Hà Nội vượt mốc 10.000 ca/ngày: Lo ngại tâm lí chủ quan 'ai rồi cũng thành F0'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua Hà Nội lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ vượt mốc 10.000 ca. Số mắc tăng từng ngày, đi cùng với đó là tâm lí “ai rồi cũng thành F0” của một bộ phận người dân khiến các chuyên gia y tế lo ngại có thể khiến số ca COVID-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, dẫn đến tỉ lệ tử vong nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết Hà Nội hiện có đến 97% là những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên những ngày qua Hà Nội cũng là địa phương có tỉ lệ tử vong cao nhất, đơn cử ngày 26/2, có 24 bệnh nhân tử vong nên người dân không nên giữ tâm lí “ai rồi cũng thành F0”. Bởi lẽ khi số ca COVID-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, tỉ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế. “Đây là tâm lí rất nguy hiểm. Người trẻ tuổi, thể trạng khỏe mạnh vẫn có thể nhiễm bệnh và có thể trở nặng với tỉ lệ nhất định. Ngoài ra nếu số F0 tăng vì tâm lí chủ quan sẽ dẫn đến tăng nguồn lây cho cộng đồng, họ sẽ lây cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, đều là đối tượng chưa tiêm vắc xin, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), rất nhiều F0 chưa phát hiện ra hoặc không khai báo. Thực tế hiện nay cho thấy dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng, thậm chí lây lan mạnh trong các gia đình chứ không chỉ ở nơi đông người hay công sở. Ông Nga cho rằng: “Với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay thì thực tế dần dần sẽ nhiễm hết. Xu hướng của chúng ta là sống chung, thích ứng với dịch. Nhưng sống chung thế nào để an toàn thì cần phải tính toán kĩ lưỡng”.

Các chuyên gia có chung nhận định, số F0 không triệu chứng hiện nay vẫn đang đi làm và ra ngoài bình thường nên đây sẽ là nguồn phát tán virus nên người dân cần tuân thủ 5K. “Những ai không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1 và hầu hết đều không triệu chứng. Do đó người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần test COVID-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị", ông Nga nói.

Để hạn chế tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội nên tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp dự phòng bằng việc xây dựng phương án phù hợp cho từng hoạt động như dạy học trực tiếp, các lễ hội... Cùng với đó củng cố thêm cho hệ thống y tế tuyến cơ sở, tránh tình trạng quá tải.

MỚI - NÓNG