Hà Nội sẽ lập 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm

Hà Nội sẽ lập 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm
TP - Sáng qua, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và 23 phường trực thuộc...

> Hà Nội có thêm 28 tuyến phố mới
> Thông qua đề án tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới

Bản đồ điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm
Bản đồ điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm.

Quận Bắc Từ Liêm với 13 phường trực thuộc, có diện tích 4.335,34 ha, dân số 319.818 nhân khẩu.13 phường thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm: Thượng Cát; Liên Mạc; Thuỵ Phương; Minh Khai; Tây Tựu; Đông Ngạc; Đức Thắng; Xuân Đỉnh; Xuân Tảo; Cổ Nhuế 1; Cổ Nhuế 2; Phúc Diễn; Phú Diễn.

Quận Nam Từ Liêm có diện tích 3.227,36 ha, dân số 233.490 nhân khẩu và có 10 phường trực thuộc gồm: Trung Văn; Đại Mỗ; Tây Mỗ; Mễ Trì; Phú Đô; Mỹ Đình 1; Mỹ Đình 2; Cầu Diễn; Phương Canh; Xuân Phương.

“Lên đời” hộ khẩu, sổ đỏ

Trao đổi với Tiền Phong, Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam chỉ ra nhiều lợi ích khi tách Từ Liêm thành 2 quận mà người dân sẽ được hưởng lợi.

“Chỉ cần hình dung một mô hình quản lý từ cấp xã, cấp huyện nó khác hẳn mô hình quản lý đô thị của quận, phường. Chẳng hạn, cái nhìn rõ nhất hằng ngày trong lĩnh vực an ninh trật tự, nếu là cấp phường thì có hẳn cả trụ sở công an phường với đầy đủ lực lượng biên chế khoảng 30 đến 40 người, nhưng ở cấp xã thì khác chỉ ký hợp đồng với vài người”, ông Nam cho biết.

Ngoài ra khi thành quận, phường thì việc hút các nguồn lực, vốn đầu tư cũng mạnh hơn, thông qua đây điều kiện về kinh tế-xã hội, các cơ sở vật chất về hạ tầng xã hội sẽ được thúc đẩy. Các khu đô thị mới sẽ hình thành, phát triển nhanh hơn.

“Đây là một vấn đề rất lớn, nên trong Nghị quyết về đề án điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận mới có đánh giá về mặt tích cực, mặt hạn chế. Khi tách thành hai quận mới đồng nghĩa với việc nhiều loại giấy tờ liên quan của người dân như hộ khẩu, CMND, sổ đỏ, lý lịch tư pháp..., đều phải thay đổi, điều chỉnh. Cụ thể, với 55 vạn dân khi tách thành hai quận mới thì các loại giấy tờ liên quan của họ cũng phải điều chỉnh, có sự thay đổi”, ông Nam nói.

Tuy nhiên, theo ông Nam sự thay đổi, điều chỉnh các loại giấy tờ này không gây phức tạp, phiền toái cho người dân. “Việc điều chỉnh, thay đổi các loại giấy tờ của người dân là việc bình thường phải làm và rất đơn giản. Chẳng hạn, đối với sổ đỏ, hộ khẩu hiện tại chỉ cần đính chính ở mục đính chính trong sổ, còn CMND thì sắp tới tất cả phải thay đổi theo mẫu mới nên cũng rất thuận lợi”, ông Nam phân tích.

Ông Nam dẫn chứng, trước đây khi thành lập quận Cầu Giấy hay một số huyện khác trên địa bàn Hà Nội chia tách thành quận mới thì việc thay đổi, điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan của người dân cũng tiến hành rất thuận lợi. “Có những người dân họ cần thì họ sẽ đổi ngay, nhưng những người chưa cần trong giao dịch thì họ sẽ đổi từ từ chứ không phải khi thành quận tất cả đều đi đổi giấy tờ liên quan ngay”, ông Nam nhấn mạnh…

Đề cập về bộ máy hành chính sau khi tách thành hai quận mới, ông Nam cho rằng, việc điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm có thể khiến bộ máy hành chính tăng thêm theo yêu cầu. Nhưng trên tinh thần là không để bộ máy hành chính tăng lên quá nhiều. Về nguyên tắc bộ máy hành chính của một quận có trung bình khoảng 170 biên chế cán bộ công chức.

Thanh tra nhiều sở ngành, quận, huyện

Phát biểu trước kỳ họp HĐND thành phố chiều qua tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định đã ký quyết định thanh tra hàng loạt quận, huyện để xảy ra tình trạng nợ đọng tràn lan trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB)...

Theo ông Nguyễn Thế Thảo, để xảy ra tình trạng nợ XDCB có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan và chủ quan. Về khách quan do kinh tế khó khăn, một số khoản thu, nhất là từ đất không đạt nên mất cân đối, không bố trí được nguồn dẫn đến nợ đọng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chủ quan từ quyết định chủ trương đầu tư, phân bổ vốn đến quản lý và tổ chức thực hiện.

Nhu cầu lớn, khả năng có hạn, dẫn đến bố trí vốn dàn trải; không có kế hoạch vẫn tiến hành khởi công xây dựng công trình dẫn đến nợ ngoài kế hoạch; nhiều trường hợp có trong kế hoạch nhưng nhà thầu thi công vượt khối lượng dẫn đến nợ trong kế hoạch.

Trách nhiệm chủ yếu do chủ đầu tư từ các sở, ngành đến quận, huyện, xã, phường. Trong đó sở chuyên ngành và điều hành của UBND thành phố chưa thật sự kiên quyết trong kiểm tra đôn đốc, chưa kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.

Để không phát sinh nợ mới, ông Thảo khẳng định, UBND thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ kế hoạch xây dựng cơ bản, đặc biệt khắc phục bố trí vốn dàn trải; chỉ bố trí vốn những công trình cấp thiết, dân sinh bức xúc, an ninh, quốc phòng, công trình đang triển khai, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả; tiếp tục đình, giãn, hoãn những công trình chưa thật sự cần thiết.

Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới không nóng vội, không chạy theo thành tích, tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới nhưng phải theo khả năng thực tế. “Tôi vừa chỉ đạo Thanh tra thành phố đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2014 nội dung thanh tra nợ XDCB một số sở ngành, quận, huyện”, ông Thảo khẳng định.

Sáng qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên 28 tuyến phố và điều chỉnh độ dài 6 tuyến phố. Trong đó có 11 đường phố mang tên địa danh, 16 phố mang tên danh nhân. Theo đó Hà Nội đã có phố mang tên Tố Hữu, Thép Mới, Thành Thái, Quan Hoa...Về việc đặt tên tuyến đường, phố mang tên Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP) đề nghị UBND thành phố giao các cơ quan chức năng nghiên cứu và sớm trình HĐND...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG