NHẬT KÝ SAO LA - KỲ 2:

Gửi niềm tin nơi 'Khu rừng hy vọng' của Trung Trường Sơn

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi nghe những câu chuyện từ người dân về mối hiểm họa mà sao la và các loài động vật khác đang phải đối mặt, cả đoàn chúng tôi lại tiếp tục hành trình của mình cùng một câu hỏi: Liệu còn cơ hội nào để gặp lại sao la hay không?

Hành trình đưa chúng tôi đến với “khu rừng hy vọng”. Đúng như cái tên, đây là nơi chúng tôi được gặp những người đang ngày đêm giữ gìn những hy vọng - dù khó khăn - để giữ lại một minh chứng cho đa dạng sinh học của Trung Trường Sơn.

Một niềm tự hào của đa dạng sinh học Trung Trường Sơn đang biến mất?

Gửi niềm tin nơi 'Khu rừng hy vọng' của Trung Trường Sơn ảnh 1

Hình ảnh sao la trong tự nhiên (© David Hulse/ WWF)

Cách đây khoảng 20-30 năm, sao la không quá hiếm gặp trong những cánh rừng ở Trung Trường Sơn, nhưng trong một thập kỷ gần đây, loài thú cổ đại này dường như đã biến mất khỏi tầm mắt của giới sinh vật học. Và thật đáng tiếc là việc bảo tồn sao la trong điều kiện nuôi nhốt vẫn chưa thành công. Năm 1996 và 1998, một số cá thể sao la đã được đưa vào các Vườn Quốc gia để nghiên cứu, bảo tồn nhưng các cá thể này đã chết sau đó vài tháng. Giới khoa học nhận định cách tốt nhất để bảo tồn loài này là trong tự nhiên bởi chúng chỉ có thể sinh sống ở những khu rừng chưa bị xâm hại.

Câu chuyện đã 10 năm nay chưa có thêm bất kỳ bằng chứng sinh tồn nào của sao la là ví dụ điển hình cho việc đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm. Sinh cảnh sống bị suy thoái hoặc bị thu hẹp, mắc bẫy của thợ săn, biến đổi khí hậu, khai thác gỗ bất hợp pháp, các hoạt động phát triển không bền vững,... là những nguyên nhân đẩy sao la và nhiều loài động vật hoang dã khác vào tình trạng nguy cấp.

Liệu có còn hy vọng nào cho việc bảo tồn sao la không? Khi đến với “khu rừng hy vọng” nơi trái tim Trung Trường Sơn, may mắn thay chúng tôi thấy vẫn còn những tín hiệu đáng mừng.

Nơi nuôi dưỡng niềm hy vọng

“Khu rừng hy vọng” là cái tên mà anh Thuyết cùng đồng đội trong tổ bảo vệ rừng ưu ái gọi Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu Khe Nước Trong - khu rừng mà các anh đang bảo vệ. Đây là khu rừng được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới đánh giá rất quan trọng đối với công tác bảo tồn với tính đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như: bò tót, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, trĩ sao, hồng hoàng,… Cùng với cảnh đẹp thiên nhiên, sông Rào Chân, Khe Nước Trong với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi có rừng, đã tạo nên cảnh đẹp thơ mộng nơi đây.

Gửi niềm tin nơi 'Khu rừng hy vọng' của Trung Trường Sơn ảnh 2

Một góc rừng nguyên sinh tại Động Châu - Khe Nước Trong (© WWF-Việt Nam/ Thảo Nhiên)

"Khu rừng mình bảo vệ được gọi là khu rừng hy vọng, vì đây là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ trên 98%, lại là nhà của nhiều loài động thực vật phong phú, đặc biệt là có sao la." – anh Thuyết, Trưởng tổ bảo vệ rừng Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong chia sẻ.

Anh kể, để bảo vệ rừng, anh chưa lúc nào thảnh thơi. Nào là nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Nào là việc thiếu trang thiết bị để bảo vệ bản thân khi tuần tra. Rồi buồn nhất là lúc anh bị chính bà con địa phương phản đối, vì không để họ khai thác rừng.

Vậy mà anh vẫn gắn bó với “khu rừng hy vọng” này hơn 16 năm nay. Lý do chính mà anh có thể trụ lại với nghề lâu vậy, là nhờ được nhìn thấy những thay đổi tích cực của rừng, của những người dân nơi đây.

Gửi niềm tin nơi 'Khu rừng hy vọng' của Trung Trường Sơn ảnh 3

Các thành viên tổ bảo vệ rừng Cầu Khỉ tuần tra (© WWF-Việt Nam/ Thảo Nhiên)

“Trước đây bà con vào chặt cây, săn bắt nhiều lắm. Nhưng dần dần, nhờ nhà nước tuyên truyền, rồi tổ bảo vệ mình cũng cố gắng khuyên nhủ, bà con cũng thay đổi nhiều. Giờ khu rừng của mình không còn nạn săn bắt nữa. Bà con cũng có nhiều cách để kiếm tiền mà không phá rừng. Có người làm chăn nuôi, có người làm du lịch sinh thái. Tự hào nhất là còn có nhóm bà con tự thành lập tổ bảo vệ rừng. Đỡ cho mình bao nhiêu.”

Mỗi bước chân trên hành trình khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong là mỗi lần hy vọng của chúng tôi được nhen nhóm.

Lời kêu gọi khẩn thiết trên toàn thế giới

Không chỉ tổ bảo vệ rừng và người dân địa phương ở Động Châu - Khe Nước Trong mới ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ rừng và các loài nguy cấp, đây là nhiệm vụ cấp bách của các quốc gia trên toàn thế giới trước những báo động đỏ của mất đa dạng sinh học trên Trái đất.

Vào Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học, 22 tháng 5 năm 2022, Liên Hợp Quốc phát động chủ đề "Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học" với sự tham gia của 196 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai "Sống hài hòa với thiên nhiên" vào năm 2050. Điều này đã tiếp thêm hy vọng về bảo tồn sao la nói riêng và đa dạng sinh học của nước ta nói chung khi có sự cam kết thực hiện của chính phủ và sự hỗ trợ nguồn lực quý giá của các tổ chức quốc tế. (còn tiếp)

Nếu bạn có thông tin hoặc đã nghe câu chuyện liên quan đến sao la, hãy liên hệ với WWF-Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, chia sẻ những trải nghiệm và kiến thức của bạn.

Thông tin liên hệ: Đỗ Thanh Hào, Điều phối viên dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” - điện thoại/Zalo: 0975156258

MỚI - NÓNG