Hà Nội: Lo dịch lây lan trong khu tập thể cũ

0:00 / 0:00
0:00
Các trường hợp liên quan COVID-19 ở "ổ dịch" trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung đi cách ly. Ảnh: Như Ý
Các trường hợp liên quan COVID-19 ở "ổ dịch" trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung đi cách ly. Ảnh: Như Ý
TP - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Ðặng Khánh Hoà cho biết, hiện quận thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần với toàn bộ người dân trong khu vực phong tỏa tại phường Thanh Xuân Trung để rà soát, bóc tách triệt để F0.

Đáng lo ngại là trong khu vực phong tỏa tại quận này có 5 khu tập thể, có các nhà vệ sinh sử dụng chung nên khó cách ly gia đình với gia đình.

Kiểm soát chặt, xét nghiệm nhanh

Ngày 30/8, khu vực ‘ổ dịch’ tại Ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ghi nhận thêm 55 trường hợp dương tính, nâng tổng số ca mắc COVID-19 kể từ ngày 23/8 là 311 ca.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hoà cho biết, các trường hợp ho, sốt sẽ được xét nghiệm, cách ly ngay. “Số lượng các ca mắc vừa được ghi nhận là do thực hiện việc phong tỏa chặt, xét nghiệm triệt để trong khu vực. Hiện nay, quận đã phong tỏa nên không có di biến động, không có sự tiếp xúc với khu vực bên ngoài”, ông Hoà nói.

Có một khó khăn, theo ông Hoà, trong khu vực phong toả có 5 khu tập thể, có các nhà vệ sinh sử dụng chung. Quận đã khuyến cáo phân chia, sử dụng theo giờ, nhưng nhiều khi nhu cầu cá nhân không thể theo được giờ giấc quy định. Vì thế, có thể có những phát sinh sự tiếp xúc khi người dân sử dụng nhà vệ sinh chung này.

“Những nhà dân có nhà vệ sinh riêng thì chúng tôi đảm bảo, khẳng định ai ở đâu yên đấy, tuyệt đối cách ly, không có chuyện bước chân ra cửa. Lương thực, thực phẩm cần thiết đã được vận chuyển đến tận cửa", ông Hoà thông tin.

Về giải pháp, ông Hoà cho biết, trong thời gian tới, quận kiên quyết thực hiện kiểm soát chặt, xét nghiệm nhanh, triệt để bóc tách hết các trường hợp F0. Ngoài số người đã được chuyển đi chữa bệnh, số F1 phải cách ly tập trung, hiện khu vực phong toả còn khoảng 1.200 người.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân trong khu vực, thậm chí người trong cùng một nhà cũng phải tự cách ly với nhau để phòng ngừa lây nhiễm. Cùng với đó, người dân cần phối hợp thực hiện xét nghiệm khi có yêu cầu, tránh tình trạng nhân viên y tế phải đến tận nhà, gây nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. Theo ông Tuấn, qua xét nghiệm, có thể số ca dương tính SARS-CoV-2 tại khu vực này còn tăng lên.

Giảm số người ra đường

Trao đổi với báo chí về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nguy cơ phát sinh các chùm ca bệnh mới rất cao ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau. Điều này cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc. Đáng lo ngại là ngay cả các khu vực đã được phong tỏa, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Nhằm ngăn chặn các trường hợp lái xe “luồng xanh” vào thành phố dương tính lây nhiễm ra cộng đồng như tại phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai), xe “luồng xanh” phải di chuyển thẳng đến nơi xuống hàng, không được dừng đỗ. Người trên xe không được rời cabin. Trường hợp vì lý do bắt buộc cần phải rời cabin thì phải mặc đồ bảo hộ y tế, không được tiếp xúc với ai; sau khi xuống hàng xong thì phải quay đầu xe rời ngay khỏi địa bàn.

Theo ông Dũng, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay vẫn phải là thực hiện giãn cách xã hội một cách thực chất. Trong đó, các quận, huyện, thị ủy tiếp tục coi hiệu quả phòng, chống dịch làm thước đo năng lực, uy tín cá nhân cán bộ. Ông Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trên toàn thành phố phải chủ động lên kế hoạch đánh giá các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ tạm... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động; tổ chức kiểm soát dịch chặt chẽ từ “gốc” tới từng ngõ, ngách, từng hộ gia đình.

Bí thư Hà Nội yêu cầu bằng mọi giải pháp giảm số người ra đường, bảo đảm yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”. Cấp ủy các cấp ở quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, làm chặt chẽ hơn việc quản lý người ra đường; trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phương án sản xuất an toàn, cấp và sử dụng giấy đi đường...

Hệ thống các chốt kiểm soát phải tiếp tục siết chặt kiểm tra người và phương tiện; không để lọt người từ các vùng có dịch vào thành phố mà không được kiểm tra dịch tễ. Các trường hợp cố tình vi phạm, trốn tránh để vượt chốt trái phép phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

MỚI - NÓNG