UBND thành phố Hà Nội giao Sở NN& PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thống nhất tham mưu văn bản, trình UBND thành phố báo cáo xin ý kiến của Bộ NN&PTNT về nâng cấp tuyến đê.
UBND thành phố cũng giao Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án xử lý cấp bách khoảng 1,5km đê tả Bùi xung yếu, đoạn từ Trạm bơm Trung Hoàng, cầu Bến Cốc đến hết đập tràn thuộc địa bàn xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng…
Thời gian hoàn thành công trình trước ngày 30/4/2019. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính thống nhất tham mưu đề xuất UBND thành phố nguồn vốn thực hiện dự án trên…
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2018, nước sông Bùi dâng cao, gây ngập úng diện rộng, thiệt hại nặng nề trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức... đồng thời đe dọa an toàn đê tả Bùi trên địa bàn xã Thanh Bình (Chương Mỹ). Ngay sau đó, thành phố đã có chủ trương nâng cấp đê tả Bùi để phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho khu vực nội đô.
Trả lời báo chí thời điểm này, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất cho triển khai tôn cao và kiên cố hệ thống đê tả Bùi qua huyện Chương Mỹ.
Cụ thể, theo ông Thịnh, việc nâng cao đê đã được cụ thể hóa bằng quyết định 1821 của Thủ tướng đối với hệ thống sông Đáy, trong đó có đê Bùi.
Dù thế, theo ông Thịnh, để triển khai thực hiện cần có thời gian. Đặc biệt là chuẩn bị về nguồn lực vì kinh phí rất lớn. “Câu chuyện muốn thì như vậy nhưng làm thì chưa thể có ngay một cách đồng bộ được”, ông Thịnh nói.
Cụ thể, nếu thực hiện việc này, phải chuẩn bị từ khâu khảo sát thiết kế vì khu vực đó hết sức phức tạp, từ địa bàn, địa hình cho đến đường vận chuyển, ý tưởng việc nâng cấp kiên cố đê.
Ông Thịnh cho rằng, để nâng cấp đê Bùi thì kinh phí dự kiến rẻ nhất cũng phải từ 50-70 tỷ đồng/km, thậm chí chỗ khó là 100 tỷ đồng/km. Đê trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 14km thì kinh phí có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.