Hai anh em giành giải Nhất học sinh giỏi quốc gia
> Không đi học thêm, vẫn đạt điểm trung bình 9,6!
> Tiếp tục thi độc thoại với môn Ngoại ngữ kì thi HS giỏi quốc gia
> Tuyên dương học sinh giỏi quốc gia và đỗ ĐH điểm cao
Mới đây, em Nguyễn Thị Như Quỳnh trở thành nữ sinh duy nhất của Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đoạt giải Nhất quốc gia môn Sinh học. Trước đó, anh trai Quỳnh đã giành giải Nhất quốc gia môn Địa Lý năm 2006.
Nguyễn Thị Như Quỳnh. |
Như Quỳnh sinh ra trong gia đình có truyền thống là nhà giáo khi cả bố mẹ và anh trai của Quỳnh đều là giáo viên. Anh trai Quỳnh là Nguyễn Văn Trình (đoạt giải Nhất quốc gia môn Địa Lý năm 2006) không chỉ là tấm gương mà còn là động lực để từ đó cô bạn vươn lên trong học tập.
Ngay từ nhỏ, Quỳnh đã có tính cần cù, ham học hỏi những kiến thức từ bố mẹ và anh trai. Nhiều năm liền em là học sinh giỏi ở các cấp học. Năm học lớp 9, Quỳnh đoạt giải Nhất môn Sinh học trong cuộc thi HS giỏi toàn tỉnh. Chọn thi vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Quỳnh đã đạt số điểm 9,25/10 và là thủ khoa của lớp 10 chuyên Sinh. Năm lớp 11, Quỳnh đã giành giải Nhì quốc gia môn Sinh với số điểm 29,5 và được chọn đi thi vòng hai để chọn thí sinh đi thi quốc tế.
Trong cuộc thi HS giỏi quốc gia 2012, Trường THPT Chuyên Lam Sơn có 8 HS tham gia dự môn Sinh Học, riêng lớp Quỳnh có 5 HS. Kết thúc cuộc thi, Quỳnh đã giành giải Nhất với số điểm 33,5/40.
Hiện Quỳnh đang tham gia ôn thi tại Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc thi HS giỏi quốc gia vòng hai để chọn HS đi thi quốc tế. Tranh thủ những ngày về thăm gia đình, Quỳnh đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với Dân trí về kinh nghiệm để học giỏi và cách làm bài thi môn Sinh với các bạn HS.
Cuốn sách Campbell Reece Sinh Học được Quỳnh thích nhất. |
Với niềm đam mê môn Sinh học từ nhỏ, sự cần cù, chăm chỉ, tự học, tự tìm tòi của mình cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình chu đáo của cô giáo chủ nhiệm, các thầy cô tổ Sinh học trong trường, Quỳnh đã cố gắng vượt qua mọi thử thách để đi đến những thành công ngoài sự mong đợi của thầy cô, gia đình và bạn bè.
“Thành công ngày hôm nay của em có một sự đóng góp không hề nhỏ của cô giáo chủ nhiệm, các thầy cô giáo tổ Sinh đã tạo điều kiện hướng dẫn để em vươn lên. Ngoài sự hướng dẫn của thầy cô trên lớp hay những giờ ra chơi trao đổi với bạn bè bằng những câu chuyện vui nhưng xen lẫn bài học em còn hay lên các trang mạng kết nối cộng đồng để liên kết với các bạn nơi khác, nhờ các bạn trên mạng giúp đỡ tìm các tài liệu mình cần mua để phục vụ cho việc học”, Quỳnh chia sẻ.
“Từ cấp 2 em đã rất thích học môn Sinh, nhưng ở tuổi đó, HS chưa có tính tự học cao, các kiến thức được truyền đạt từ thầy cô nếu HS không tự học hỏi tìm tòi thì sẽ rất dễ bị thụ động. Từ khi bắt đầu lên lớp 10, ngoài kiến thức thầy cô hướng dẫn, em đã cố gắng tự học thêm để nâng cao kiến thức cho mình. Tìm kiến những đề thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của các năm để tham khảo học hỏi, tìm những từ, những câu trả lời hay, để khi mình làm bài áp dụng thì sẽ rất dễ được điểm cao. Ngoài ra, em còn cố gắng làm nhiều bài tập, thầy cô hướng dẫn các loại đề thi mình xem xét, phân biệt rõ đề ở mức nào thì về tìm tài liệu ở mức đọ đó”, Quỳnh cho biết thêm.
Em Nguyễn Thị Như Quỳnh bên người cha của mình. |
Cách học môn Sinh học với Quỳnh là: “Có thể chia ra thành các phần, thông thường thì chia ra thành 7 hoặc 8 phần. Mỗi phần đều khó như nhau, em thích nhất là phần Sinh lý động vật và Di truyền vì hai phần này rất khó, phải mất nhiều thời gian đầu tư học, hai phần này cũng rất hay. Phần sinh lý động vật chủ yếu là lý thuyết, bài tập ít mà lí thuyết phải suy luận nhiều. Phần di truyền có nhiều bài tập tính toán phải đầu tư nhiều thời gian để làm. Có bài toán của phần di truyền mà em phải giải từ lúc 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, khi giải được em thấy rất vui, càng về sau học gặp nhiều bài khó chính điều này khiến em say mê và yêu thích hai phần này của môn Sinh nhiều hơn”.
Trong những tài liệu về môn Sinh học, cuốn sách Campbell Reece Sinh Học được Quỳnh thích nhất. “Campbell Reece là một cuốn sách nước ngoài được các giáo sư đầu ngành của Việt Nam dịch lại. Em thấy đọc Campbell giống như đọc một cuốn truyện. Có những hôm em đọc đến 3 giờ sáng, mỗi khi đọc em lại tự viết lại những câu thấy hay thấy tâm đắc” - Quỳnh bộc bạch.
Với Quỳnh, để đọc sách dễ hiểu, dễ nhớ thì: “Ban đầu không nên đọc quá nhiều mà mình phải đọc cho hiểu từng cuốn một để khi đọc cuốn khác mình có thể bỏ qua được phần đã đọc và đã hiểu trước đó. Em còn nhớ năm lớp 10 cô chủ nhiệm đưa cho một tập sách, lúc này em rất hoang mang không biết sẽ đọc và xử lí với những cuốn sách ấy như thế nào nhưng rồi cũng tìm ra được cách và đọc hiểu hết được những cuốn sách cô đã đưa cho đó”.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Dũng - bố em Quỳnh tâm sự: “Năm đầu tiên con đi thi quốc gia, cả hai vợ chồng tôi không sao ngủ được, đêm nào con gái cũng thức khuya để học bài. Hôm chuẩn bị đi thi cháu thức cả đêm, tôi phải qua phòng an ủi con, khuyên nhủ phân tích cho con hiểu rõ đây chỉ là sân chơi cho mình giao lưu học hỏi và có thêm kinh nghiệm cho bản thân. Tôi phải ru cháu mới ngủ được để có sức khỏe đi thi”.
Sau cuộc thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 11, bố mẹ Quỳnh thấy con vất vả sợ con ảnh hưởng tới sức khỏe nên đã khuyên em không tham gia thi tiếp nữa. Bước vào lớp 12, Quỳnh định không tiếp tục tham gia thi học sinh giỏi quốc gia theo lời khuyên của bố mẹ nhưng mỗi khi đi học thấy bạn bè hỏi bài, niềm đam mê lại thôi thúc em tiếp tục phải tham dự cuộc thi.
Nói về học sinh của mình, cô Lê Thị Lan - giáo viên chủ nhiệm em Quỳnh chia sẻ: “Em Như Quỳnh là một học sinh chăm ngoan, có quyết tâm cao trong học tập. Đặc biệt, em có niềm say mê môn Sinh học rất cao và là học sinh giỏi nhất lớp về môn Sinh học. Sự thành công của em ngày hôm nay được tạo thành từ nhiều yếu tố hội tụ, trong đó có sự giúp đỡ tận tình chu đáo và nhiệt huyết của các thầy cô bộ môn trong trường. Quan trọng nhất là sự nỗ lực cố gắng hết mình của bản thân em cùng với sự giúp đỡ của gia đình. Nhiều năm liền em Quỳnh đều là học sinh giỏi toàn diện của trường”.
Mơ ước của Quỳnh là lớn lên sẽ trở thành một giáo viên dậy ngành y: “Từ nhỏ em đã mơ ước mình sẽ trở thành giáo viên giống như bố mẹ mình. Em sẽ theo học ngành y để trở thành một Bác sĩ, nếu được thì sẽ cố gắng để trở thành một giáo viên giảng dạy chuyên ngành y. Như thế em có thể truyền đạt được nhiều kiến thức tới các em học sinh”.
Theo Thái Bá - Duy Tuyên
Dân trí