Góc riêng giữa mạng xã hội

Góc riêng giữa mạng xã hội
Điện thoại cầm tay hiện nay đâu chỉ dùng để a lô, nhắn tin mà còn để nghe nhạc, chơi game, lướt web, tải các ứng dụng hỗ trợ công việc... và chắc chắn còn để chụp hình, quay phim tự sướng rồi khoe lên mạng xã hội.

“Mạng xã hội” là một trong những cụm từ khiến các bậc phụ huynh phải đau đầu nhức óc, bởi nó như thỏi nam châm bứt hẳn con cái ra khỏi vòng tay của cha mẹ. Không ít bậc phụ huynh cảm thấy bất lực khi nhận ra chính mình đã tạo điều kiện, tiếp tay đẩy con bước vào thế giới mạng qua việc sắm điện thoại thông minh và tài trợ cước phí 3G để con bằng bạn bằng bè trước đó. Hệ quả là rất nhiều thanh thiếu niên vi vu trên mạng để lượn lờ vào các mạng xã hội mọi lúc mọi nơi, mà cha mẹ chẳng thể nào cấm cản được.

Không lôi con trẻ ra được thì cha mẹ phải bước vào thế giới mạng xã hội thôi. Con chơi Zing Me thì cha mẹ tham gia Zing Me, con ghiền Facebook thì cha mẹ gia nhập Facebook... Nói dễ chứ làm có dễ đâu. Một bên xin được kết bạn hết lần này đến lần khác, xin từ trên mạng cho đến ngoài đời.

Vừa qua được cửa ải đầu tiên của việc kết bạn với con cái, vừa mới đặt được một chân vào thế giới ảo của con và bạn bè, nhiều bậc cha mẹ đã quên ngay những lời hứa trước đó, đặc biệt là lời hứa không can thiệp vào chuyện của con. Biết làm sao được, khi mà thiên chức làm cha mẹ trỗi dậy, thì cha mẹ liên tục bắt bẻ con sao lại kết bạn với người này mà lại không chơi với người kia, sao lại dùng từ lóng khi comment, sao hùa nhau vào nói xấu bạn bè, thầy cô... Cha mẹ có biết đâu con cái không chỉ mệt mỏi vì vô số những câu chất vấn “tại sao” ở ngoài đời, mà đôi khi còn xấu hổ vì kiểu tự sướng của cha mẹ trên mạng xã hội: đều đặn tung hình ảnh con cái từ lúc chào đời, mới biết lẫy biết bò, rồi vụng về ngây ngô trong những màn trình diễn văn nghệ ở trường... kèm theo dòng trạng thái “Công chúa bé/Hoàng tử bé của mình mau lớn quá”.

Nhiều bậc cha mẹ vẫn cứ ngỡ, tìm cách kết bạn với con trên mạng xã hội, chịu khó nhấn “lai” (like, thích), tích cực “còm” (comment, bình luận) những dòng trạng thái của con, là sẽ rút ngắn được khoảng cách giữa hai thế hệ. Và khi nhận thấy những đứa con bé bỏng của mình không còn lên mạng xã hội nữa thì đã vội mừng. Có biết đâu lớp trẻ đã thầm lặng cài đặt chế độ riêng tư cho những chia sẻ của chúng khiến cha mẹ cứ ngỡ chúng quá bận học nên không còn thời gian cho mạng xã hội.

Khi các bậc phụ huynh đã “thâm nhập” và có dấu hiệu “nghiện” những mạng xã hội như Facebook, thì lớp trẻ lại dần dần từ bỏ để chọn những hình thức chia sẻ khác đảm bảo quyền riêng tư tốt hơn, không để lại dấu vết.

Theo Thanh niên
MỚI - NÓNG