Hà Nội tăng hơn 38.000 học sinh lớp 6: Loay hoay giãn sĩ số lớp học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm học 2023-2024, Hà Nội tăng mạnh học sinh các lớp đầu cấp, đặc biệt học sinh vào lớp 6 tăng hơn 38.000 em khiến phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng khi lớp học đông đúc, chật chội, chất lượng bị ảnh hưởng.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, toàn TP có 188.429 học sinh vào lớp 6, tăng 38.519 em so với năm học trước. Để đáp ứng nhu cầu phòng học cho số lượng học sinh tăng lên, tính trung bình sĩ số 40 em/lớp, Hà Nội cần xây mới 963 phòng học. Trong đó, các quận, huyện có số lượng tăng mạnh như: Hà Đông (5.208 học sinh), Hoàng Mai (3.482 học sinh), Nam Từ Liêm (3.350 em). Riêng quận Cầu Giấy, theo báo cáo của Phòng GD&ĐT, thời điểm này vẫn đang cho các trường điều tra số lượng học sinh đầu cấp, chưa có con số cụ thể.

Trong khi, ở huyện ngoại thành như Mê Linh, năm nay học sinh đầu cấp cũng tăng gần 2.000 học sinh, trong đó THCS tăng 1.200 em. Hay như huyện Thanh Trì, Trưởng Phòng GD&ĐT Phạm Văn Ngát cho biết, theo số liệu điều tra, cấp mầm non tăng khoảng 1.700 em; vào lớp 6 bậc THCS tăng khoảng 1.500 em.

Về giải pháp, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 trong đó có kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập các năm tiếp theo. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã cần xây mới 393 trường (109 trường Tiểu học, 86 trường THCS), cải tạo 591 trường. Khối trực thuộc giai đoạn 2021-2025 dự kiến xây mới 39 trường; xây mới tăng thêm 445 phòng học và 228 phòng học bộ môn đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhiều năm nay, sĩ số học sinh/lớp của các trường tiểu học ở nhiều quận như: Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai… đều vượt xa sĩ số quy định của Bộ GD&ĐT (35 em/ lớp). Ở bậc THCS nhiều trường cũng suýt soát 50 em, các trường phải kê thêm bàn. Thậm chí bàn dành cho 2 học sinh phải ngồi ghép 3.

Nhiều phụ huynh có điều kiện đã tìm trường tư thục để cho con theo học. Theo báo cáo, năm học 2018-2019 TP có 2.711 trường mầm non và phổ thông. Đến năm 2021-2022, tăng thêm 124 trường; năm 2022-2023 toàn TP có 2.840 (tăng thêm 5 trường). Ở khối trường tư thục, năm 2022-2023, địa phương có 537 trường, trong đó chủ yếu bậc mầm non, chỉ có 48 trường tiểu học, 39 trường THCS. Nếu như trường công lập, học sinh tiểu học không phải đóng học phí, chỉ đóng tiền ăn trưa, chăm sóc bán trú và những khoản thu nhỏ thì khối trường ngoài công lập, phụ huynh phải xác định chi rất nhiều tiền. Có những trường học phí chỉ dừng ở mức 3-5 triệu/tháng nhưng cũng có trường lên tới hàng trăm triệu/năm, mức thu không phải gia đình nào cũng đáp ứng được. Chưa kể, những trường có tiếng, hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh cũng rất thấp, phụ huynh đã phải thấp thỏm canh hồ sơ.

Hà Nội tăng hơn 38.000 học sinh lớp 6: Loay hoay giãn sĩ số lớp học ảnh 1

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng, số lượng học sinh đầu cấp đều tăng, áp lực trường lớp rất lớn

Thừa học sinh, thiếu chỉ tiêu do đó nhiều trường tư thục khác như: Đoàn Thị Điểm, Hệ thống giáo dục Ngôi Sao, Hệ thống giáo dục Archimedes, Marie Curie… đều đưa ra phương thức tuyển sinh đối với lớp 1, lớp 6 để loại bớt hồ sơ.

Xây thêm nhiều trường học

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm khẳng định, dù năm nào cũng xây mới, sửa chữa thêm các phòng học nhưng sĩ số chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là bậc tiểu học. Lý do, số lượng học sinh hằng năm tăng nhanh, trường lớp không đáp ứng kịp nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết, năm nay trên địa bàn số lượng học sinh vào lớp 6 tăng hơn 3.000 em. “Không có trường học nào xây mới được đem vào sử dụng nhưng nhiều trường được tu bổ, cơi nới phòng học nên vẫn đáp ứng yêu cầu”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, theo kế hoạch, trong năm học 2024-2025, quận sẽ đưa vào sử dụng 4 trường mới, tiếp theo có thêm một số trường nữa. Nhiều năm qua, số lượng học sinh tăng nhưng hệ thống trường tư thục phát triển song song công lập, giảm tải áp lực rất nhiều cho địa phương. “Cụ thể, quận hiện có 100 trường học, trong đó gồm 41 trường công lập và 59 trường tư thục. Bậc THCS có 24 trường thì có 14 trường công. Sĩ số trung bình ở bậc học này hiện khoảng 40 em/ lớp là không quá nóng so với mặt bằng chung”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm nói.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng, số lượng học sinh đầu cấp đều tăng, áp lực trường lớp rất lớn. Trong giai đoạn tới, thành phố cũng đã có kế hoạch xây dựng thêm trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư thêm hệ thống trường ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Báo cáo của đoàn đại biểu quốc hội TP Hà Nội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới đây cũng khẳng định, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất của các trường nhằm đáp ứng chương trình, sách giáo khoa mới.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.