Hà Nội điểm mặt những dự án ‘treo’ ôm đất nhiều năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị chậm triển khai ảnh hưởng đến đời sống của người dân gây bức xúc mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị lớn trên địa bàn như dự án Sông Hồng City; khu nhà ở văn phòng IDC..., sau hàng thập kỷ vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển.

Dự án Sông Hồng City sau 26 năm vẫn nằm “trên giấy”

Dự án xây dựng khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê (Dự án Sông Hồng City) với diện tích 51.300m2 tại khu vực hồ Nghĩa Dũng (nay thuộc địa giới phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và phường Phúc Xá, quận Ba Đình).

Được biết, dự án Sông Hồng City được cấp Giấy phép đầu tư năm 1994 cho phép Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Công ty Antara Koh Development (V) Pte, Ltd (Singapore) thành lập Công ty liên doanh có tên là Công ty Phát triển đô thị để thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện trong vòng 8 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng và đưa các công trình xây dựng vào vận hành.

Hà Nội điểm mặt những dự án ‘treo’ ôm đất nhiều năm ảnh 1

Dự án Sông Hồng City sau 26 năm vẫn chỉ trên giấy. Ảnh: Phối cảnh Dự án Sông Hồng City.

Nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất, và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1995 (thời hạn sử dụng đất là 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 đến 29/11/2039) và phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 dự án Sông Hồng City. Tuy nhiên, sau 25 năm từ ngày được cấp giấy phép đầu tư đến nay dự án Sông Hồng City vẫn chỉ nằm "trên giấy"gây bức xúc cho người dân.

Theo UBND TP Hà Nội, dự án Sông Hồng City bị dừng triển khai do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân chủ quan, giai đoạn từ năm 1997-2001, do ảnh hường và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.

Về nguyên nhân khách quan, dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng.

Từ những vướng mắc trên, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành: QH-KT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập và phê duyệt quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu làm cơ sở để nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo UBND quận Tây Hồ, quận Ba Đình tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng sau khi dự án được phê duyệt quy hoạch theo quy định.

Dự án khu nhà ở văn phòng IDC “treo” hơn 3 thập kỷ

Cùng chung số phận là dự án khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) do Công ty TNHH xây dựng IDC làm chủ đầu tư đã "treo" hơn 30 năm nay.

Theo đó, dự án được triển khai từ năm 1990. Đến ngày 28/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi 13.970m2 đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và giao cho Công ty TNHH xây dựng IDC (Công ty IDC) sử dụng để thực hiện dự án.

Hà Nội điểm mặt những dự án ‘treo’ ôm đất nhiều năm ảnh 2

Dự án Khu nhà ở văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương "treo" hơn 30 năm khiến nhiều hộ dân không được cải tạo, xây dựng vì nằm trong diện quy hoạch của dự án.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, chủ đầu tư thực hiện; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội do vướng mắc Luật Đê điều, khiếu nại của một số hộ dân, dự án triển khai kéo dài, có thay đổi về chế độ, chính sách pháp luật, đến nay mới thu hồi, GPMB được 7.901m2 còn lại hơn 6.000m2 đất chưa GPMB; một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân; do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến chủ đầu tư chưa được giải quyết.

Năm 2016, UBND TP có Thông báo 40 về ý kiến chỉ đạo của UBND TP giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ. Theo đó, đối với dự án IDC, UBND TP chỉ đạo Sở QH-KT chủ trì cùng Sở TN-MT và UBND quận Tây Hồ, Công ty IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo quyết định của Thủ tướng; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã GPMB, diện tích đất chưa GPMB, diện tích đất hồ bị lấn chiếm.

Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng quản lý, sử dụng đất, đề xuất UBND TP, báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh...

UBND TP cho biết, đến nay, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, diện tích đất đã, đang, chưa thực hiện đã được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và xử lý các tồn tại liên quan.

Hiện nay luật Đầu tư 2020 đã có hiệu lực thi hành, việc chấm dứt hoạt động dự án không quy định đối với trường hợp dự án này, đồng thời một số nội dung kiến nghị của nhà đầu tư vượt thẩm quyền của UBND TP Hà Nội (phân lô bán nền, đền bù đất thực hiện dự án tại địa điểm khác, hoàn trả tiền sử dụng đất theo giá trị hiện tại…)

“Liên ngành thành phố đã họp và thống nhất nhà đầu tư, đề nghị UBND TP báo cáo Chính phủ xem xét quyết định theo thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc”, UBND TP thông tin.

Dự án khu đô thị sau 10 năm vẫn là khu đất trống

Khu đô thị ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội có quy mô hơn 90ha được chấp thuận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2008.

Hà Nội điểm mặt những dự án ‘treo’ ôm đất nhiều năm ảnh 3

Sau hơn 10 năm triển khai, dự án khu đô thị ở Mê Linh vẫn chỉ là bãi cỏ dại mọc um tùm, là nơi chăn thả trâu bò của người dân.

Tuy nhiên, dù đã qua hơn 10 năm triển khai nhưng cơ sở hạ tầng của dự án vẫn chưa hoàn thiện, chậm giải phóng mặt bằng. Đến nay, nhiều khu đất của dự án này vẫn chỉ là bãi cỏ dại mọc um tùm, là nơi trồng chuối, chăn thả trâu bò… của người dân địa phương gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Liên quan đến dự án này, UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2011 UBND TP đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được khoảng 35,4ha, đã hoàn thành thi công hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích khoảng 30ha.

Cao ốc 131 Thái Hà hơn thập kỷ vẫn chưa xong

Tọa lạc tại vị trí đắc địa, công trình Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh số 131 Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư được xây dựng hơn chục năm nay nhưng đến nay vẫn không được hoàn thiện để đưa vào sử dụng

Hà Nội điểm mặt những dự án ‘treo’ ôm đất nhiều năm ảnh 4

Công trình Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh số 131 Thái Hà (quận Đống Đa) do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư được xây dựng hơn chục năm nay nhưng đến nay vẫn không được hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Dự án số 131 Thái Hà được cấp phép xây dựng vào năm 2005 và dự kiến thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010.

Vào năm 2014, Sở TN&MT Hà Nội từng công bố dự án 131 Thái Hà nằm trong danh sách dự án có chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ pháp lý dự án và hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà. Đây cũng là một trong số các dự án Sở Xây dựng Hà Nội từng kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư vào năm 2015.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” ở phần xây thô và mới đây, UBND TP Hà Nội có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại 131 Thái Hà của Cty TNHH tổng hợp Huy Hùng nằm trong danh sách 20 dự án chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, dự án 131 Thái Hà của Cty TNHH tổng hợp Huy Hùng nợ 45,2 tỷ đồng.

Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên- Môi trường) phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất. “Quy định là vậy nhưng thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi cũng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, kiên quyết”, vị này nói.

MỚI - NÓNG