Hà Nội phân 3 vùng, những ai được cấp Giấy đi đường?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công an thành phố Hà Nội cho biết đang dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp Giấy đi đường khi Hà Nội thực hiện phân vùng để phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 3/9, tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của thành phố do Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã thông tin chi tiết về 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, Công an TP Hà Nội được phân chức năng cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý về cấp giấy đi đường cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Về việc cấp giấy đi đường, Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố phê duyệt kế hoạch tổng thể, khi được phê duyệt sẽ phối hợp với Sở TT&TT công khai cụ thể, chi tiết.

Về đối tượng được cấp giấy đi đường, Công an TP Hà Nội cho biết đang dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp.

Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được được quy định tại Chỉ thị 16. Về thẩm quyền cấp là Công an thành phố Hà Nội cấp.

Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao, gồm: Cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Các đối tượng này thực hiện theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao quy định. Thẩm quyền cấp là Công an thành phố.

Nhóm 2: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu. Thẩm quyền cấp là Công an thành phố.

Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã. Thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn.

Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.

Nhóm 5: Công dân của các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.

Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của Tòa chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72h.

Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp là Công an thành phố.

Về quy trình, có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm 1, 3, 4, 5 sẽ có 4 bước:

Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực.

Bước 2, công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.

Bước 3, công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân.

Bước 4, Trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.

Với nhóm 2, 6 cũng có 4 bước:

Bước 1, các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp Giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng...).

Bước 2 cơ quan chủ quản căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi mail cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sơ về Công an Thành phố.

Bước 3, Công an TP chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản.

Bước 4, cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.

Như đã thông tin, thành phố Hà Nội đã phân ra 3 vùng, gồm phân vùng 1, phân vùng 2, phân vùng 3 để phòng, chống dịch COVID-19.

Phân vùng 1, gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Khu vực này tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam".

Phân vùng 2, gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Áp dụng điều chỉnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp với cơ chế vận hành các khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp theo mô hình, mỗi cơ sở sản xuất là một pháo đài chống dịch, hỗ trợ khu vực "Vùng 1", bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.

Phân vùng 3, gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của Phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng Phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ khu vực "Vùng 1", bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.

Mục tiêu siết chặt Phân vùng 1. Kiểm soát luồng ra khỏi Phân vùng 1 sang Phân vùng 2 và Phân vùng 3. Đảm bảo chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên Phân vùng để không đứt gãy sản xuất và tiêu thụ thông qua xét nghiệm thường xuyên theo cơ chế kết hợp công - tư. Giảm tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại Phân vùng 2, Phân vùng 3.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.