> Đi bắt cóc không thành, rủ nhau... đi cướp
> Nhóm cướp, đốt xe taxi Mai Linh bị bắt
Ảnh minh họa.. |
Ngày 13/11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội cho biết trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn khá mới.
Các đối tượng sử dụng điện thoại internet có đầu số nước ngoài gọi vào số cố định hoặc di động của bị hại nói chúng đã bắt cóc người thân của họ. Để nạn nhân tin, đối tượng cho nạn nhân nghe tiếng kêu cứu giả giọng thân nhân bị hại, sau đó yêu cầu phải chuyển tiền ngay để “chuộc” người. Sau khi chuyển tiền theo yêu cầu, nạn nhân mới biết người thân của họ không hề bị bắt cóc.
Điển hình, sáng 28/10, ông V. ở quận Cầu Giấy nhận được điện thoại từ số máy +313850018, thông báo con trai ông đang bị bắt giữ vì món nợ 120 triệu đồng. Ngay sau đó, một đối tượng giả giọng khóc lóc: “Bố ơi, con bị nạn rồi, chúng nó đánh con”. Ông V chưa kịp phản ứng thì đối tượng yêu cầu ông chuyển khoản tiền nếu không sẽ không đảm bảo tính mạng nạn nhân. Trong lúc rối trí, ông V. thương thảo chuyển 50 triệu đồng. Giả vờ chấp nhận, các đối tượng đọc số tài khoản để chuyển tiền và yêu cầu ông V. phải giữ máy liên tục đến khi giao dịch thành công, nhằm mục đích không cho ông V. có thời gian xác minh. Sau khi gửi tiền, ông V. gọi điện cho con trai, mới hay anh không nợ tiền ai và... không bị ai bắt cóc.
Tương tự, ngày 5/11, các đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại +313851668 gọi vào máy điện thoại cố định của gia đình ông P. ở huyện Từ Liêm. Đến khi phát hiện bị lừa, ông P. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng.
Công an xác định các đối tượng lừa đảo là người Việt Nam đang cư trú bên Trung Quốc. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng lập tức cho người ra rút tiền tại các điểm giao dịch gần biên giới. Thậm chí, có nạn nhân vừa chuyển tiền xong thì chúng liền nói: “Ông bị lừa rồi!”.
Trung tá Ngô Minh An, Phó trưởng phòng PC50 nhận định, các đối tượng cũng không mất thời gian tìm hiểu thông tin của các bị hại mà có thể gọi bất kỳ. Bởi có trường hợp chúng gọi và nói: “Chúng tôi đang bắt giữ con trai ông”. Nạn nhân bảo “Con trai tôi là đứa nào?”, đối tượng lập tức dập máy. Với thủ đoạn trên, đã có hơn 20 gia đình bị các đối tượng gọi điện, trong đó gần chục gia đình đã chuyển tiền từ 30 đến 300 triệu đồng.