Thông tin trên được ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai xác nhận với PV Tiền Phong, ngày 4/12.
Theo ông Khiển, sau phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, dư luận có đã nhiều ý kiến khác nhau về việc hàng loạt khách hàng trả giá cao tại phiên đấu giá rồi dừng lại. Trong đó, có ý kiến cho rằng có dấu hiệu phá đấu giá, nhưng cũng có người cho rằng trả giá như thế nào là của cá nhân người tham gia đấu giá. "Hiện nay, công an đã vào cuộc xác minh, làm rõ xem có dấu hiệu phá đấu giá hay không. Nếu có căn cứ, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật", ông Khiển nói.
Trước đó, ngày 30/11 UBND huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá 22 lô đất ở tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai). Các thửa đất đấu giá có diện tích từ 85m2 đến 135m2 với giá khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2.
Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng, ít nhất 6 vòng bắt buộc. Bước giá mỗi vòng từ 5 triệu đồng/m2.
Các vòng đầu, việc đấu giá diễn ra bình thường. Đến vòng thứ 8, giá cao nhất được trả là 70,3 triệu đồng/m2 nhưng do khách hàng đồng loạt bỏ cuộc nên các lô đất đấu giá đều không thành công.
Một lô đất đấu giá tại Thanh Oai |
Ông Nguyễn Trọng Khiển cho biết, qua rà soát cơ quan chức năng xác định, các khách hàng tham gia phiên đấu giá ngày 30/11 hầu hết là người của các sàn bất động sản, văn phòng nhà đất chứ không có người dân tham gia.
Liên quan đến đấu giá đất tại Hà Nội, ngày 3/12, Cơ quan CSĐT (Công an TP. Hà Nội) đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Trước đó, ngày 29/11, huyện Sóc Sơn đã tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn). Tại phiên đấu giá, đến vòng 5 có 3 thửa được trả giá tới 30 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, đến vòng 6 những người này đã bỏ ngang khiến phiên đấu giá phải dừng lại.
UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, có dấu hiệu "phá" đấu giá nên đã đề nghị cơ quan công an điều tra.
Sau một thời gian vào cuộc, ngày 3/12, Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng để điều tra.