Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài 1: Xa rồi chuyện 7 sở, ngành cùng quản hồ Tây

TPO - Sửa chữa một nắp hố ga, thay một bóng đèn điện cũng phải báo cáo, xin ý kiến nhiều ban ngành, nguyên nhân bởi hồ Tây do 7 sở, ngành đan xen quản lý theo lĩnh vực chuyên ngành, không có đầu mối quản lý thống nhất. Những khó khăn, bất cập chỉ được được giải quyết khi các "nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn" của các sở, ngành được thành phố Hà Nội phân cấp, giao về Ban quản lý Hồ Tây.

Hồ Tây "thay da đổi thịt" nhờ một đầu mối quản lý

Sống gần hồ Tây (Hà Nội) nhiều năm, ông Trần Văn Bá (tổ 12, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, quang cảnh hồ thay đổi nhiều so với trước. Đặc biệt, khu vực Đầm Bảy vốn tồn tại nhiều “tàu ma” - như đống sắt vụn hoen gỉ trôi nổi trên mặt hồ nhiều năm - cũng đã được di dời, trả lại không gian trong lành cho hồ Tây.

Thêm nữa, các vườn hoa, lan can ven hồ, đèn điện chiếu sáng được nâng cấp giúp cho người dân, du khách cảm thấy an toàn, thân thiện khi đến với hồ Tây. “Ngày nào tôi cũng 3 buổi ra hồ tập thể dục, hóng mát, nói chuyện với bạn bè”, ông Bá nói.

Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài 1: Xa rồi chuyện 7 sở, ngành cùng quản hồ Tây ảnh 1Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài 1: Xa rồi chuyện 7 sở, ngành cùng quản hồ Tây ảnh 2Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài 1: Xa rồi chuyện 7 sở, ngành cùng quản hồ Tây ảnh 3

Hồ Tây - lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội sạch đẹp hơn từng ngày. Ảnh: Trần Hoàng.

Dựng xe đạp nghỉ chân trên phố Trích Sài ven hồ Tây, ông Hải (người dân phố Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Từ khi về hưu cách đây 5 năm, ngày nào ông cũng đạp xe qua hồ Tây. Hồ Tây được ông ví như “lá phổi xanh” của Hà Nội, mang lại không khí mát lành, đặc biệt làm dịu không khí những ngày hè oi bức.

“Thời gian gần đây tôi thấy hồ Tây thay da đổi thịt nhiều, vườn hoa quanh hồ được cải tạo, hoa trồng theo mùa rực rỡ. Tôi mong sắp tới hồ được nạo vét, để không chỉ không gian quanh hồ mà cả nước hồ cũng được sạch trong”, ông Hải bày tỏ.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, từ cuối năm 2023, điểm tập kết những du thuyền cũ nát tại khu vực Đầm Bảy đã được di dời, quận tiếp tục tiến hành nhiều giải pháp cải tạo môi trường nước như nạo vét bùn, xử lý trạc thải, sục khí, thả bè thủy sinh… để từng bước làm sạch nước hồ.

Một phần nguyên nhân dẫn đến kết quả đáng kể trên, là từ đầu năm 2024, hồ Tây chính thức được giao quản lý toàn diện cho UBND quận Tây Hồ. Nếu như trước đây hồ Tây do 7 sở ngành đan xen quản lý theo lĩnh vực chuyên ngành, không có một đầu mối quản lý thống nhất, thì nay được "quy về một mối". Những khó khăn, bất cập dần dần được được giải quyết khi các "nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn" đều được phân cấp, giao về cho Ban quản lý Hồ Tây.

Từ việc sửa chữa một nắp hố ga, thay một bóng đèn điện phải báo cáo nhiều ban ngành dẫn đến việc sửa chữa chậm chạp, ảnh hưởng đến cảnh quan hồ Tây, đến nay, việc quản lý hồ Tây đã được phân cấp giao cho một đầu mối duy nhất là Ban quản lý Hồ Tây, giúp bộ mặt, cảnh quan Hồ Tây thay đổi hằng ngày.

Nhận định về hiệu quả của chủ trương này, lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, đây là quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được phân công, đặc biệt trong việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh vốn có.

"Trước đây, khi nhiều sở, ngành cùng quản lý, kể cả việc nhỏ như thay nắp hố ga đường dạo hồ Tây cũng phải xin ý kiến, thì nay quận đã chủ động trong toàn bộ công tác quản lý hồ. Đặc biệt, Đề án Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của hồ Tây và phụ cận đang được Ban quản lý Hồ Tây lập, trình thành phố phê duyệt trong năm 2024, dự kiến sẽ tiếp tục mang lại nhiều "đột phá", ông Võ Thanh Tùng - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ cho biết.

Theo ông Tùng, trong lúc chờ đề án tổng thể, Ban quản lý Hồ Tây đang quản lý mặt nước, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn mặt hồ và thực hiện một số dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật nhỏ, cây xanh, chiếu sáng, chỉnh trang vỉa hè để cải thiện mỹ quan đô thị, phục vụ người dân, du khách đến tham quan, vui chơi.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, quận cũng đang "hưởng lợi" từ sự quyết liệt phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ từ thành phố. Nghị quyết 21 của HĐND TP Hà Nội phân cấp mạnh mẽ và tác động lớn đến các dự án đầu tư trên địa bàn quận. Đây là điều kiện để quận sử dụng nguồn vốn của quận xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án liên quan đến trường học.

Từ việc phân cấp này, UBND quận đã thực hiện xây dựng trường THPT Tây Hồ, được bàn giao trường THPT Chu Văn An để quận thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa. Ngoài ra, quận điều chỉnh một số ô quy hoạch chưa có nhu cầu xây dựng để xây dựng trường THPT, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. "Rõ ràng phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện tạo ra nguồn lực, động lực phát triển rất lớn", ông Tùng khẳng định.

Trả lại những "lá phổi xanh" cho cộng đồng

Với quá trình đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiếu không gian xanh, không gian công cộng. Theo thống kê, diện tích các công viên và vườn hoa tại các quận nội thành trung bình chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08m2/người (so với chỉ tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 là 2,43m2/người).

Trước thực trạng này, tháng 9/2022, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 21/2022/NQ-HĐND về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước đó, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về cải tạo, chỉnh trang diện mạo đô thị. Từ những chủ trương, định hướng này, trong 2 năm qua, các quận, huyện đã chủ động đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương, hoàn thành cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình vườn hoa, công viên tạo những "lá phổi xanh" cho người dân Thủ đô. Trong số này có những công viên lớn, có mức đầu tư cao như xây mới Công viên Ngọc Thụy (7,2 ha); Công viên Long Biên (21,5 ha); Công viên hồ điều hòa CV1 (diện tích 31,74 ha); Công viên Thiên văn học KĐTM Dương Nội (diện tích 6,7 ha)...

Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài 1: Xa rồi chuyện 7 sở, ngành cùng quản hồ Tây ảnh 4

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đang được cải tạo lại theo hướng công viên mở. Ảnh: Trần Hoàng.

Giữa tháng 10/2024, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức khánh thành vườn hoa Thi Sách nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đây chỉ là một vườn hoa nhỏ với diện tích hơn 700m2 nhưng là điểm sáng tại khu vực có mật độ cư dân đông đúc, chật chội, cũng là dấu ấn của việc phân cấp ủy quyền cho địa phương. Chia sẻ với phóng viên, đại diện lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho biết, vốn dĩ đây là khu đất xen kẹt của dự án 94 Lò Đúc đã bỏ hoang hàng chục năm. UBND quận lập dự án ô đất xen kẹt, xây dựng vườn hoa mới góp phần tạo không gian xanh, điểm đến vui chơi cho người dân quanh khu vực.

Cũng tại quận Hai Bà Trưng, 2 công viên lớn nhất Thủ đô: Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Công viên Thống Nhất đã được "hồi sinh" nhờ việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ.

Đại diện lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, ưu điểm của việc phân cấp ủy quyền đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng đó là tốc độ thực hiện dự án. Đơn cử như việc lập quy hoạch tổng mặt bằng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) là đơn vị chấp thuận tổng mặt bằng, tuy nhiên sở quản lý 30 quận huyện nên có thể thấy về quy trình, thời gian sẽ lâu hơn so với thực hiện ở Phòng Quản lý đô thị quận. Hay như đầu tư trường học, trước đây phần xây dựng sẽ giao một Ban quản lý dự án thuộc thành phố, phần mua sắm thiết bị giao Sở Tài chính. Hiện nay, theo phân cấp, quận có thể tự đầu tư xây dựng trường, chủ động mua sắm thiết bị học tập đảm bảo tính đồng bộ.

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô rộng 26,4ha, xây dựng từ năm 2002 với kỳ vọng mang đến không gian xanh phục vụ nhân dân nội đô. Thế nhưng suốt hơn 20 năm qua, công viên lại trở thành "điểm nóng" nhức nhối về xây dựng sai quy hoạch. Khi chuẩn bị bàn giao về quận quản lý, UBND quận Hai Bà Trưng đã thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 10 công trình vi phạm trong công viên. Hiện chỉ còn công trình Cung Xuân sắp hoàn thành phá dỡ.

Ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho biết, đến nay cơ bản việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã hoàn thành. Ông Đức khẳng định: Việc phân cấp toàn diện Công viên Tuổi trẻ Thủ đô về quận quản lý có hiệu quả hơn hẳn. Trước đây, Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội quản lý công viên, nên xử lý vi phạm đô thị trong công viên khó khăn. Thêm vào đó, việc Công ty Công viên cây xanh quản lý các đường dạo, mỹ quan không đảm bảo. Từ ngày quận quản lý, đứng ra thuê lại công ty này thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cây xanh, mọi việc triển khai thường xuyên, thuận lợi, có kết quả. "Hiện nay quận Hai Bà Trưng đang chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, lên kế hoạch đưa toàn bộ các hộ phía Đông công viên ra khỏi nơi này, trên cơ sở đảm bảo cuộc sống cho người dân, trên tinh thần công viên mở để phục vụ người dân", ông Lê Hoàng Đức chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quận Hai Bà Trưng đã phê duyệt 2 dự án chỉnh trang 2 tuyến hè tiệm cận công viên là hè Võ Thị Sáu và Thanh Nhàn; đồng thời xin chủ trương cho phép hạ tường rào của 2 tuyến đường này nhằm khớp nối dự án vỉa hè, tạo không gian mở cho công viên. Đối với Công viên Thống Nhất, sau khi được hạ rào, không thu vé vào cửa, kết hợp cùng hoạt động tại phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận đã khiến lượng du khách đến công viên tăng mạnh. Các hoạt động trong công viên giờ không chỉ dành cho người lớn tuổi mà còn là điểm đến của các bạn trẻ, sinh viên. Quận đang làm quy trình dự án cải tạo công viên Thống Nhất, trong đó có nội dung chuyển đổi chủ đầu tư từ thành phố về quận, chuyển nguồn từ thành phố về ngân sách quận và chốt thời gian thực hiện dự án.

Tinh thần "không có điểm dừng"

Cách đây khoảng 2 năm, vào tháng 10/2022, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên. Theo ông Thanh, người dân thành phố sẽ được hưởng lợi một cách công bằng và tự do về nguyên tắc tiếp cận các công viên trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội mở ra một số mô hình mới về đầu tư công viên, cây xanh. "Dù mô hình đầu tư như thế nào thì người dân vẫn được hưởng lợi. Không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên", ông Thanh nêu. Đến nay, những cam kết của lãnh đạo thành phố phần nào đã trở thành sự thật, khi nhiều công viên trên địa bàn thành phố được cải tạo, sửa chữa, hạ rào để phục vụ người dân.

Hà Nội đột phá phân cấp, ủy quyền - Bài 1: Xa rồi chuyện 7 sở, ngành cùng quản hồ Tây ảnh 5

Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội kết luận hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 03. Ảnh: P.V

Đó cũng là một trong những điểm nhấn thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Hà Nội đã ban hành kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới phục vụ người dân. Kế hoạch xác định cải tạo, nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận. Đến đầu năm 2024, theo báo cáo, trong 41/45 công viên, vườn hoa do các quận thực hiện, sau hơn hai năm triển khai, các quận đã cải tạo 14 xong vườn hoa. Năm 2024, thành phố hoàn thành cải tạo 16 công viên, vườn hoa với số vốn hơn 81.000 tỷ đồng. Dù dự kiến còn nhiều khó khăn, nhưng có thể chỉ tiêu này sẽ "về đích" trong năm 2025.

Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các sở, ngành, quận, huyện đã rất tích cực triển khai chương trình, kết quả đạt được là minh chứng rõ nét cho sự vào cuộc nghiêm túc của các đơn vị của thành phố, lan tỏa trong cả hệ thống chính trị từ thành phố đến tận cơ sở về sự thiết thực của Chương trình.

"Dù mô hình đầu tư như thế nào thì người dân vẫn được hưởng lợi. Không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu.

Ông Tuấn nêu rõ, các quận, huyện, sở, ngành đã vào cuộc quyết liệt để chỉnh trang tuyến phố, công viên, vườn hoa, treo hoa, chỉnh trang chợ,… góp phần rất lớn vào chỉnh trang bộ mặt đô thị của Thủ đô, phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Ông Tuấn yêu cầu các đơn vị của thành phố tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhân rộng các mô hình, cách làm hay và toàn bộ hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc thực hiện, lan tỏa tới xã phường thị trấn, thôn, tổ dân phố. Theo ông Tuấn, những chỉ tiêu thực hiện của chương trình không phải "đến đích" là dừng lại, mà phải "không có điểm dừng" để phục vụ nâng cao đời sống của nhân dân.

Phải đưa Công viên hồ Phùng Khoang hoạt động trước Tết Ất Tỵ 2025

Mới đây, liên quan đến vướng mắc của Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang tại quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, dù đã hoàn thành xong nhiều hạng mục nhưng công viên chưa thể đưa vào hoạt động do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Chủ tịch Hà Nội nêu quan điểm, các dự án công viên rất quan trọng đối với thành phố để giảm bớt ô nhiễm, giãn dân cư nội đô. Ông Thanh yêu cầu chủ đầu tư phải làm tốt hơn phần trách nhiệm của mình đối với dự án, công trình công cộng; không thể có chuyện dự án khu đô thị đã làm xong từ lâu mà dự án công trình xã hội cả chục năm vẫn chưa xong. Ông Thanh yêu cầu, chậm nhất 15/12/2024 phải xong giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư. Trên tinh thần không chờ đợi, dứt khoát không lùi tiến độ dự án, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị tạo cơ chế thông thoáng để làm dự án công cộng cho người dân, vừa giải phóng mặt bằng vừa hoàn thành các thủ tục thi công, để đến Tết Âm lịch 2025, dự án công viên phải đưa vào sử dụng. “Trong dịp Tết, bà con phải được vào chơi và xem pháo hoa tại đây”, ông Thanh nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức bắn pháo hoa tại công viên hồ Phùng Khoang trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tin liên quan