Hà Nội với mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm

Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. (Nguồn: Quangninh Online).
Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. (Nguồn: Quangninh Online).
Hà Nội có nhiều chính sách thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, cũng như đưa sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào được chứng nhận là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì sao?

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), thiếu hỗ trợ, bó về chính sách cho các DN cam kết sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Vietgap và Globalgap thì con đường đưa sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng vẫn sẽ còn lắm gian nan.

Thí điểm tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm

Hà Nội đang có nhiều hoạt động thiết thực để đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Tháng 12 này, quận Thanh Xuân đã và đang thí điểm mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” (ATTP). Mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” được UBND quận Thanh Xuân xây dựng trên phố Thượng Đình, tập trung 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ lượng khách hàng tương đối lớn. Khi chính thức hoạt động, tất cả các cơ sở ăn uống tại tuyến phố này sẽ được lực lượng chức năng của quận và phường sở tại tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ mỗi cơ sở từ 2 lần trở lên trong 1 tuần. 

Ông Lê Văn Tuyến - chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cho biết, hiện nay, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố chủ yếu là tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm. Vì vậy, để chuyển sang một mô hình hoàn toàn mới là việc không đơn giản. Để có thể triển khai thành công mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” tại phố Thượng Đình, chính quyền địa phương đã xác định phải tiến hành một “cuộc cách mạng” để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp. Theo đó, đơn vị sẽ tập trung triển khai chu đáo từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch…

Theo kế hoạch của UBND quận Thanh Xuân, ngoài tuyến phố Thượng Đình, trong 3 năm tới, quận phấn đấu sẽ có 11 tuyến phố kiểm soát ATTP tại 11 phường trên địa bàn. Trước đó, từ tháng 7 vừa qua, quận Thanh Xuân đã thí điểm mở 5 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại 5 phường trên địa bàn quận. Việc mở các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn này sẽ tạo sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm khi triển khai mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP.

Ông Trần Văn Chung- phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên cơ sở thí điểm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP, gây mất mỹ quan đô thị. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng chia sẻ, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.

Vẫn còn nhiều rào cản

Trong khi đầu ra của sản phẩm đã có thì nguồn gốc của sản phẩm lại đang gặp nhiều bế tắc. 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội, vấn đề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết. ĐB Phạm Đình Đoàn (Q.Hoàng Mai) đặt vấn đề, hiện TP có 932 HTX nông nghiệp, trong đó có 15 HTX mới thành lập năm 2017; nhưng có bao nhiêu HTX kiểu mới có thể áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; và cần làm gì để thúc đẩy phát triển mô hình đó?

ĐB Nguyễn Lan Hương (huyện Đông Anh) cũng đặt câu hỏi: Vì sao cho đến nay Hà Nội chưa có DN được chứng nhận là DN sản xuất nông nghiệp công nghệ cao? TP cần đầu tư ngân sách, hỗ trợ tuyên truyền cho các DN cam kết sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Vietgab và Globalgab nếu muốn có nhiều sản phẩm sạch - bà Hương nói. ĐB Lê Vĩnh Sơn (huyện Đông Anh) cho rằng, qua khảo sát, giám sát, tiếp xúc cử tri cho thấy, một số chính sách khuyến khích hỗ trợ và phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết của HĐND chậm được triển khai, nhiều khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện cần phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ông Tạ Văn Tường- giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: Để có thực phẩm an toàn đòi hỏi sản phẩm phải được sản xuất theo chuỗi, theo gói, có nhãn mác... Đây là cơ sở để phát triển bền vững. Ở các nước phát triển, thực phẩm xuất khẩu cũng làm theo mô hình này. Vì vậy phải nhanh chóng tạo các chuỗi sản phẩm, tạo mọi điều kiện để kéo doanh nghiệp về với nhà nông để có những sản phẩm sạch thực sự.

Trả lời về vấn đề này, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, để thực hiện được những vùng nông nghiệp công nghệ cao thì cần nguồn vốn không nhỏ. Trong bối cảnh Hà Nội có nhiều nhiệm vụ đang đặt ra yêu cầu phải chi tiêu, đầu tư nhất là từ ngân sách. Theo đó, ngoài nguồn vốn từ ngân sách sẽ phải huy động từ mọi nguồn lực.

Tuy nhiên muốn làm được điều này phải tiếp tục rà soát các chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. “Tới đây, Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện theo quy hoạch, như các vùng lúa tập trung chất lượng cao vừa qua được nhiều huyện đã làm tốt. TP sẽ tiếp tục quy hoạch để đẩy mạnh lên. Với khu công nghệ cao, TP tiếp tục quyết tâm để thực hiện lộ trình từ nay đến năm 2020 như theo quyết định phê duyệt quy hoạch”.

Về chuỗi giá trị sản phẩm ông Sửu nhấn mạnh: Hà Nội đang tích cực thực hiện, tập trung đẩy mạnh 60 chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, TP tiếp tục kêu gọi hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Như trong nuôi bò sữa, nhất là ở huyện Ba Vì, TP đang tập trung vào những khu rất lớn, kêu gọi các nhà đầu tư.

“Nông nghiệp công nghệ cao cần có hỗ trợ chính sách của TP song quan trọng vẫn là vai trò của những DN lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trong năm 2018, chúng tôi cũng đề nghị HĐND TP điều chỉnh lại một số quy hoạch để phù hợp với thực tế hiện nay”. 

Và, Hà Nội luôn chào đón các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để có sản phẩm sạch, chất lượng đến tay người tiêu dùng- ông Sửu cho biết.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.