm buôn lậu ma túy là quốc nạn. Đối với một số nước châu Phi, cái sự đói dai dẳng cũng mang tầm quốc nạn. Ở Việt Nam, vấn đề tai nạn giao thông (TNGT) nhiều năm qua cũng mặc nhiên trở thành quốc nạn.

Hiện nay, chưa bao giờ số TNGT trên tất cả các “mặt trận”: đường bộ, đường sắt, đường thủy lại diễn ra dồn dập như mấy năm qua. Nói cách khác, TNGT diễn ra như cơm bữa.

Số người tử nạn vì TNGT ở nước ta xem ra còn cao hơn số người chết vì chiến tranh ở Afghanistan. Một nhà báo kể với tôi rằng, lúc theo học khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ở Thụy Điển, anh thấy trên một tờ báo có hình 2 chiếc xe tải đấu đầu nhau, không ai chết, 2 tài xế chỉ xây xát nhẹ. Vậy mà người ta đăng tấm ảnh ấy chiếm hết nửa trang báo, ngay trang nhất. Hỏi ra mới biết ở nước họ lâu lắm rồi mới xảy ra một tai nạn như vậy. Đối với họ, như vậy đã là một sự kiện kinh khủng lắm rồi.

So với Việt Nam, những TNGT đại loại như ở Thụy Điển nêu trên chẳng nhằm nhò gì.

Có nhiều nguyên nhân để giải thích vì sao TNGT ở nước ta lại nhiều đến thế. Tất cả chỉ vì nhân tai. Một anh tài xế mải mê nghe điện thoại di động, chiếc xe bị máng vào đoàn tàu lửa đang chạy ngang: 9 người trên ô tô chết; Một người điều khiển xe máy cố tình băng qua đường dân sinh mặc dù tàu lửa đã đến gần: 1 người chết; Một chiếc xe tải lạc tay lái do tài xế ngủ gật lao vào chợ chồm hổm ven đường: 5 người chết; Một chiếc xe tải lao vào đường cấm tông vào xe gắn máy: 2 người chết; Một chiếc ô tô mất phanh lao thẳng vào những chiếc xe máy đang chờ đèn đỏ: 3 người chết; Một chiếc xe chở thi thể thân nhân đem về quê an táng đâm sầm vào một chiếc xe tải đậu ven đường trong đêm tối: thêm 4 người chết; Một du thuyền đang neo đậu trên vịnh Hạ Long ngủ đêm bị nước tràn vào; nhiều du khách ngoại quốc tử nạn; Một chiếc thuyền nhà hàng bị gió mưa đập mạnh, nhấn chìm xuống sông: 16 người tử vong…Chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam vậy?

Tất cả những sự vụ vừa đau lòng vừa căm phẫn nêu trên đều do lỗi của người cầm lái gây ra. Rất nhiều tài xế đã tử vong tại chỗ. Nhưng nếu tài xế không chết thì sao? Có một điều đáng báo động hiện nay là nhiều tài xế tông chết người rồi… chạy luôn, cố tình rũ bỏ trách nhiệm. Có người chạy thoát được, nhưng cũng có người bị quần chúng đuổi theo vây bắt, giao công an. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước văn minh, vốn rất có trách nhiệm mỗi khi vô tình xảy ra tai nạn giao thông. Vấn đề này thuộc về phạm trù đạo đức. Câu chuyện tôi sắp kể ra đây thuộc về phạm trù này.

Vào trung tuần tháng 6-2011, tôi cùng một anh bạn thuê một chiếc ô tô từ quận 1, TP Hồ Chí Minh đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dự tiệc cưới với giá 1 triệu đồng. Chiếc Toyota này màu xám lông chuột, vì lý do tế nhị và để ngắn gọn xin tạm gọi Grey.

Chiều chủ nhật đẹp trời hôm ấy chúng tôi trở về TP.HCM. Khi đang lưu thông trên đường Lương Định Của, thuộc phường Bình An, quận 2 với tốc độ chậm (vì đường hẹp) thì gặp sự cố. Ở làn đường hướng ngược lại có một anh chàng trẻ tuổi chạy xe gắn máy với tốc độ cao, đâm một cái “rầm” vào đuôi chiếc Toyota 7 chỗ màu đen (xin tạm gọi Black), rồi cả người và xe ngã sang làn đường bên này cách chiếc Grey chỉ vài mét.

Anh tài xế Grey đạp phanh ngay lập tức, chiếc xe máy bị bể thành nhiều mảnh, còn người điều khiển thì nằm bất động dưới bánh trước bên trái. May mà chiếc Grey không cán qua người. Tai nạn xảy ra ngay trước một tiệm bi-da, hàng chục cơ thủ chạy ra xem trong khi tay vẫn còn cầm cây cơ.

Tôi và anh bạn bước xuống xe, mấy tay cơ thủ và cư dân địa phương cùng nhau nâng chiếc Grey lên để lôi anh chàng chạy xe máy ra ngoài. Rất may là anh này còn sống. Sau đó, anh tài xế Grey bỏ xe và 2 đứa tôi lại, đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Rõ ràng tài xế xe Grey không có lỗi, và theo những gì chúng tôi tận mắt nhìn thấy thì chiếc Black cũng không có lỗi. Tài xế xe Black là một thanh niên cao ráo đẹp trai, ăn mặc lịch sự, đã tấp xe của mình vào lề đường cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 20 mét.

Tiếp xúc, làm quen với chúng tôi, anh tài xế Black tâm sự: “Xe của mấy anh bị vạ lây chứ đâu có lỗi, xe tôi cũng vậy. Nếu tôi cố tình chạy luôn thì cũng không ai biết, mọi tội lỗi sẽ dồn vào xe của mấy anh”. Đó là lời nói chân thật.

Tài xế xe Black dừng lại vì lương tâm của một người cầm lái không cho phép anh ta biến mất khỏi hiện trường. Anh ta dừng lại còn vì lý do khác: làm chứng cho chiếc Grey vô tội. Trong bối cảnh ấy, anh ta là một người đàng hoàng.

Rõ ràng, cả 2 xe Grey và Black đều không có lỗi. Họ - không hề uống rượu bia trước khi ngồi vào vô-lăng - chỉ là nạn nhân “tai bay vạ gió” bởi một gã chạy xe gắn máy bạt mạng. Hãy nói một chút về gã đệ tử Lưu Linh này. Lúc đang được cấp cứu (gãy xương hàm) ở bệnh viện quận 2, khi được cơ quan chức năng lấy lời khai, anh ta nói không nhớ gì cả vì…quá xỉn!

Khi chủ chiếc Grey mang giấy tờ đến, tôi và anh bạn giao lại chìa khóa ô tô cùng 1 triệu đồng tiền thuê xe như đã thỏa thuận, rồi đón taxi qua quận 1.

Cảnh sát giao thông sau khi lập biên bản vụ tai nạn đã đưa 2 chiếc Grey và Black cùng chiếc xe máy của đệ tử Lưu Linh về cơ quan. Hai ngày sau, cảnh sát mời 2 anh tài xế ô tô đến nhận xe về. Kết luận của cảnh sát giao thông: người điều khiển xe máy có lỗi tất cả, 2 tài xế ô tô vô tội.

Theo đó, anh chàng say rượu phải bồi thường cho sự hư hại của chiếc Black. Anh tài xế Black thổ lộ: thấy người điều khiển xe máy không phải gia đình khá giả, vả lại còn phải điều trị cho cái cằm bị bể nên không buộc bồi thường mà còn cho anh ta 1 triệu đồng lo thuốc thang. Anh tài xế Grey cũng đồng cảm tặng cho “kẻ gây án” 1 triệu đồng, coi như ngày hôm ấy lỗ sở hụi. May mà còn sống, chứ nếu gã đệ tử Lưu Linh ấy tử vong thì chắc là rắc rối to.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta thường thấy tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn, tạm thời ẩn ở một nơi nào đó, hoặc chạy thẳng đến cơ quan công an để được bảo vệ. Tại sao? Vì nếu ở lại, rất có thể anh ta sẽ bị thân nhân của người chết hoặc cư dân địa phương “xử” vì tức giận, không cần biết lỗi do ai.

Đó là thực trạng bi thương đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Nó bi thương ở chỗ có nhiều người coi thường mạng sống của mình đã đành, mà quên rằng sự cẩu thả trong việc điều khiển phương tiện giao thông còn có nguy cơ cướp đi sinh mạng của người khác. Ai đó hài hước nói rằng ngồi trên xe lưu thông khắp mọi nẻo đường ở Việt Nam hiện nay chẳng khác nào tham dự vào tour… “du lịch mạo hiểm”!

TNGT đang là nỗi ám ảnh của tất cả chúng ta.

Đoàn Xuân Hải
TP. Hồ Chí Minh

Bạn có thể gửi bài dự thi cuộc thi “An toàn giao thông - hạnh phúc của bạn” tới địa chỉ email: tienphongonline@gmail.com.

Để chính xác về nội dung,  bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Bạn có thể tìm hiểu thể lệ cuộc thi tại đây.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.