Cụ thể, theo ông Tuấn, trường hợp này tiếp xúc gần với nam thanh niên dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 ở Hà Nam từ Đà Nẵng về sau khi kết thúc cách ly 14 ngày.
"Ngay trong sáng nay, trường hợp này đã được xác định, giám sát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm và hiện không có nguy cơ", ông Tuấn nêu rõ.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội thông tin thêm, trường hợp F1 này là học viên một trường trên địa bàn thành phố và ngành Y tế đã phối hợp tiến hành các biện pháp xử lý phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Trước đó, một nam thanh niên 27 tuổi, ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nghi mắc COVID-19 do kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày tại Đà Nẵng.
Được biết, người này từ Nhật Bản về nước ngày 7/4, kết thúc cách ly ngày 21/4, sức khỏe bình thường, không có biểu hiện sốt, ho, khó thở, ba lần xét nghiệm âm tính.
Ngày 22/4, anh rời khu cách ly tập trung ở Đà Nẵng, đi ôtô về nhà ở Hà Nam, sau đó tự cách ly tại nhà. Ngày 24/4, anh sốt, đau họng, sáng 29/4 xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.
CDC Hà Nam sơ bộ xác định có hơn 30 F1 của trường hợp này, hiện khoanh vùng 20 hộ dân, lập 3 chốt kiểm dịch quanh khu vực.
Việt Nam thay đổi cách xử trí với những ca tái dương tính SARS-CoV-2
Những trường hợp xét nghiệm tái dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian theo dõi sau xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7 thay vì chuyển đến bệnh viện cách ly
Đây là một trong những nội dung được Bộ Y tế đưa ra trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2 mới nhất - lần 5 (ban hành ngày 26/4). Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế cho Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2 ban hành kèm theo Quyết định số 3351/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đến nay Việt Nam ghi nhận 2.865 bệnh nhân COVID-19. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm, với Việt Nam vì số bệnh nhân còn ít cũng như để đảm bảo cao hơn so với hướng dẫn chung của thế giới nên bệnh nhân khi được xuất viện vẫn theo dõi 14 ngày tại nhà. Trong 14 ngày đó, thực tế có một số ca dương tính trở lại. Những trường hợp này khi đó được xử lý như một ca dương tính mới và được chuyển ngay đến bệnh viện cách ly, theo dõi.
Tuy nhiên, TS Kính cho biết hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới cũng không chú trọng đến những trường hợp tái dương tính.
Trường hợp dương tính lại ở các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh xảy ra ở một số nước trên thế giới. Vấn đề này có thể liên quan đến những thành phần đáp ứng miễn dịch mà chúng ta cần nghiên cứu thêm; còn về phía y tế công cộng, chúng ta không quá e ngại với các trường hợp tái dương tính.
Nếu bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng thì họ chỉ cách ly 10 ngày sau đó cho bệnh nhân về nhà sống như bình thường. Nếu có triệu chứng lâm sàng bình thường, không có diễn tiến nặng thì sau 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính là bệnh nhân được xuất viện.
Theo GS. TS Nguyễn Văn Kính, báo cáo các nước cho thấy ở những bệnh nhân tái dương tính, khi làm nuôi cấy không thấy gì. Ngoài ra, theo dõi những người trong gia đình - tiếp xúc gần không ai bị lây nhiễm. Vì thế, với người tái dương tính có giả thiết đây chỉ là xác virus.
Những trường hợp này qua báo cáo nghiên cứu của thế giới cũng như theo dõi tại Việt Nam thì chúng tôi thấy không nguy hiểm cho cộng đồng, không lây. Có khi chỉ xét nghiệm một lần dương tính sau đó vào bệnh viện thì lại âm tính.
"Vì vậy, trong hướng dẫn lần 5 này, Bộ Y tế đã nêu rõ: Đối với những trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp real-time RT-PCR tái dương tính trong thời gian theo dõi sau xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7"- GS. TS Kính thông tin
Về hiện tượng tái nhiễm, nhiễm một chủng khác, theo chuyên gia trên thế giới ghi nhận một số trường hợp tại Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản sau khi đã khỏi COVID-19. Họ đi du lịch đến vùng khác như châu Âu khi quay trở về thì lại có bệnh cảnh lâm sàng là COVID-19, khi xét nghiệm thì phát hiện chủng mới.
"Hiện nay con số này không nhiều. Nhưng chúng ta khẳng định có tái nhiễm với chủng mới"- TS Kính nói.
Bình Định kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch COVID-19
Sáng 29/4, ông Nguyễn Phi Long – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, các điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa, nhà ga, bến tàu, sân bay…; xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang.
Thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với hành khách đến Bình Định thông qua Cảng hàng không Phù Cát, các nhà Ga, bến xe, cảng cá. Sở Y tế phối hợp với Sở Du lịch yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn y tế, kiểm tra khai báo y tế đối với tất cả hành khách, khách du lịch; có biện pháp tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở lưu trú và khách sạn không thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19.
Giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với các trường hợp có nguy cơ cao; có phương án khoanh vùng, truy vết, cách ly nếu có trường hợp mắc COVID-19.
Đồng thời, tăng cường rà soát hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Khẩn trương phối hợp với Tiểu ban Hậu cần của Ủy ban bầu cử tỉnh xây dựng phương án chi tiết phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn toàn tỉnh. Vận động, khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế không di chuyển ra khỏi tỉnh, đảm bảo công tác trực, khám và điều trị bệnh trong dịp Lễ 30/4 và 1/5.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo và chuẩn bị các cơ sở cách ly của tỉnh, đảm bảo đủ số lượng và yêu cầu phòng, chống dịch, đặc biệt là không để dịch COVID-19 lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải chuẩn bị tối thiểu 1 khu cách ly tại địa phương; chủ động các phương án cần thiết và đảm bảo các điều kiện về y tế trong phòng chống dịch.
Tỉnh Bình Định yêu cầu hạn chế tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người. Trường hợp tổ chức, người đứng đầu, địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch theo quy định. Tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn, đúng tiến độ.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các địa phương tăng cường tuần tra, quản lý, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú; doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép, cần thiết đủ yếu tố có thể truy tố theo quy định của pháp luật…