Hà Nội: Không cấm nhưng người dân nên cân nhắc có cần thiết về quê hay không

Những người dân ở trong khu vực bị cách ly, phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 tất nhiên không thể về quê ăn Tết. Ảnh: PV
Những người dân ở trong khu vực bị cách ly, phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 tất nhiên không thể về quê ăn Tết. Ảnh: PV
TPO - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong trưa 4/2, một cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cho biết, chính quyền không cấm người dân về quê ăn Tết. “Việc về hay không là phụ thuộc vào từng người dân. Mỗi người nên thấy có cần thiết để về hay không”, vị này nói.

Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Đáng chú ý, Chỉ thị nêu: “Hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021”.

Trưa 4/2, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cho biết, thành phố không cấm người dân về quê đón Tết.

“Chỉ thị vừa ban hành ra cũng chỉ nêu là hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán”, vị này nêu.

Theo vị này, việc về quê đón Tết hay không là quyền quyết định của mỗi người. “Tất nhiên, những khu vực đang bị phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 thì nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thì không thể về được, cũng không thể di chuyển đi đâu được”, vị này phân tích.

Hiện, theo vị này, thành phố Hà Nội đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đi về từ vùng dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh để phòng chống dịch bệnh. Đến nay, về cơ bản công việc này đã hoàn thành.

Chia sẻ về việc nếu người dân trở về Hải Dương hay Quảng Ninh đón Tết rồi lên lại Hà Nội, liệu có bị cách ly để phòng, chống dịch bệnh hay không, vị này cho rằng, Hà Nội chỉ quy định rà soát, cách ly, lấy mẫu các trường hợp đến từ vùng dịch. Còn lại, các khu vực không liên quan đến dịch bệnh thì không cần thiết phải cách ly, xét nghiệm…

“Tất nhiên, cũng tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Nếu dịch có diễn biến mới, phức tạp hơn, công tác phòng, chống dịch nâng thêm hơn lên thì lúc đó sẽ có các biện pháp mới”, vị này nêu quan điểm.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí sáng 4/2, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành phong toả toàn bộ thành phố Chí Linh và nhiều thôn, xã, phường của các huyện, thị xã, thành phố khác để phòng, chống dịch Covid-19.

Do đó, đối với những khu vực đã bị cách ly, phong toả, người dân ở các địa phương khác không được vào, đồng nghĩa với việc không được về đón Tết.

"Đối với những vùng, khu vực của Hải Dương không bị cách ly, phong toả thì người dân các địa phương khác có thể về đón Tết nhưng với phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, cơ quan chức năng", ông Cường nêu rõ.

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội ngày 3/2, liên quan đến lo lắng của một số người sống ở Hà Nội có được về các địa phương dịp Tết Nguyên Đán hay không, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thông tin: "Hà Nội chưa có chuyện cấm, quan trọng là người dân đi như thế nào và thấy có cần thiết phải đi hay không". Ông Hiền cũng cho rằng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, công khai ca bệnh, các trường hợp F1, F2 để người dân yên tâm. Chủ trương của thành phố về phong tỏa, cách ly các địa điểm có ca bệnh là "làm càng nhỏ càng tốt".

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.