“Đọc” Nguyễn Huy Thiệp bằng đất nung
Lễ khai mạc Gốm Thiệp ở Trung tâm Văn hóa phố cổ 22 Hàng Buồm quy tụ hầu hết văn nghệ sĩ xứ Bắc, những người từng đọc ông, ít nhiều bị ông ảnh hưởng và đa phần yêu văn chương của ông.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ, lần đầu đọc Con gái thủy thần, anh đã bị những câu văn dẫn dắt: “Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển, mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy”... Họa sĩ thừa nhận bản thân và nhiều người ở thế hệ anh bị Nguyễn Huy Thiệp ảnh hưởng. “Hành trình đi tìm biển của nhân vật tôi giống như hành trình sáng tạo, rất nhiều gập ghềnh, khó khăn, nhưng việc của người nghệ sĩ là đi tiếp”, anh nói.
![]() |
Họa sĩ Đức nhà sàn và họa sĩ Lê Trí Dũng trong triển lãm “Gốm Thiệp” |
Triển lãm Gốm Thiệp do Không gian nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp và Gallery39 đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2025).
Triển lãm do họa sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển, quy tụ 42 nghệ sĩ tham dự như: Lê Trí Dũng, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Đào Hải Phong, Hà Trí Hiếu, Phan Cẩm Thượng, Quách Đông Phương, Phạm Hà Hải, Đặng Tiến, Trần Vinh, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Công Đạt, Đỗ Dũng, Tào Linh, Lý Trần Quỳnh Giang, Phương Bình, Nguyễn Đoan Ninh, Trần Nhật Thăng, Hà Huy Mười,…
“Đọc văn ông rất thấm, đồng cảm được nên vẽ minh họa mà không phải minh họa”, họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh cho biết. Trong số gần chục đĩa gốm của anh trưng bày ở triển lãm, bức vẽ ông Móng khiến Nguyễn Đoan Ninh tìm thấy “sự liên quan” trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp và phong cách vẽ của mình. Ông Móng trong truyện làm nghề hót phân có một câu slogan đặc biệt: “Không chính trị, không tôn giáo, không sexy, nghề hót phân trên đời là nhất”. Một ông Móng có bụng bia, không khẩu trang, không bịt mặt, một tay cầm gầu phân, tay kia giơ biểu tượng chiến thắng (Victoria), từ trang sách đi thẳng lên mặt gốm. Nhiều người cho rằng Nguyễn Đoan Ninh đã “bắt” được tinh thần giễu nhại của truyện ngắn và họa lại theo một cách “có phần đáng yêu”.
![]() |
Vẽ gốm là công việc yêu thích của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc sinh thời |
![]() |
Chân dung nhà văn Tô Hoài qua nét vẽ của Nguyễn Huy Thiệp |
![]() |
Triển lãm “Gốm Thiệp” có thể coi là một hướng đi mới trong việc khai thác di sản của nhà văn theo một ngôn ngữ biểu hiện khác |
Triển lãm Gốm Thiệp là một dấu mốc đặc biệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi người đời sau đã chọn một cách đầy sáng tạo và bất ngờ để tiếp tục đối thoại với di sản của một nhà văn lớn. Từ trước đến nay, văn chương thường được khai thác qua sách vở, hội thảo, sân khấu hay điện ảnh. Nhưng chưa từng có một triển lãm gốm nào lấy cảm hứng từ văn, thơ của một nhà văn Việt Nam.
Điều làm nên sức nặng của Gốm Thiệp là sự hội tụ của 42 nghệ sĩ, phần lớn là họa sĩ, nhưng cũng có cả nhà văn, nghệ sĩ từ các ngành nghệ thuật khác, những người đã nối dài niềm đam mê vẽ gốm của Nguyễn Huy Thiệp bằng chính cảm xúc, trải nghiệm và thấu hiểu của họ về văn chương ông.
Sinh thời, bên cạnh việc cầm bút, Nguyễn Huy Thiệp thích cầm cọ, đặc biệt là vẽ trên gốm. Lò gốm Toàn Khanh ở Bát Tràng là địa chỉ quen thuộc của ông trong nhiều năm liền. Lúc rảnh, hoặc chỉ đơn giản là muốn vẽ, ông sẽ đi xe máy qua gần chục cây số đường đê, ngồi vẽ cả ngày trên phôi gốm, rồi chờ cả tháng cho đến khi những đĩa, bình, lọ, bát,… ra lò. Những tác phẩm ấy đa phần ông vẽ chân dung bạn bè, người thân. Có một số ông minh họa các nhân vật văn học. Codet, Quasimodo, Victor Hugo, Hemingway… đều từng xuất hiện trên đĩa gốm ký tên Nguyễn Huy Thiệp.
“Từ Gốm Thiệp đến Virginia Woolf, người ta có thể thấy một điều: di sản của những người viết lách không chỉ nằm trong sách vở hay bảo tàng, mà còn có thể tái sinh dưới vô vàn hình hài khác, miễn là còn có người sẵn sàng lắng nghe, đối thoại và chơi một cuộc chơi nghệ thuật nghiêm túc, đầy cảm hứng”, tiến sĩ văn học Thái Hà chia sẻ.
Tại triển lãm này, công chúng lần đầu tiên được nhìn thấy những món đồ gốm ông từng vẽ khi còn sống, như một lát cắt khác trong di sản nghệ thuật đa diện của “ông vua truyện ngắn”.
Nối dài di sản văn chương Nguyễn Huy Thiệp
42 nghệ sĩ từ khắp ba miền góp mặt trong triển lãm, mỗi người mang đến một cách cảm, cách nghĩ, cách vẽ riêng. Họ chọn gốm để tri ân Nguyễn Huy Thiệp, như giải thích là bởi vì gốm có sự thô ráp, giản dị và khó thuần phục, giống như chính văn chương của ông. Triển lãm đồng thời là cuộc đối thoại giữa văn chương và mỹ thuật, giữa ký ức và hiện tại, giữa người đã mất và người còn sống. Chính ở sự giao thoa ấy, di sản văn học được tiếp nối bằng một thứ ngôn ngữ khác, chạm vào người xem bằng xúc giác, thị giác và cả sự lắng nghe thầm lặng.
Không dừng ở Hà Nội, triển lãm sẽ tiếp tục rong ruổi vào miền Trung, dừng chân tại Củi Lũ Art Space Hội An (Đà Nẵng), rồi vào đến TPHCM. Một hành trình kéo dài theo hình chữ S, cũng như những nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp từng trôi dạt, khắc khoải qua ba miền đất nước, mang theo nỗi buồn, sự hoài nghi và khát vọng sống. “Tôi cứ đi... Phía trước mặt tôi còn biết bao điều bất ngờ chờ đợi. Nàng là ai? Con gái thủy thần? Nàng ở đâu? Con gái thủy thần? Là tình chi? Con gái thủy thần? Để tôi mượn màu son phấn ra đi”. (Trích Con gái thủy thần).
Triển lãm Gốm Thiệp có thể coi là một hướng đi mới trong việc khai thác di sản của nhà văn theo một ngôn ngữ biểu hiện khác. Dựa vào số lượng người đến tham gia triển lãm và số lượng đĩa gốm lần lượt được dán giấy đỏ (đánh dấu tác phẩm đã có người mua), có vẻ đây là một khởi đầu không tồi.
Trước đó, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp cũng từng được chuyển thể thành phim truyện. Có thể kể đến Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Những người thợ xẻ (đạo diễn Vương Đức)... Truyện ngắn Không có vua của ông từng xuất hiện trên sân khấu kịch. Nói thế để thấy rằng, dư địa mở rộng sáng tạo và tính liên văn bản của văn chương Nguyễn Huy Thiệp là rất rộng lớn. Nhà văn Nguyễn Việt Hà nhiều lần thẳng thắn thừa nhận: “Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của nhà văn”.
“Câu chuyện của Gốm Thiệp là một phần trong dòng chảy lớn hơn của thế giới. Nó chứng tỏ rằng, những người đi sau vẫn đang không ngừng tìm kiếm những phương thức mới để khai thác di sản của các nhà văn, nghệ sĩ vĩ đại. Tại Anh, Bảo tàng Fitzwilliam ở Cambridge từng tổ chức Một triển lãm lấy cảm hứng từ tác phẩm của Virginia Woolf (Virginia Woolf: An exhibition inspired by her writings), thu hút sự quan tâm của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới. Những bức tranh, sắp đặt, tác phẩm điêu khắc tại đây không minh họa lại văn của Woolf một cách đơn giản, mà mở ra những diễn giải mới, những lối đi ngẫu hứng giữa văn học và nghệ thuật thị giác. Chính sự giao thoa này khiến di sản của Woolf không bị đóng khung trong quá khứ, mà tiếp tục sống động trong những hình thức nghệ thuật đương đại.