Hà Nội có ý tưởng chuyển đê sát sông Hồng

Hà Nội có ý tưởng chuyển đê sát sông Hồng
TPO - Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội đã từng có ý tưởng đẩy đê hiện tại ra sát bờ sông để có thể tạo diện tích rộng rãi cho khu dân cư, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân ngoài đê.

Triển khai Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thực hiện dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội”.

Theo kết quả dự án được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 257, không gian thoát lũ sẽ nằm giữa hai tuyến đê chính và không cho phép xây dựng đê bối mới. Số hộ dân cần di dời để phục vụ dự án là 2.206 hộ. Quy hoạch đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng ở 20 bãi sông với tổng diện tích 3.904ha. Mật độ xây dựng được giới hạn ở mức 15% cho 2 bãi và 5% cho các bãi còn lại.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, việc sử dụng khu vực bãi sông để phát triển kinh tế là một nhu cầu không thể thiếu của các địa phương, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Khai thác tiềm năng các con sông, đặc biệt là sông Hồng đoạn qua đô thị trung tâm của thủ đô là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội

Hà Nội có ý tưởng chuyển đê sát sông Hồng ảnh 1 Hà Nội đề xuất di dời 2.204 hộ dân sinh sống ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm, lòng sông co hẹp

Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, thỏa thuận, cho phép nạo vét 8 bãi dọc bờ tả và bờ hữu sông Hồng... Sau khi điều tra, khảo sát các khu vực dân cư; căn cứ kết quả tính toán mô hình thủy lực hai chiều trên vùng bãi sông Hồng, sông Đuống, Hà Nội đề xuất di dời 2.204 hộ dân sinh sống ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm, lòng sông co hẹp và có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra lũ lớn...

Bên cạnh đó, Hà Nội đề xuất xây dựng 7 tuyến giao thông kết hợp đê bao bảo vệ khu dân cư, khu đô thị vùng bãi, với cao trình bảo đảm chống lũ ở mức báo động II (tương ứng cao trình mặt đường ở Trạm thủy văn Hà Nội là 11m). Đó là các tuyến Chu Phan - Đại Độ, Tầm Xá - Xuân Canh, Chương Dương - Xuân Quan... Các tuyến đường sẽ được làm với tiêu chuẩn đường giao thông cấp đô thị rộng 50m, nối cả đến những vùng bãi chưa phát triển.

Hà Nội cũng có ý tưởng táo bạo đẩy đê ra sát bờ sông, có thể ngầm hiểu đê mới sẽ thay thế đê cũ. Nếu làm, thì khu dân cư cả bên tả lẫn bên hữu sẽ được mở rộng và bảo vệ tuyệt đối. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng này cần có một cơ chế đặc thù ngoài thẩm quyền của Hà Nội.

“Tất nhiên, khu vực qua trung tâm sẽ được ưu tiên, ai cũng đồng thuận. Nhưng ưu tiên đến cỡ nào để đảm bảo an toàn chung cho cả hệ thống là vấn đề cần cân nhắc, bàn bạc”, đại diện Sở NN&PTNT cho hay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, đã giao các đơn vị liên quan xem xét, thỏa thuận, giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và triển khai quy hoạch. Trong giai đoạn triển khai quy hoạch, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý việc xây dựng các tuyến đường kết nối phải bảo đảm nguyên tắc không gian chứa lũ. Đối với khu vực bãi sông không được phép xây dựng có thể sử dụng làm công viên cây xanh. Đối với khu vực cho phép xây dựng, cần nghiên cứu bảo đảm theo hướng an toàn.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.