Sáng nay (26/8), Lễ Mít tinh kỉ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành thông tin và truyền thông (28/8/1945 - 28/8/2016) đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là năm đầu tiên ngành thông tin truyền thông Hà Nội tổ chức ngày truyền thống của ngành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đã khái quát toàn bộ sự phát triển của CNTT tại Hà Nội, đồng thời khẳng định: Phấn đấu xây dựng ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế tri thức của Thủ đô.
Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, ngành công nghiệp CNTT Hà Nội tiếp tục tăng trưởng chiếm khoảng 19% tổng doanh thu công nghiệp CNTT cả nước, đã đóng góp vào tăng trưởng GDP của Thủ đô và đất nước. Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2015 (ICT - index 2015), chỉ số sản xuất - kinh doanh của Hà Nội đứng ở vị trí thứ 3/63 (năm 2014 đứng thứ 5/63) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, ngành công nghiệp CNTT Thủ đô đã từng bước tạo lập được thương hiệu của mình trên bản đồ CNTT thế giới với vị trí trong nhóm 20 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm và đang phấn đấu vào tốp 10 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm.
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội
Công tác quản lý nhà nước đã được triển khai bài bản, đồng bộ trên tất cả 5 lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, qua đó tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành phát triển, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô, đất nước.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn Thành phố ngày được tăng cường, đổi mới, tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và tuyên truyền có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Thủ đô, đất nước. Các cơ quan báo chí Hà Nội cơ bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin trung thực, khách quan, bám sát, tuyên truyền toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô.
Đặc biệt, đã tuyên truyền các nhiệm vụ cấp bách trong từng giai đoạn mà Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực. Công tác thông tin đối ngoại được chú trọng triển khai, tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước con người Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế và tích cực tổ chức tuyên truyền đấu tranh giữ vững chủ quyền đất nước.
Quản lý về bưu chính viễn thông được tăng cường, nhiều biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông được tích cực triển khai. Hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 8000 trạm thu phát sóng đi động , tích hợp công nghệ 2G và 3G, hệ thống Internet đã kết nối đến 100% xã trên địa bàn. Công tác quản lý kinh doanh dịch vụ Internet, thuê bao di động trả trước, chống thư rác, hoạt động quảng cáo rao vặt... cũng được quan tâm, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân và được xã hội đồng tình hưởng ứng.
Đặc biệt, công tác quản lý sắp xếp hệ thống đường dây đi nổi, quản lý duy trì vận hành hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung được tích cực triển khai, góp phần hiệu quả chỉnh trang môi trường đô thị thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị”.
Các doanh nghiệp Bưu chính viễn thông (BCVT) duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng và doanh thu trong năm. Doanh thu của toàn ngành BCVT hàng năm đều đạt mức tăng trưởng 14-15%/năm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của Thành phố.
Đặc biệt, bước sang năm 2016, công tác triển khai ứng dụng CNTT được triển khai theo hướng tập trung, thống nhất về cơ sở hạ tầng, về các ứng dụng dùng chung, các dịch vụ công trực tuyến của Thành phố. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã triển khai Phần mềm trực tuyến tuyển sinh đầu cấp phục vụ cho 600.000 học sinh và 1997 trường học trên địa bàn Thành phố; hoàn thành triển khai và khai trương hệ thống dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường tại 168 phường thuộc 12 quận và đang tiếp tục triển khai tại các xã thuộc 18, huyện trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, nhiều lĩnh vực cũng được đẩy mạnh ứng dụng CNTT như: quản lý người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người nghiện ma túy kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư; quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; quản lý cấp phép đầu tư trên hệ thống mạng và khai thác CSDL Dân cư để phục vụ công tác hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng trên địa bàn Thành phố…
Trước những yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố; tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế để góp phần tích cực cho sự phát triển của Thủ đô, xây dựng Hà Nội thành thành phố “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, thành phố thông minh và thân thiện, trong thời gian tới, ngành TTTT Hà Nội tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Thứ nhất, làm tốt công tác quản lý nhà nước về TTTT, tham mưu xây dựng và triển khai các quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TTTT, đẩy mạnh CCHC, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực:báo chí, xuất bản, bưu chính viễn thông, Internet, CNTT. Góp phần xây dựng chính quyền Thủ đô “kiến tạo, liêm chính, hành động và vì dân”.
- Thứ hai, xây dựng và phát triển hệ thống TTTT cơ sở phù hợp với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của thành phố, đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Tạo bước chuyển biến căn bản trong tổ chức và hoạt động thông tin đối ngoại. Chú trọng tăng cường chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân Thủ đô về lịch sử văn hóa, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của các nước trong khu vực, thế giới và quảng bá hình ảnh của Thủ đô với bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô.
- Thứ ba, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản của Thành phố thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, đảm bảo tính tư tưởng, giáo dục, nhân văn và khoa học. Hướng tới xây dựng xã hội thông tin lành mạnh. Triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô, thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
- Thứ tư, phát triển bưu chính, viễn thông thành phố Hà Nội đến năm 2020 đảm bảo dẫn đầu cả nước và ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và một số nước trên thế giới; trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn hoạt động hiệu quả, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng GDP của Thủ đô, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Cung cấp cho xã hội, người tiêu dùng các dịch vụ bưu chính, viễn thông hiện đại, đa dạng, phong phú, chất lượng cao với giá cả thấp hơn hoặc tương đương mức bình quân của các nước trong khu vực; đáp ứng mọi nhu cầu thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô.
- Thứ năm, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin Thành phố có công nghệ hiện đại làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô. Thành phố Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng Chính quyền điện tử và Thành phố thông minh. Phát triển chính quyền điện tử gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, phát triển kinh tế tri thức và cung cấp các dịch vụ công tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực thiết yếu, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp và hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội thành Thành phố thông minh.
- Thứ năm, thúc đẩy công nghiệp CNTT thành phố Hà Nội trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển bền vững, doanh thu cao với trọng tâm là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Phấn đấu đến năm 2020, sản xuất các sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT đáp ứng tốt cho nhu cầu xây dựng Chính quyền điện tử và góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Phát huy thế mạnh của Thủ đô đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghiệp CNTT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường quản lý, làm chủ công nghệ. Phấn đấu đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp CNTT hàng đầu của cả nước.
- Thứ sáu, chú trọng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về lĩnh vực TTTT của Thủ đô, đảm bảo giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo; đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của Thủ đô, đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế.