Sáng nay, tại trường Phổ thông Thực nghiệm, Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục Phổ thông Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia đã tổ chức diễn đàn giáo dục Việt Nam 2020: Giáo dục bền vững trong kỷ nguyên số.
Tại đây, trong các phiên thảo luận, Đỗ Quyên, học sinh lớp 12 Anh 2, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã có bài trình bày tham luận trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên.
Trong bài tham luận, Quyên đã đưa ra một số vấn đề liên quan đến trường chuyên hiện nay qua kết quả khảo sát 97 học sinh chuyên đến từ 4 trường THPT chuyên tại Hà Nội như THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT chuyên Ngữ (trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), trường THPT chuyên Sư phạm (trường Đại học Sư phạm).
“4 năm trước khi nhìn cảnh phụ huynh ngồi trước cổng trường chuyên, băn khoăn không biết trong trường chuyên có bí ẩn gì mà rất nhiều phụ huynh giành tâm huyết, hy sinh giữa trời nóng nóng đến 40 độ C vẫn ngồi hàng tiếng đồng hồ chờ con. Sự hy sinh này không chỉ diễn ra trong vài buổi thi mà còn diễn ra trong suốt thời gian dài sau đó. Chỉ 1 năm sau, mẹ em cũng trở thành một trong số phụ huynh đó. Sau 3 năm em đã có câu trả lời cho mình”, Quyên đã mở đầu bài tham luận của mình như thế.
Em cho biết trên thế giới hiện nay có một số mô hình trường chuyên như chương trình bồi dưỡng trong trường công lập, chương trình rút ngắn, học theo cấp độ cá nhân, các chuyên đề hội thảo trong trường, các trường lớp tài năng được chọn lọc. Ở Việt Nam đang theo mô hình có trường lớp riêng cho học sinh chuyên.
Trên thế giới, mô hình như Việt Nam không còn quá phổ biến. Nhưng một số nơi vẫn sử dụng như ở New York, Mỹ, học sinh lớp 8 sẽ làm một bài kiểm tra để được vào các trường chuyên. Học sinh ở các trường chuyên sẽ được học các môn như khoa học, công nghệ thông tin và họ chú trọng hơn các môn học này. Mỗi năm có khoảng 30.000 học sinh tham gia kỳ thi để trở thành một trong 4.000 học sinh của 9 trường chuyên của New York.
Quyên cũng cho biết, kết quả khảo sát mà em thu được cho thấy nguyên nhân học sinh chọn chuyên gồm: Để học chuyên sâu khả năng và đam mê của mình; để có một môi trường thuận lợi trong đó có bạn bè, thầy cô tốt hơn; để có cơ hội phát triển kỹ năng mềm, các hoạt động ngoại khóa; được tham gia các kỳ thi quốc tế; để có cơ hội du học. Trong đó, 45% học sinh lựa chọn học trường chuyên để có cơ hội, hồ sơ tốt hơn để đi du học, 25 vì môi trường, 15% do đam mê, 8% hoạt động ngoại khóa, 5% tham gia kỳ thi, 2% là lý do khác.
“Quy mô khảo sát chưa lớn, chưa đi được đến các tỉnh thành khác nên chưa phủ hết được toàn bộ học sinh chuyên. Nhưng có thực tế là không thể phủ nhận được xu hướng lớn của học sinh trường chuyên bây giờ. Học sinh vào trường chuyên để có một điểm tựa tốt để đi du học. Đó cũng là một điều dễ hiểu”, Quyên nói.
Theo khảo sát này, các học sinh lựa chọn trường chuyên vì kỳ vọng vào một trong những yếu tố như được tiếp xúc với nhiều cơ hội du học, học bổng, tham gia các hoạt động ngoại khóa có quy mô; được rèn luyện; hnh ảnh học sinh chuyên trước truyền thông: nhà lãnh đạo, nhà khoa học, công dân toàn cầu, người nghệ sĩ. Học sinh trường chuyên hướng tới 4 khuôn mẫu này.
Mặt khác, nhiều trường Đại học lớn tại Việt Nam và thế giới đều ưu tiên xét tuyển học sinh trường chuyên. Điều này tác động vào tâm lý của học sinh trường chuyên. 64% học sinh chuyên được khảo sát cho rằng trường chuyên đáp ứng được yêu cầu của học. Nếu được chọn lại thì có 77% học sinh đã học ít nhất 1 năm ở trường chuyên vẫn muốn ở lại.
Tuy vậy, qua 2 tháng nghiên cứu vừa qua, Quyên cũng rút ra kết luận về trường chuyên ở Việt Nam. Đó là thiếu nghiên cứu toàn diện để so sánh rút ra được kết luận hoàn chỉnh xem nên tiếp tục đầu tư mũi nhọn hay toàn diện; Thiếu chương trình học toàn diện; thiếu định hướng nghề: Định hướng trường lớp, thiếu chương trình liên kết với các doanh nghiệp, công ty để học sinhđược trải nghiệm; thiếu đào tạo cho giáo viên.
Bài tham luận của Quyên tuy mới chỉ ở mức nhỏ nhưng thực sự đã cho thấy một góc nhìn khác về trường chuyên, giống như em đã khẳng định từ đầu: em không quan tâm đến công tác quản lý, đến những vấn đề vĩ mô về trường chuyên mà em chỉ muốn cung cấp một cái nhìn của chính học sinh chuyên về trường chuyên.