Hà Nội – Ngõ nhỏ, phố nhỏ... Kỳ 1: Gặp cụ bà trăm tuổi trong ngõ Hàng Chỉ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những con ngõ nhỏ hẹp và sâu hun hút thường khiến người ta muốn bỏ qua hơn là bước vào. Nhưng ai ngờ trong những ngõ nhỏ ấy đang ẩn giấu biết bao câu chuyện thú vị và xúc động về thân phận con người…

Một thời “xếp gạch”, “ở hộ”

Ở khu vực phố cổ Hà Nội, nếu chỉ tính những con ngõ có tên hoặc được đánh số cụ thể, thì ngõ Hàng Chỉ (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) là một trong những ngõ nhỏ hẹp nhất. Nhánh hẹp nhất của ngõ chỉ rộng hơn 1 mét, vừa đủ cho một chiếc xe máy lọt qua. Lách qua những con ngách siêu hẹp ấy, tôi bước vào một căn nhà cấp bốn rộng chừng 20 mét vuông. Đây là nơi ở của cụ Phạm Thị Bắc - cư dân lâu đời nhất còn sống tại ngõ Hàng Chỉ. Năm nay, cụ tròn 100 tuổi. Sống cùng cụ Bắc là người con thứ, năm nay cũng đã gần 80 tuổi.

Hà Nội – Ngõ nhỏ, phố nhỏ... Kỳ 1: Gặp cụ bà trăm tuổi trong ngõ Hàng Chỉ ảnh 1

Không gian nhỏ hẹp sâu bên trong con ngõ Hàng Chỉ ở phường Hàng Gai,

quận Hoàn Kiếm ảnh: Việt Khôi

“Để tôi kể anh nghe. Gia đình tôi về đây sống từ năm 1953. Ngày xưa, chỗ này là bãi đất rộng mênh mông, lác đác vài ngôi nhà, chứ chưa gọi là ngõ. Vài năm sau, dân bắt đầu đổ dồn về đây xây nhà ở, nhà kho, garage... Mạnh ai người nấy xây. Nhà nào muốn chiếm đất thì dễ lắm, chỉ cần mang gạch ra đường xếp chồng lên là xong. Ai khá giả hơn mua thêm cát với vôi về trát vào cho chắc chắn. Liên tục mấy chục năm như thế mới thành cái ngõ hẹp này, anh ạ”, cụ Bắc ôn tồn kể. “À, trước tôi ở căn nhà chính ngay đối diện kia kìa, chứ không phải căn phụ này…”.

Hà Nội – Ngõ nhỏ, phố nhỏ... Kỳ 1: Gặp cụ bà trăm tuổi trong ngõ Hàng Chỉ ảnh 2

Cụ bà Phạm Thị Bắc – lão niên trăm tuổi duy nhất tại phố Hàng Chỉ

“Tại sao cụ lại chuyển sang căn phụ này ạ?” - tôi hỏi. “Để tôi kể anh nghe. Vợ chồng con gái tôi từng có nhà riêng ở ngõ này. Hai đứa đi kinh tế mới mất vài năm, khi trở về thì thấy gia đình khác đã dọn vào nhà mình ở từ lúc nào. Cuối cùng, hai vợ chồng nó đành chấp nhận mất nhà, phải dựng tạm cái nhà lá đối diện nhà chính của gia đình để ở, chính là cái nhà phụ này ngày trước” - cụ Bắc kể.

Trước đây, việc lấn chiếm đất đai, nhà cửa bằng cách “xếp gạch” hay “ở hộ” là chuyện thường.

“Hẹp thế này mà vẫn xây được trường học, tài thật…”

Một lúc sau, vợ chồng con trai út của cụ Bắc ở nhà đối diện sang hầu chuyện cụ cùng tôi. Người con trai tên Hoàng Đức Dẩn, vợ ông tên Trần Thị Thanh Tùng. Cả hai năm nay đều đã 73 tuổi. Ông Dẩn nói, ở trong ngõ hẹp thì bất tiện đủ đường, từ việc đi lại, vận chuyển đồ đạc đến không gian ẩm mốc, ngột ngạt, thiếu ánh sáng, đường ngập úng mỗi khi mưa lớn… Nhưng khổ nhất là khi có một ngôi nhà hoặc công trình đang xây dựng.

Đồng hồ đã điểm 12 giờ trưa. 3 tiếng trò chuyện trôi nhanh. Tôi xin phép mấy mẹ con cụ Bắc ra về. Tôi mở điện thoại, tra đường tới điểm khảo sát tiếp theo. Đó là phố Khâm Thiên, một trong những nơi có “ma trận” ngóc ngách phức tạp nhất Hà Nội…

Điển hình như thời điểm 13-14 năm trước, công trình Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tại địa chỉ số 2 ngõ Hàng Chỉ bắt đầu được thi công. Ngày ngày, gia đình ông Dẩn phải vật lộn với những màn tra tấn của tiếng ồn và khói bụi. Không chỉ vậy, vì không gian trong ngõ quá chật hẹp, nên bờ tường của trường học chỉ cách bờ tường nhà ông Dẩn chừng 20-30 phân. “Sát sàn sạt” như vậy, việc tường nhà ông Dẩn bị nứt là điều tất yếu. Ngõ ngách ở đây xe máy đi vào còn khó, nói gì tới máy cẩu, máy xúc, xe cứu thương vào trong để cứu hộ, cứu nạn?

Trong lúc xây dựng trường học, mặt đường ngõ Hàng Chỉ được cải tạo và nâng lên, làm hai ngôi nhà của mấy mẹ con cụ Bắc bị tụt xuống gần nửa mét so với mặt đường. Vậy là mỗi khi mưa lớn, nơi họ ở lại trở thành “rốn lũ” của ngõ. Ông Dẩn và bà Tùng vẫn không thể quên những ngày tháng phải xắn quần lên tới đầu gối, tay cầm xô, chậu hì hục tát nước cống ra ngoài. Thức ăn chỉ có mì gói, vì gạo bị ngập trong nước nên mốc hết rồi. Họ sống như vậy liên tục 10 năm. Mãi tới năm 2019, nhờ được con cháu và họ hàng giúp đỡ, họ mới tu sửa được bờ tường bị nứt và nâng được nền nhà. “Nơi hang cùng ngõ hẻm thế này mà vẫn xây được trường học, tài thật…”, ông Dẩn cười.

Tuổi già sống bằng kỷ niệm

Từ khi nền nhà được nâng, cuộc sống của mấy mẹ con cụ Bắc cũng bớt kham khổ hơn. Giờ đây, các cháu của cụ đều đã lập gia đình và có việc làm ổn định. Tôi bỗng tò mò rằng trong tương lai, cụ và các con có muốn bán hai căn nhà này đi để chuyển tới chỗ khác rộng rãi, thông thoáng hơn? “Không. Để tôi kể anh nghe, tôi sống ở đây đến nay là tròn 7 thập kỷ, có chật hẹp gì thì cũng quen rồi, không cảm thấy gì nữa. Ở cái tuổi này, còn sống là hồng phúc rồi, không muốn đòi hỏi gì thêm”, cụ Bắc nói, rồi ngừng lại một lúc. “Với lại, tôi cũng nặng tình với nơi này lắm…”.

Ấy là cái tình của cụ Bắc với người bạn đời là cụ ông Hoàng Đức Chử. Hai cụ đã sống cùng nhau nửa thế kỷ ở con ngõ Hàng Chỉ này. Ngày xưa, cụ Chử là một thợ may lành nghề. Ban ngày cụ may trang phục ở Trường Múa Việt Nam (sau này là Học viện Múa Việt Nam), tối về cụ lại ngồi may theo đơn đặt hàng để kiếm thêm. Cụ Bắc làm nội trợ kiêm phụ may cho chồng.

Cụ kể, thời ấy, đồ vật quý giá nhất của gia đình là chiếc máy may cổ hiệu Koyo của Nhật. Mỗi tối, ánh đèn dầu lập loè lại in bóng hai vợ chồng lên tường nhà. Bóng cụ Chử ngồi khom lưng bên chiếc máy may, hai bàn tay giữ chặt miếng vải để đường chỉ không bị lệch. Bên cạnh là bóng cụ Bắc đang tỉ mỉ khâu từng chiếc khuy, cúc vào. Ngôi nhà nhỏ chỉ có tiếng gõ lạch cạch của trụ kim và tiếng kêu cót két của bàn đạp. Và quên sao được những lần cụ Bắc được chồng bất ngờ may tặng váy, quần áo... Hỏi bộ nào thích nhất thì cụ bảo chịu chết vì được may tặng nhiều quá, không mặc xuể, mà bộ nào cụ cũng thích! “Ông nhà tôi mất đã hơn 20 năm rồi. Nhưng tôi cảm nhận linh hồn ông vẫn đang ở đây, nên không muốn đi đâu cả…”, cụ Bắc xúc động, mắt bắt đầu rơm rớm nước...

Đồng hồ đã điểm 12 giờ trưa. 3 tiếng trò chuyện trôi nhanh. Tôi xin phép mấy mẹ con cụ Bắc ra về. Tôi mở điện thoại, tra đường tới điểm khảo sát tiếp theo. Đó là phố Khâm Thiên, một trong những nơi có “ma trận” ngóc ngách phức tạp nhất Hà Nội…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG