Nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với Tiền Phong.
Những giá trị để lại hậu ngàn năm Thăng Long mới là quan trọng. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Lo nông thôn hóa đô thị
Hà Nội sắp ngàn năm tuổi, ai cũng cảm nhận là thời khắc đó đang đến gần. Ông có dự cảm, trăn trở gì?
Tôi không hy vọng có một cái gì đó thay đổi lớn. Có thể là trong 10 ngày hội sẽ ồn ã hơn, có nhiều người quan tâm đến. Nhưng những giá trị để lại hậu ngàn năm Thăng Long mới là quan trọng. Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Trong bối cảnh chúng ta đang mở rộng Hà Nội, có thể tạo ra những thuận lợi về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng xây dựng thượng tầng thì sẽ nảy sinh những vấn đề khó khăn, như trình độ, mặt bằng dân trí nói chung, hay tạo ra một phong cách Hà Nội. Nhất là, chúng ta còn phải cộng thêm một nền tảng văn hóa rất lớn của xứ Đoài.
Có thêm văn hóa xứ Đoài có thể sẽ có tác động tích cực, nhưng cũng có thể tác động tiêu cực nếu như chúng ta không biết xử lý. Quan trọng hơn, là xây dựng văn hóa đô thị cho Thủ đô. Cái yếu kém nhất của chúng ta hiện nay là văn hóa đô thị, và cái này chúng ta chưa quan tâm lắm. Tác động của những thay đổi về mặt cơ cấu lãnh thổ, cơ cấu về nhân sự, và với cơ chế hiện nay dễ dẫn đến tình trạng nông thôn hóa đô thị, nếu chúng ta lấy số đông so với thiểu số.
Chính vì vậy, quan trọng ở đây là xây dựng văn hóa đô thị, đi cùng với xây dựng hạ tầng cho thủ đô.
Đề cao văn hóa ứng xử
Lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh đến việc xây dựng con người thủ đô văn minh, thanh lịch. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài /dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nhưng, như ông nói, văn hóa đô thị hẳn còn bao hàm ứng xử, hành xử của chính quyền đô thị- mà cụ thể là của cán bộ với công dân. Ông thấy điều đó có cần đề cao không?
Đương nhiên rồi. Văn hóa chính quyền là một thiết chế lớn, đặc thù. Và cho đến nay vẫn đang trong quá trình vận động để xây dựng một chính quyền đô thị, và chưa hình thành được. Đó là cái bất cập đầu tiên.
Đô thị là một kết cấu xã hội, một kết cấu không gian hết sức đặc thù. Hiện nay, để điều chỉnh thiết chế đó, mới chỉ có Pháp lệnh Thủ đô và một số yếu tố đáp ứng đặc thù đó, nhưng chưa đủ. Chính Hà Nội đang rất bức bách vì chúng ta chưa có Luật Đô thị, chưa có Luật Thủ đô.
Không có hệ thống đó, không thể tạo ra một con người theo chuẩn mực của đô thị. Với yếu tố đặc thù của một thành phố lớn, của một thủ đô, những cái đó đương nhiên tác động vào sự hình thành nhân cách.
Ngót ngàn năm tuổi, hẳn Hà Nội có những đặc trưng về văn hóa ứng xử của chính quyền với dân qua các thời kỳ. Còn bây giờ, dường như có một khoảng cách, do cách ứng xử xa lạ của một số cán bộ ở nơi này, nơi kia- nhất là cấp cơ sở với dân?
Trong lịch sử nhân loại, đô thị là biểu trưng của dân chủ, khi nó bắt đầu thoát ra khỏi cơ cấu truyền thống làng xã, thoát khỏi những tập quán nguyên thủy. Vậy mà hiện nay chúng ta chưa phát huy được cái dân chủ trong đô thị.
Đó là nguyên nhân cơ bản của vấn đề. Nhân dân chưa thể hiện được hết quyền của mình. Chính vì thế, những gì đang hạn chế sự phát triển của Thủ đô xuất phát từ chỗ chúng ta chưa xây dựng được cơ chế dân chủ cho một đô thị lớn cho Thủ đô của chúng ta.
Vậy thì trong xây dựng văn hóa thủ đô nói chung, văn hóa ứng xử của chính quyền đô thị nói chung, cần kế thừa, bổ sung những gì, thưa ông?
Thực ra, nói kế thừa có rất nhiều. Chúng ta nói có 1.000 năm Thăng Long, kinh đô hoàn toàn đúng. Nhưng gọi là thành phố đúng nghĩa, Hà Nội chúng ta mới chỉ có 120 năm, kể từ khi người Pháp xây dựng. Với truyền thống ngàn năm, đó là tinh thần tự chủ, Thủ đô trở thành biểu thị của sức mạnh của cả nước về mặt tinh thần và văn hóa, là nơi hội tụ những tinh hoa ấy.
Nhưng rõ ràng, ngày nay ngoài những yếu tố đó ra, nó phải là một động lực phát triển kinh tế. Kinh tế thủ đô không có nghĩa là có nhiều cơ sở kinh tế, nhiều nhà máy, tăng GDP cao, mà phải là bộ óc, đầu não phát triển kinh tế của đất nước, phải là nơi tập trung trí tuệ nhất.
Hà Nội phải là đầu não phát triển kinh tế của đất nước, phải là nơi tập trung trí tuệ nhất. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Tôn trọng pháp luật
Thế còn những điều mà dân hiện vẫn kêu ca, phàn nàn về ứng xử của chính quyền với họ. Phải chăng, việc đó xuất phát từ lối sống, từ đạo đức ứng xử ít văn hóa của một bộ phận cán bộ?
Trước hết, những hành động đó, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật và không thể làm khác được. Còn nguyên nhân thì thấy ngay. Nói cách khác, bộ máy chưa tương xứng với Thủ đô của chúng ta, một thủ đô ngàn năm tuổi, rộng lớn như hiện nay.
Ông muốn nói là do có vấn đề từ công tác cán bộ?
Tôi cho là do thể chế nhiều hơn. Bởi vẫn là con người đó thôi, đều là dân cả, dân được nhấc lên làm cán bộ thì trở thành cán bộ thôi. Tức là khi đặt ai đó vào vị trí ấy, có chọn được người có năng lực hay không.
Để giải quyết những xung đột, những vấn đề dân sinh bức xúc, chính quyền phải làm gì?
Hãy cứ làm đúng luật đã. Làm sai thì phải sửa, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi cho điều đó là quan trọng nhất. Đúng là hiện nay cái khó nhất là bộ máy giám sát, đại diện của dân chưa phát huy được hết vai trò, kể cả đại biểu quốc hội chúng tôi.
Điều này dẫn đến tình trạng, gần như cơ quan hành pháp có thể làm mọi việc. Tất nhiên chúng ta không nói tất cả, vẫn có những thay đổi rất tích cực chứ.
Với tư cách là một công dân thủ đô, ông mong muốn gì khi Hà Nội ngàn năm đang tới gần?
Tôi không hy vọng có một cái gì đó thay đổi lớn. Có thể là trong 10 ngày hội sẽ ồn ã hơn, có nhiều người quan tâm đến. Nhưng những giá trị để lại hậu ngàn năm Thăng Long mới là quan trọng.
Vậy đại lễ nên thế nào theo cách nhìn của ông?
Đương nhiên phải có một đại lễ. Nhưng cũng đừng tuyệt đối hóa. Quan trọng là người ta phải cảm thấy có một bước chuyển thật sự sau cái mốc ngàn năm.
Chúng ta đã có một ngàn năm rồi, và dường như chúng ta vẫn đang thừa hưởng những giá trị của ông cha là chính. Quan trọng là chúng ta góp gì vào cái một ngàn năm đó.
Cảm ơn ông!
Nguyễn Tuấn
(Thực hiện)