Theo thông tin của Sở LĐTB&XH tỉnh Bạc Liêu, bà Dung sinh năm 1946, tham gia kháng chiến từ năm 1961 đến năm 1981, làm Phó chủ nhiệm Cty Thương nghiệp huyện Giá Rai. Ngày 26/6/1982, bà bị Công an huyện bắt tạm giam đến ngày 13/12/1983, được tạm tha nhưng không cơ quan nào giải quyết tiếp theo dù bà có nhiều đơn kêu oan.
Riêng về mặt Đảng, giữa năm 2010, bà được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu thay đổi hình thức khai trừ bằng khiển trách, và đầu năm 2011, bà nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Sau đó, bà tiếp tục có đơn yêu cầu giải quyết các chế độ về kinh tế, chưa có kết quả thì năm 2012 qua đời.
Về vụ bắt bà Dung, Trưởng Công an huyện Giá Rai lúc đó là ông Võ Văn Thuần (nay nghỉ hưu, ở thị trấn Hộ Phòng) cho biết, Cty Thương nghiệp huyện Giá Rai thua lỗ nên bị thanh tra. Đang thanh tra thì Chủ nhiệm Cty bỏ trốn nên Đoàn thanh tra đề nghị Công an huyện tạm giữ bà Dung “để thanh tra thuận lợi”. Sau đó, thanh tra kết luận thua lỗ không nghiêm trọng nên “tạm tha bà Dung”.
Nguyên Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh lúc đó là ông Phan Thành Kháng (nay nghỉ hưu, ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết, ông xuống kiểm tra công tác bắt giam ở huyện đã thấy “bà Dung không có tội”.
Theo ông Kháng, hồ sơ chỉ có biên bản thanh tra là tài liệu tham khảo mà không có thủ tục tố tụng gì, bà Dung cũng không nhận tội nên ông đề nghị Công an huyện báo cáo lãnh đạo huyện để tạm tha bà Dung. “Sau đó, tôi có xuống một lần nữa thì nghe báo cáo là tạm tha rồi”, ông Kháng nói.
Nay, anh Điều yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm giải oan cho mẹ của anh và bồi thường oan sai thời gian bị bắt tạm giam, trả lương theo chế độ chính sách những năm còn sống. Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư Cần Thơ) cho rằng, bà Dung đã qua đời vẫn được giải quyết quyền lợi lúc còn sống cho người thừa kế.
“Nếu bà Dung có nhiều con thì các con phải làm thủ tục ủy quyền cho anh Điều, lúc đó anh Điều mới có đầy đủ tư cách thừa kế để yêu cầu giải quyết oan sai cho bà Dung”, luật sư Thành nói thêm.