Phố Phan Đình Phùng, một trong những con đường có nhiều cây xanh nhất Hà Nội Ảnh: Phạm Yên |
Mới đây, Sở Giao thông công chính (GTCC) Hà Nội đã thực hiện dự án: Thay đổi gần 5.000 cây xanh không phải cây đô thị, và Sở này đang tiến hành “chuẩn hóa” cây xanh trên từng tuyến phố.
Từ “thập cẩm” cây xanh
Phố Hai Bà Trưng được đánh giá là có hệ thống cây xanh đẹp của Hà Nội. Người ta dễ dàng nhận thấy ngay bên cạnh những cây bằng lăng là những cây xà cừ cổ thụ cao 30 - 40m; và sát cây xà cừ lại là cây dâu da khẳng khiu hay cây đa, cây đề, cây bàng thậm chí có cả cây vông!?
Theo thống kê mới nhất thì toàn tuyến phố Hai Bà Trưng có 334 cá thể cây xanh nhưng lại thuộc tới 20 loài. Trong đó nhiều nhất là sấu (86 cây) còn lại thuộc 19 loài: đa, đề, bông gòn, bằng lăng, bàng, chàm, chẹo, muồng, nhội, phượng, quyếch, sưa, sữa, sấu, si, sếu, dâu da, dướng, vông, xà cừ.
Không chỉ “nhấp nhô” về kích thước, hình dạng làm mất cảnh quan, nhiều cây xanh còn có nguy cơ bật gốc, gãy đổ vì rễ ăn nổi và bị sâu mọt. Đặc biệt, việc quản lý, chăm sóc hay cắt tỉa cây xanh gặp nhiều khó khăn và tốn kém.
Một góc phố Hà Nội Ảnh: Phạm Yên |
Bà Đặng Thu Nga, Phó phòng Giao thông đô thị (Sở GTCC Hà Nội) cho biết, tình trạng cây xanh lộn xộn diễn ra tại hầu hết các đường phố của Hà Nội.
Ví như phố Tràng Thi, phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lý Thường Kiệt đều có đến 14 - 15 loài cây. Trong khi đó mỗi phố này cũng chỉ vỏn vẹn có khoảng 140 cây. Điển hình nhất về sự “thập cẩm” của cây xanh đường phố phải kể đến phố Cao Thắng.
Con phố này chỉ có 7 cá thể cây xanh nhưng mỗi cây xanh là...một loài riêng biệt! Hay như phố Hàng Bút có 3 cây xanh nhưng cũng 3 loài riêng biệt.
Theo thống kê, các tuyến phố của Hà Nội được trồng 65 loài cây trong đó hàng chục loài cây không thuộc nhóm cây trồng cho đô thị như các loại cây ăn quả gồm: nhãn, vải, bưởi, hồng xiêm, thị! Thậm chí cả tre, bạch đàn, keo? Trung bình mỗi tuyến phố có từ 5-10 loài cây khác nhau.
Bà Nga giải thích, có sự “lôm côm” nói trên là bởi các hộ dân tự trồng cây trước cửa nhà mình. Thêm nữa, nhiều cây sâu mục, đổ, gãy được trồng mới thay thế và mỗi lần thay cây cũng lại tùy hứng. Sự lộn xộn này xuất phát từ việc thiếu quy hoạch về cây xanh.
Lập lại trật tự...
“Chúng tôi đã thấy rõ những bất cập của hệ thống cây xanh đường phố. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi tập trung thay thế những cây không thuộc nhóm cây trồng cho đô thị”- Ông nguyễn Văn Khôi, Giám đốc Sở GTCC Hà Nội cho biết.
20 loài cây được phép trồng trên đường phố Hà Nội Cây vàng anh, lát hoa, me, sưa, sao đen, nhội, phượng vĩ, sến, sữa, ban, móng bò, ngọc lan, long não, lan tây, muồng vàng yến, muồng hoa đào, hoàng lan, bằng lăng, sấu. Những loài cây này có nguồn gốc châu Á, Đông Nam Á, châu Phi. Đặc điểm: có dáng đẹp, rễ trụ ăn sâu, sống lâu, khỏe, chịu hạn tốt, hoa đẹp... |
Theo đó, việc thay thế cây xanh không đúng chủng loại đã bắt đầu được tiến hành từ tháng 2/2007. Theo khảo sát, tại Hà Nội có khoảng 8.000 cây xanh phải thay thế, trong đó số cây cần thay thế sớm là 5.000 cây.
Cho đến ngày 10/4, đơn vị được giao trồng thay thế cây là Cty Công viên cây xanh và Cty TNHH Công nghệ, thương mại Bình Minh đã thay được khoảng 700 cây.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng kế hoạch, Cty Công viên cây xanh cho biết, cây bị thay thế chủ yếu là cây không phải cây đô thị như dâu da, bông gòn, dướng, trứng cá.
Nhiều cây có đường kính 20 - 30cm. Đảm bảo cây thay thế phát triển nhanh, Cty chọn cây lát và sấu có đường kính thân trung bình 8 - 10cm, cao trên 6m và độ phân cành trên 3m.
Trung bình giá mỗi cây sấu, lát như vậy có giá xấp xỉ 1 triệu đồng. Theo ông Hưng, hiện khó khăn gặp phải khi thay thế cây xanh chính là việc một số người dân không cho chặt cây do họ trồng.
Ông Khôi cho biết, việc quy hoạch cây xanh trên các tuyến phố được căn cứ vào số lượng cây hiện tại. Loài cây nào có số lượng nhiều nhất trên tuyến phố sẽ được lựa chọn là cây chủ đạo trên tuyến phố đó. Khi cần thay thế, bổ sung sẽ phải trồng đúng cây đó.
Như vậy, Hà Nội sẽ có hàng loạt tuyến phố có cây xanh đặc trưng: phố Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Bài, Phan Đình Phùng cây đặc trưng là sấu; phố Lý Thường Kiệt là phượng; Ngô Thì Nhậm là sữa; Hàng Bạc, Cầu Gỗ...là cây bằng lăng.
Tuy nhiên, do lịch sử nên trên các tuyến phố này vẫn có một tỷ lệ nhất định những loài cây khác và chúng sẽ được thay thế dần.
“Đối với những tuyến phố mới, chúng tôi chỉ trồng thống nhất một loài cây xanh”- Ông Khôi khẳng định. Hiện, tuyến phố Lê Đức Thọ đã trồng thuần cây vàng anh, phố Phạm Hùng được trồng 100% cây sấu. Cây xanh không chỉ đơn thuần làm bóng mát, đôi khi nó còn nói lên linh hồn và là nét đặc trưng riêng có cho những con phố của Thủ đô.