Không nói quá to hoặc quá nhỏ
Sở VHTT Hà Nội vừa trình UBND thành phố “Quy định về chuẩn mực phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội”. Đại diện ban soạn thảo cho rằng quy định này định hướng cho cán bộ công chức Hà Nội đạt chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với tổ chức và cá nhân; đồng thời giữ gìn truyền thống văn hóa của người Hà Nội, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức Thủ đô văn minh, thanh lịch.
Dự thảo Quy định gồm 3 chương, 9 điều, trong đó Điều 5 đưa ra tiêu chí về ngôn ngữ sử dụng: Đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo tính chính xác phù hợp với tính chất hoạt động công vụ, đảm bảo tính hàm súc, cô đọng, thuần Việt; và nhất là “hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương, tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ”. Ông Ngô Văn Nam, Trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình (Sở VHTT Hà Nội) nói phần quy định về hạn chế nói ngọng, nói lắp nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ và người dân khi lấy ý kiến. Trước câu hỏi liệu đưa ra quy định không sử dụng ngôn ngữ địa phương có “nhạy cảm”, ông Nam cho rằng điều này chỉ nhằm “tìm ra ngôn ngữ chuẩn khi giao tiếp để đạt được mục đích”. Ông Nam giải thích, không ai cản trở việc sử dụng ngôn ngữ địa phương trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên khi cán bộ công chức giao tiếp cần đảm bảo người nghe tiếp nhận chính xác thông tin.
Thành phố sẽ có bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và quy tắc dành cho cán bộ công chức. Trước câu hỏi liệu quy định về phát ngôn này có chồng chéo với quy tắc ứng xử, ông Ngô Văn Nam cho rằng không hề trùng lặp. “Quy tắc ứng xử chỉ nhắc đến một dòng quy định “cử chỉ lịch thiệp nhã nhặn, không văng tục”. Quy định về chuẩn mực phát ngôn quy định chi tiết cụ thể về quyền và nghĩa vụ khi phát ngôn. Điều này tránh tình trạng cơ quan chuyên môn đùn đẩy, né tránh không trả lời khi người dân, cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí cần trao đổi thông tin”, ông Nam nói. Đại diện ban soạn thảo cho biết để có được dự thảo này, Sở VHTT Hà Nội lấy ý kiến các đơn vị khắp thành phố và nhận được nhiều ý kiến đóng góp cụ thể.
Không nóng giận, không dùng vũ lực
Không chỉ đưa ra tiêu chí cụ thể về ngôn ngữ, ban soạn thảo dành Điều 6 đề cập tiếp nhận và xử lý tình huống: Khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc cán bộ công chức phải “bình tĩnh, nhẹ nhàng, giải thích, động viên, chia sẻ. Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. “Vừa rồi ở một số đơn vị ở quận huyện Hà Nội xảy ra sự việc đáng tiếc liên quan đến phát ngôn của công chức. Quy định này không phải văn bản cụ thể hóa quy tắc ứng xử, nó nằm trong kế hoạch siết kỷ cương hành chính do UBND thành phố ban hành”, ông Nam nói.
Dự thảo Quy định cũng nêu chi tiết yêu cầu thái độ, cử chỉ khi phát ngôn: Thân thiện, chân thành, tôn trọng, giúp đỡ nhiệt tình, cư xử lịch thiệp, thông cảm, chia sẻ. Tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, phù hợp quy tắc ứng xử của cán bộ công chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết. Kết hợp giữa ngôn ngữ nói và cử chỉ thân thiện, thực hiện chào hỏi, chia sẻ, động viên, khích lệ.
Chế tài
Liên quan đến quy định “không phát ngôn tuỳ tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân”, ông Ngô Văn Nam giải thích: Cán bộ, công chức, người lao động có quyền sử dụng mạng xã hội tuy nhiên cần tránh những quan điểm cá nhân đi ngược lại quan điểm chính sách trên mạng xã hội, phản biện lại chính công việc mình làm hàng ngày. Trong Điều 3, Chương 2 quy định về quyền và trách nhiệm phát ngôn nêu: “Nội dung, phạm vi vấn đề phát ngôn phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Điều 8, Chương 3 của Quy định nêu rõ: “Người vi phạm chuẩn mực văn hóa phát ngôn tuỳ mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định”.
Điều 8, Chương 3 của Quy định nêu rõ: “Người vi phạm chuẩn mực văn hóa phát ngôn tuỳ mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định”.
Có khả thi?
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Nhiều người cho rằng quy định này không cần, tôi cho rằng cần thiết bởi có người làm quan chức rồi vẫn nói ngọng cũng đáng ngại lắm. Hiện nay nhiều tỉnh đổ về Thủ đô, phương ngữ vào nhiều nên cần có chuẩn mực. Quy định về trách nhiệm phát ngôn tôi cho rằng rất tốt và cần thiết, tránh trường hợp trốn tránh không giải đáp cho người dân. Tuy nhiên điều tôi băn khoăn nhất là chế tài thực hiện. Với các loại quy tắc ứng xử, quy định nếu không có chế tài xử phạt e khó khả thi”.