Hà Nội truy trách nhiệm vi phạm phòng cháy chữa cháy

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh trả lời về vi phạm trật tự xây dựng
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh trả lời về vi phạm trật tự xây dựng
TPO - Sáng nay, hầu hết thời gian của buổi chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội), những vấn đề “nóng’ như vi phạm phòng cháy chữa cháy, trật tự xây dựng đô thị dù đã được chất vấn và trả lời ở các kỳ họp trước nhưng vẫn được các đại biểu tái chất vấn với việc truy trách nhiệm lãnh đạo quận, huyện.

Vẫn tràn lan vi phạm trật tự xây dựng

ĐB Vũ Ngọc Anh cho biết, trên địa bàn Hà Nội đang có hơn 900 công trình vi phạm chưa xử lý dứt điểm dù thanh tra xây dựng đã lập biên bản, thậm chí là Chủ tịch TP đã có chỉ đạo xử lý. Ông Anh dẫn chứng nổi bật trong số này là những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại các địa bàn Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh ... Theo ĐB Ngọc Anh, dù tại kỳ họp thứ 3, chủ toạ đã kết luận chỉ đạo các địa phương phải giải quyết tình trạng này nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Vậy nguyên nhân là do đâu ? Giải pháp nào cho vấn đề này ? ĐB đặt câu hỏi.

Còn ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng cho rằng vi phạm TTXD trên đất nông nghiệp đang diễn ra rất phức tạp, công trình vi phạm từ trước chưa được xử lý dứt điểm nhưng đã có công trình mới xuất hiện. Theo ĐB này từ năm 2014, thành phố đã có quy định tăng cường quản lý về quản lý xây dựng trên đất nông nghiệp trong đó quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận huyện thị xã.

Trước những câu hỏi tái chất vấn của nhiều ĐB về vi phạm TTXD, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị lãnh đạo các quận, huyện phải trực tiếp trả lời ĐB.

Là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của các ĐB, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Văn Châm, thừa nhận có tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn mình quản lý, đặc biệt nghiêm trọng tại các xã như Hải Bối và Nguyên Khê. Ông Châm thừa nhận, nguyên nhân nằm ở sự quản lý yếu kém của chính quyền cơ sở tại một số thời điểm, trách nhiệm thuộc về cán bộ chuyên môn, lãnh đạo cơ sở, chưa xử lý kiên quyết. Trong đó có cả trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện khi chưa đôn đốc xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Chủ tịch huyện Đông Anh cũng đưa ra thời điểm xử lý dứt điểm tình trạng trên ở xã Nguyên Khê là trước 15/7 và xã Hải Bối là trong vòng 6 tháng cuối năm. Ông Châm cam kết, sau xử lý mà vẫn tái diễn vi phạm sẽ chuyển cơ quan pháp luật để xử lý.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh ông Đoàn Văn Trọng lại cho rằng trách nhiệm chính thuộc về cấp cơ sở. Theo vị này, trong thời gian gần đây huyện đã đình chỉ tạm thời hai chủ tịch xã Chiến Thắng và xã Tiên Định để giải quyết tình trạng nhà xây trên đất nông nghiệp.

Thành phố sẽ mạnh tay với chủ đầu tư vi phạm PCCC

Tái chất vấn, ĐB Nguyên Quân cho rằng, trong báo cáo trả lời của lãnh đạo huyện có công trình vi phạm vẫn nặng về giải trình, còn giải pháp và nguyên nhân trách nhiệm khi để xảy ra những trường hợp trên chưa được đề cập?

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, việc để xảy ra là trách nhiệm của huyện này là công tác tuyên truyền chưa tốt. “Trường hợp không tuyên truyền được sẽ có trách nhiệm hơn. Sẽ chấn chỉnh nghiêm túc, giải pháp là sẽ có những chuyên đề quản lý đất đai để các lãnh đạo xác định trách nhiệm và biện pháp”, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng nói.

Tiếp tục chất vấn, ĐB Phạm Thị Thanh Mai nêu vấn đề tái diễn trật tự vi phạm không chỉ ở các tổ chức cá nhân, hộ gia đình mà còn ở các tổ chức phát triển nhà ở. Trong kỳ họp thứ 3 đã có những minh chứng rõ nét về tình trạng một số chung cư xây dựng sai phép. “Hồ sơ một số vụ việc đã chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra. Xin hỏi đồng chí Giám đốc Công an TP, tiến độ xử lý và công khai kết quả điều tra cũng như việc cần thiết để khởi tố của các công trình sai phạm này đã được làm đến đâu?”, ĐB Mai nêu.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho rằng, việc vi phạm TTXD trong 6 tháng đầu năm đã được chuyển sang cho công an TP, trong đó điển hình là DN tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên là đơn vị triển khai nhiều dự án trên địa bàn. “Qua điều tra chúng tôi đều phát hiện dấu hiệu trốn thuế và vi phạm các quy định quản lý nhà ở. Nhưng Bộ Công an cũng nhận được kết luận về đơn vị này ở 21 tỉnh thành cả nước do đó chúng tôi phối hợp với cục C46”, ông Khương nói.

 Trả lời chất vấn vấn đề PCCC, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã diễn ra 447 vụ hỏa hoạn, giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm 2016 nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Áp lực đô thị bao gồm áp lực PCCC cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đào tạo kỹ năng PCCC hơn nữa.

Về các công trình vi phạm, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, trong 79 công trình nêu ra đã có 7 công trình khắc phục xong. UBND TP chỉ đạo, ra thông báo số 152 về việc xử lý các công trình này. Giao cho sở cảnh sát PCCC thành phố cùng các chủ đầu tư trong công tác này. TP sẽ có biện pháp xử lý đối với các chủ DN vi phạm, đồng thời khuyến khích khen ngợi các chủ DN thực hiện tốt công tác PCCC. "Chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân xem xét khi mua chung cư, cần để ý tới cơ sở vật chất PCCC. Các công trình dự án thi công trên địa bàn UBND TP không đạt yêu cầu PCCC sẽ không được cấp phép điện, nước", Phó chủ tịch cho biết. 

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, qua quá trình tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND thứ 4 khóa XV, Thường trực HĐND TP đã nhận được 297 ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch quản lý đất đai, đô thị, PCCC, vệ sinh môi trường, môi trường dân sinh… Theo đó, Thường trực HĐND đã tổng hợp đầy đủ, phân loại theo thẩm quyền chuyển đến UBND TP và các cơ quan quận huyện thị xã để xem xét và có phản hồi. Những nội dung này đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử thành phố trước kỳ họp thứ tư.

MỚI - NÓNG