Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống

TPO - Gắn với "cuộc cách mạng" sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, Thành ủy – HĐND – UBND thành phố Hà Nội xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, sở, ngành theo hướng UBND các quận, huyện, thị xã được tự chủ, tự thực hiện các thủ tục hành chính, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, giải phóng nguồn lực phát triển.

Tạo động lực, phát huy nguồn lực

Theo thống kê, Hà Nội có 1.579 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng vào giai đoạn 1960-1990, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại, có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Những năm qua, Hà Nội xác định, việc cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa đảm bảo đời sống người dân, vừa cải tạo, chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thực hiện nhiệm vụ này vẫn chậm, thậm chí, nhiều dự án rơi vào cảnh “giậm chân tại chỗ” bởi nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mới đây, để góp phần thúc đẩy thực hiện vấn đề này, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5899 của UBND thành phố Hà Nội uỷ quyền cho các địa phương tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư. Đồng thời, các địa phương được quyền ban hành quyết định di dời khẩn cấp và tổ chức di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc trường hợp di dời đến chỗ ở tạm thời. Cũng theo ủy quyền, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức xác định hệ số K áp dụng cho từng vị trí, khu vực có nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn quản lý; tổ chức lập, phê duyệt Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cho từng dự án thuộc địa bàn…

Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống ảnh 1Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống ảnh 2Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống ảnh 3

Hà Nội vừa phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ liên quan đến việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Ảnh: Trần Hoàng - Thanh Hiếu.

Trao đổi trên báo chí, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc phân cấp, ủy quyền tạo rất nhiều thuận lợi, tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai ngoài thực tiễn. Ví dụ, riêng về hệ số K, hệ số khung bồi thường, từ trước đến nay vốn là một trong những vướng mắc khiến quá trình triển khai đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố bị chậm. Trên cơ sở báo cáo và tờ trình của Sở Xây dựng, UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và phê duyệt hệ số K làm căn cứ cho các quận, huyện, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với các hộ dân khi thực hiện dự án.

"Việc triển khai các quy định về phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phân cấp, uỷ quyền thủ tục hành chính cơ bản là ổn định, thông suốt. UBND các quận, huyện, thị xã được tự chủ, tự thực hiện các thủ tục hành chính, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp"

Trên thực tế, UBND các quận, huyện là đơn vị nắm được chính xác vị trí dự án, quy mô dân số và toàn bộ quy hoạch chung cư cũ tại địa bàn. Do đó, để tính hệ số K sát nhất, bảo đảm tiêu chí hiệu quả cho chủ đầu tư, quyền lợi cho người dân, việc giao cho UBND cấp quận, huyện là phù hợp. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng sẽ giám sát việc xác định hệ số K bảo đảm chính xác, hiệu quả.

Đây chỉ là một nội dung phân cấp, ủy quyền của thành phố Hà Nội, nhằm phát huy triệt để những ưu thế của quận, huyện, sở ngành, gỡ các “nút thắt”, khó khăn, tạo hiệu quả trong công việc. Theo báo cáo, từ năm 2022 đến nay, thành phố phố đã thực hiện phương án uỷ quyền 653 thủ tục hành chính theo Quyết định 4610 và 40 thủ tục hành chính mới. Thành phố cũng đã phê duyệt quy trình nội bộ 547 thủ tục.

Theo đánh giá, việc triển khai các quy định về phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phân cấp, uỷ quyền thủ tục hành chính cơ bản là ổn định, thông suốt. UBND các quận, huyện, thị xã được tự chủ, tự thực hiện các thủ tục hành chính, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp (như tự cân đối ngân sách, tự thực hiện thủ tục đầu tư các dự án đối với các lĩnh vực theo phân cấp; được cấp phép theo thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát….).

Việc phân cấp, ủy quyền góp phần giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính thực chất cho cấp huyện; đáp ứng mong muốn, đề xuất từ cơ sở, đặc biệt là 5 huyện có Đề án thành lập quận đang có nhu cầu đầu tư rất lớn để hoàn thành các tiêu chí lên quận.

Phân cấp, ủy quyền đã đi vào cuộc sống

Nói về kết quả phân cấp ủy quyền của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đến nay, Hà Nội đã phân cấp gần 40% thủ tục hành chính (vượt chỉ tiêu so với Chính phủ đề ra). Để làm được việc này, kinh nghiệm của Hà Nội là “làm từ trên xuống” bởi nếu xin ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện thì chẳng sở, ngành, quận, huyện nào đồng ý phân cấp, ủy quyền cả.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội đã thành lập tổ công tác riêng, phân tích kỹ lưỡng, khoa học và và áp xuống cơ sở với tinh thần “vừa làm vừa sửa”. Đến thời điểm này, thực sự việc phân cấp, ủy quyền đã đi vào cuộc sống.

Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống ảnh 4

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: PV.

Trên cơ sở phân cấp, ủy quyền, Hà Nội đã rà soát, ban hành lại quy định chức năng nhiệm vụ của tất cả sở, ngành, các cơ quan tương đương, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với phân cấp, ủy quyền. Hà Nội cũng đã rà soát lại và xác định vị trí việc làm của toàn bộ các đơn vị với 2.687 đề án về vị trí việc làm đã được phê duyệt, ban hành xong. “Cùng với việc Luật Thủ đô sửa đổi sắp có hiệu lực, trong năm 2025, Hà Nội sẽ xác định cụ thể định biên biên chế phù hợp với quy mô, đặc thù của Thủ đô để nâng cao hiệu quả công việc, nguồn lực con người và tài chính”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu.

"Thực sự việc phân cấp, ủy quyền đã đi vào cuộc sống" - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng về việc "các địa phương đánh giá thấu đáo, xác định những mục tiêu, chỉ tiêu, đề xuất cụ thể việc phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn phát triển và quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương" được thể hiện trong dự thảo sửa đổi các luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024, thành phố Hà Nội xác định, sẽ triệt để cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần Trung ương 10 "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, trách nhiệm quản trị địa phương; trong đó xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu thể hiện rõ khả năng tự chủ, tự cường của mỗi đơn vị.

“Đảm bảo vai trò chủ đạo, sự quản lý thống nhất của chính quyền thành phố; tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; khai thác và giải phóng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện đã tự đảm bảo ngân sách. Việc phân cấp cho chính quyền địa phương cần đảm bảo điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thủ đô. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị địa phương trong bối cảnh các quận, huyện, thị xã được phân cấp mạnh mẽ”, thông tin từ thành phố Hà Nội khẳng định.

Thủ đô gương mẫu, đi đầu

Báo cáo tại cuộc làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu, Đảng bộ thành phố tiếp tục gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, bài bản Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Trung ương gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Đảng bộ thành phố tiếp tục là đơn vị gương mẫu đi đầu trong việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố”, ông Phong nói, đồng thời cho biết, Thành ủy, các cấp ủy đã dành nhiều công sức để củng cố, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị phù hợp với các quy định của Trung ương.

Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống ảnh 5

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: P.V.

Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, thành phố tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tránh để tình trạng dự án chậm triển khai gây lãng phí lớn về đất đai và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần tập trung làm tốt việc cải tạo các chung cư cũ, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án lớn của Trung ương và thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tính toán kỹ khi lập quy hoạch, bảo đảm tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng nhà tái định cư, nhà ở xã hội vừa xây được một thời gian ngắn phải phá bỏ, gây lãng phí rất lớn về nguồn lực.

Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, trách nhiệm quản trị địa phương; trong đó xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu thể hiện rõ khả năng tự chủ, tự cường của mỗi đơn vị.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thành phố cần chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp căn cơ để khắc phục triệt để, có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, các hoạt động có phát sinh khí thải; cấp, thoát nước, chống úng ngập; vận hành các nhà máy điện rác; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông để xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại; kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch phải xử lý sớm, đồng bộ và có hiệu quả; bảo đảm các dòng sông trong nội đô “Sạch - Sáng”.

Ngay sau cuộc làm việc của Tổng Bí thư, lãnh đạo Thành ủy – HĐND – UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp thị sát, kiểm tra Dự án cải thiện môi trường sông Tô Lịch, chỉ đạo các biện pháp bổ cập nước, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Trước đó, lãnh đạo UBND thành phố cũng nhấn mạnh, cần cải tạo cảnh quan ven sông, không để rác thải phát sinh, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. “Việc gì không làm được thì cần phân cấp cho các quận, huyện làm, không thể để cảnh quan ven sông Tô Lịch ngập rác thải được, rất phản cảm”, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống ảnh 6Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống ảnh 7Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài cuối: Thành công nhờ làm từ trên xuống ảnh 8

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khảo sát dự án phục hồi môi trường sông Tô Lịch. Ảnh: PV.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố mới đây, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng quyết tâm tập trung cao độ cho việc chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho rằng, phải thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

"Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định với quyết tâm chính trị cao nhất để trong tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025, thành phố phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của Tổng Bí thư Tô Lâm. Thành phố đã cụ thể hóa bằng kế hoạch chỉ đạo và định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan cấp thành phố và cấp quận/huyện", bà Hoài nêu rõ, đồng thời lưu ý, đây là việc làm rất khó vì liên quan đến tâm tư, tình cảm của cán bộ trong hệ thống chính trị; tuy nhiên vì yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, phải quyết tâm thực hiện.

“Từng bước đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiệm vụ với Thành ủy Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp căn cơ để khắc phục triệt để, có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, các hoạt động có phát sinh khí thải; cấp, thoát nước, chống úng ngập; vận hành các nhà máy điện rác; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông để xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại. "Kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch phải xử lý sớm, đồng bộ và có hiệu quả; bảo đảm các dòng sông trong nội đô “sạch - sáng”", Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Hồ Vân Nga - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện phân cấp ủy quyền.

Theo bà Nga, thành phố Hà Nội đã thực hiện phân cấp, ủy quyền từ năm 2006. Khi đó, thành phố đã bắt đầu phân cấp trong một số lĩnh vực. Những năm sau đó, thành phố thường xuyên có chỉnh sửa, điều chỉnh quy định phân cấp ủy quyền để phù hợp với thực tiễn trong điều hành quản lý của bộ máy thành phố.

Đối với Nghị quyết số 23/2022, sau 2 năm triển khai HĐND thành phố đã yêu cầu UBND TP Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện. Tất cả 16 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền đều cho kết quả khả quan.

Đối với giáo dục, Nghị quyết 23 có điều chỉnh phân cấp đầu tư xây dựng các trường THPT. Theo bà Nga, trước đây việc đầu tư xây các trường THPT là nhiệm vụ của thành phố. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 23 được ban hành thì nhiệm vụ quản lý, chi đầu tư xây dựng trường THPT được chuyển giao cho các quận, huyện.

Dù vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng, cải tạo trường lớp tại một số địa phương lớn để đáp ứng đủ nhu cầu học tập cầu học sinh trên địa bàn nhưng khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Hơn nữa, công tác mua sắm khi phân cấp, một số quận huyện có khó khăn về nguồn lực, thành phố sẽ chuyển ngân sách cho các các huyện và bổ sung để hỗ trợ.

Tổng kinh phí ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn Quốc gia là 23.795 tỷ đồng. Nhờ đó, việc triển khai xây dựng các trường THPT trên địa bàn thành phố được đẩy nhanh, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Thanh Hiếu

Tin liên quan