Một tối mát trong như tối năm xưa, ngay sát mép nước Hồ Gươm, Nhã Nam tổ chức chương trình Làng làng phố phố, giới thiệu hai tập sách Hà Nội còn một chút này và Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (trái) và nhà văn Trương Quý trong buổi ra mắt sách. |
Sự góp mặt của đông đảo khán giả cả già lẫn trẻ chứng minh sức hút chưa bao giờ cạn của những câu chuyện ở sâu trong lòng 36 phố phường. Khác với Hà Nội hào hoa phong nhã của Vũ Bằng, không giống Hà Nội tinh tế nhạy cảm của Thạch Lam, cũng chỉ xa xa liên đới cái ngon lành dung dị trong văn Băng Sơn, Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến vừa có bề dày của những trầm tích văn hóa, vừa có cái nhộn nhạo láu cá Kẻ Chợ, vừa ăm ắp hơi thở đời thường của những chợ trời, chợ xanh, chợ cóc, chợ đuổi...
Nhưng hơn hết, đây là một Hà Nội “âm thịnh dương suy”.
Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng đàn ông Hà Nội không "hay" bằng phụ nữ Hà Nội. |
Người dẫn dắt chương trình, nhà văn Nguyễn Trương Quý (cũng là một cây viết dành không biết bao nhiêu là tình cho Hà Nội) tỏ ra quan tâm đặc biệt đến những hình mẫu phụ nữ cá tính, nhơn nhơn giữa đời trong văn Nguyễn Ngọc Tiến.
Tác giả của Me Tư Hồng chia sẻ thực ra những phụ nữ “hay” như thế ở Hà Nội rất nhiều. Nhà văn - cựu phóng viên báo Hà Nội mới còn nhấn mạnh xưa nay người ta hay ca ngợi đàn ông Hà Nội hào hoa phong nhã, nhưng thực ra đa số chỉ “ăn tục nói phét”, phụ nữ Hà Nội mới là trụ đỡ trong gia đình, nuôi chồng, dạy con.
Trong lời kể của Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội có bà Lê Thị Lễ, vợ nhà yêu nước Lương Văn Can, theo nghề buôn của mẹ, buôn bán đảm đang, cấp tiền cho chồng dựng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Hà Nội còn có bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản yêu nước, buôn bán rất tháo vát.
Bà Hồ kể: “Sau này buôn lớn lại mở nhà máy nên mới tuyển ký, trước buôn tơ lụa, tôi tính nhẩm hết, không ăn gian của ai một xu, cũng không ai ăn được của tôi một xu”.
Phụ nữ Hà Nội đa số là trụ cột trong nhà, gánh trách nhiệm nuôi chồng dạy con. Đàn ông Hà Nội chỉ phải lo học hành, thi cử. |
Những người như bà Lễ, bà Hồ còn rất nhiều. Họ đều là con gái nhà giàu, ít được học chữ, chủ yếu học nữ công gia chánh, nhưng có tài tính toán như thần.
Hà Nội trong mắt Nguyễn Ngọc Tiến còn được phục dựng bằng khảo cứu. Có lẽ với lợi thế của một nhà báo, Nguyễn Ngọc Tiến được tiếp cận rất sớm với những tư liệu tiếng Đức về Erwin Borchers cùng các chiến sĩ ngoại quốc trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Huyền thoại về những Việt Minh người Đức tuy hiếm lạ nhưng lại vô cùng chân thực, không thiếu phần bi tráng lẫn cảm động.
Có thể nói rằng, Hà Nội được Nguyễn Ngọc Tiến vẽ lại bằng những chi tiết, những phận người, những thói quen và cả những góc khuất của lịch sử. Chính vì thế, nó cuốn hút trong những bất ngờ thường trực. Ví như Hồ Gươm trong câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tiến, ngoài những giá trị như lâu nay người ta vẫn ngợi ca, nó còn là nơi tự tử của nhiều cô gái trẻ, vì thất tình. Hoặc như, đồ mỹ ký ở Hà Nội hóa ra là sáng chế của một “me Tây”...
Hà Nội còn một chút này dày 367 trang, gồm 56 mẩu chuyện nhỏ về Hà Nội. |
Hà Nội còn một chút này không phải tiểu thuyết nhưng lại hấp dẫn hơn cả tiểu thuyết. Mở hú họa bất cứ một tiểu mục nào, ta đều có thể chạm đến những thú vị duyên dáng của một đô thị mà mỗi viên gạch, mỗi gốc cây... cũng đều mang trong mình rất nhiều bí mật xưa cũ.
Đến Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn thì Nguyễn Ngọc Tiến đã mở rộng địa lý, câu chuyện Hà Nội được nối dài thành câu chuyện đất nước, suốt từ “mắm Nghệ, lòng giòn, rượu ngon, cơm trắng” cho đến tiếng hò sông Hậu tít miền Tây, cũng coi như chốt một chặng xuyên Việt.
Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn dày 318 trang, viết theo lối tản văn, khảo cứu. |
Nhà văn Trương Quý đánh giá: “Anh Tiến có bút lực trong nhiều đề tài chứ không chỉ riêng về Hà Nội. Anh khám phá những dấu mốc đầu tiên của một sự kiện, hoặc tìm đến những khía cạnh của vấn đề mà chưa ai từng biết. Anh cũng mở ra những lát cắt của lịch sử, xâu chuỗi các sự kiện và dẫn dắt đến những câu chuyện hấp dẫn”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ông gắn bó phần lớn cuộc đời mình với thành phố quê hương và có gần 30 năm làm phóng viên cho báo Hà Nội mới. Ông đã xuất bản nhiều sách, bao gồm tản văn, khảo cứu lẫn sáng tác văn học.
Ông từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012.
Trước khi ra mắt hai tập sách, ngày 9/10/2023, Nguyễn Ngọc Tiến vừa được vinh danh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú.