Hà Nội: Phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến khi tiếp công dân

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp công dân
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp công dân
TPO - Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trong quá trình tiếp dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân.

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về thực hiện Quy định của Bộ Chính trị "Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân".

Theo đó, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cũng theo kế hoạch này, trong quá trình tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo đảm trật tự, an toàn cho việc tiếp dân, bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn được phân công phụ trách; thông báo thời gian, địa điểm tiếp dân trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức (nếu có) và trụ sở làm việc của người đứng đầu cấp ủy và địa điểm tiếp dân.

Kế hoạch nêu rõ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo người đứng đầu cấp ủy thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận để giải quyết hoặc đã chuyển, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, giải quyết (nêu rõ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết để người dân biết).

Trường hợp nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do người đứng đầu cấp ủy chuyển, chỉ đạo giải quyết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết có văn bản báo cáo người đứng đầu cấp ủy và thông báo bằng văn bản cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết về kết quả tiếp nhận để giải quyết và chỉ đạo giải quyết...

MỚI - NÓNG