Hà Tĩnh: 'Chim sệ cánh' lại tấn công hai xã nghèo

Hà Tĩnh: 'Chim sệ cánh' lại tấn công hai xã nghèo
TP - Sau một thời gian lắng xuống, thời gian gần đây lại có thông tin bệnh “chim sệ cánh” hành hạ nhiều trẻ em tại hai xã biên giới đặc biệt khó khăn Hương Lâm– Hương Liên (Hương Khê)

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Y tế (TTYT) xã Hương Liên, tính đến tháng 6/2007, toàn xã có 50 trường hợp mắc teo cơ Delta cấp độ 3 (cấp độ cao nhất) chủ yếu là trẻ em (có 2 trường hợp người lớn), trong đó mới có 19 trường hợp đã được phẫu thuật.

Còn tại xã Hương Lâm, toàn xã hiện có tới 234 trường hợp mắc bệnh trong đó chủ yếu là trẻ em và chỉ mới có 94 em được mổ. Nhiều hộ gia đình có 2-3 con cùng nhiễm bệnh một lúc .

Xã Hương Liên từ lâu vốn đã nghèo, chủ yếu dựa vào nghề rừng và những mảnh ruộng bạc màu, nay bị tấn công bởi bệnh “chim sệ cánh” lại càng tiêu điều hơn. Gia đình anh Trần Xuân Hòa (xóm 4) có hai người con là Trần Thị Bình (3 tuổi) và Trần Thị Hoa (6 tuổi) thì cả hai đều mắc bệnh.

Hoa vừa mới được mổ, hằng ngày em phải tự chăm sóc lấy vết thương bởi cha mẹ phải đi kiếm gạo. Tương tự, gia đình anh Đinh Sang (xóm 1) cũng có hai cháu trai là Đinh Hữu Nhật (11 tuổi) và Đinh Hữu Việt (7 tuổi) thì mắc bệnh. Riêng trường hợp của Hữu Nhật, cánh tay phải của em không thể giơ nổi lên quá đầu.

Tại xã Hương Lâm, tuy người dân đỡ khổ hơn bởi còn có chợ, có trường, nhưng từ ngày bệnh “chim sệ cánh” hoành hành thì cuộc sống của người dân cũng hoàn toàn xáo trộn. Đi đâu cũng nghe nói về “chim sệ cánh”, về “cơ Delta”. Những đứa trẻ ốm yếu cởi trần hồn nhiên “khoe” với tụi bạn: “Tao cũng bị như mi!”, “Tao bị cấp ba hơn mi hai bậc”...

Chúng còn “so” xem ai “sệ” hơn mà đâu biết tác hại của căn bệnh này. Gia đình chị Trần Thị Phương (xóm 5) cả ba đứa con đều bị “sệ cánh” cấp độ nặng.

Tuy mang bệnh, nhưng hằng ngày hai con trai của chị là Nguyễn Văn Đức (14 tuổi) và Nguyễn Văn Hoàng (8 tuổi) vẫn phải theo cha lên rừng kiếm củi, đốt ong, còn  con gái Nguyễn Thị Bình (12 tuổi) phải ra đồng phụ giúp mẹ. Chị Phương ngậm ngùi: “Biết tụi nó bị bệnh nặng nhưng không làm thì lấy gì mà ăn. Bọn trẻ ở đây có mấy đứa được nghỉ tay mô chú”.

Sống chung với bệnh

Đối với nhiều trẻ em hai xã này, việc phẫu thuật không đơn giản. Phải đi gần 30 km đường rừng mới ra được TTYT huyện, mà phần lớn phải cuốc bộ. Điều kiện trang thiết bị tại TTYT huyện còn thiếu thốn, đội ngũ y bác sĩ mỏng. Do vậy mà nhiều trường hợp phát hiện bệnh từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa được điều trị và phẫu thuật.

Nhiều gia đình do quan niệm lạc hậu với suy nghĩ “trời sinh voi, sinh cỏ” thì ắt tự nó lành nên dù biết rằng con mình bị bệnh nhưng vẫn không đưa con điều trị kịp thời. Lại có những gia đình chỉ mời thầy đến cúng để bắt “con ma” !

Ông Cao Đình Chính - Trạm trưởng Trạm y tế xã Hương Liên, cho biết: “Đại đa số các em bị teo cơ Delta đều có hoàn cảnh khó khăn. Dù kinh phí cho các ca phẫu thuật các em đều được bệnh viện chi trả và hỗ trợ thêm 100.000 đồng nhưng  nhiều em bị bệnh nặng vẫn chưa được phẫu thuật kịp thời”.

Không biết bao giờ “chim sệ cánh” mới đi khỏi hai xã nghèo nhất huyện này.

MỚI - NÓNG