Đến thời điểm hiện nay, Ban mới cơ bản ổn định để tập trung thực hiện các nhiệm vụ thành phố giao. Mục tiêu trong thời gian tới của Ban QLDA Giao thông là gỡ khó khăn tại hiện trường, đẩy nhanh tiến độ các dự án, chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn nước rút từ nay đến hết năm 2020 cũng như cho giai đoạn tiếp theo.
Giải quyết dự án “tồn tại từ nhiều năm”, xóa cầu yếu
Với lượng người và phương tiện tập trung đông vào giờ cao điểm, khu vực cầu Dậu bắc qua sông Tô Lịch nối đường Vành đai 3 (dưới thấp) với Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai thường xuyên ùn tắc kéo dài. Trước thực trạng trên, tháng 02/2019 Ban QLDA Giao thông đã tổ chức khởi công Dự án xây dựng cầu Bắc Linh Đàm, bắc qua sông Tô Lịch, mục tiêu của Dự án là giảm tải, giảm ùn tắc cho cầu Dậu và cầu trên đường 70 (cách cầu Dậu khoảng 2 km về phía Nam). Với thời gian thực hiện “cuốn chiếu” chỉ gần 200 ngày, tháng 7 vừa qua, cầu Bắc Linh Đàm (dài 45 mét, mặt cắt rộng 17,5 mét - 2 làn xe và kèm vỉa hè) đã được thông xe, phát huy ngay hiệu quả đầu tư.
Cùng với đó, trong giai đoạn 2019-2020 và các năm tiếp theo, thành phố Hà Nội đã giao Ban QLDA Giao thông triển khai hoàn thiện các thủ tục, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi công nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó nhiều dự án có vai trò, mục tiêu để hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung, nhiều dự án giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh. Ngoài triển khai một số dự án ở hiện trường, hiện Ban QLDA Giao thông đang tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công các dự án trong năm nay và năm 2020. Các dự án này được chia thành các nhóm dự án, gồm: Nhóm dự án công trình giao thông trọng điểm, Nhóm dự án xây dựng, thay thế các cầu yếu; Nhóm dự án xây dựng đường kết nối các khu công nghiệp; Nhóm các cầu đi bộ…
Về tiến độ các nhóm dự án trên, lãnh đạo Ban QLDA Giao thông Hà Nội cho biết: “Hiện nay Ban đang tập trung chuẩn bị các công tác đầu tư cho một số dự án trọng điểm, nhóm dự án có tính chất bức xúc dân sinh như cầu yếu, cầu đi bộ. Theo tinh thần chỉ đạo của thành phố, cùng với khởi công các dự án trọng điểm, từ nay đến hết năm 2020 Ban sẽ có nhiệm vụ cơ bản xóa xong cầu yếu, cầu xuống cấp trên địa bàn thành phố”.
Đối với nhóm các cầu yếu, có khoảng 20 cầu tập trung chủ yếu tại các quận, huyện ngoại thành nhằm kết nối giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các huyện và phát triển nông thôn mới. Nhóm cầu đi bộ có 28 dự án chủ yếu tại các quận nội thành. Nhóm các dự án giao thông trọng điểm có trên 30 dự án chủ yếu là các dự án trọng điểm nằm trên các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm hoặc là dự án có vai trò kết nối với hệ thống mạng giao thông thành phố, như đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm; Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, cầu vượt nút giao phố Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch…
Dự án sớm “về đích” sẽ phát huy hiệu quả đầu tư
Đánh giá về công việc Ban QLDA Giao thông đã thực hiện trong hơn 2 năm qua, lãnh đạo Ban QLDA Giao thông cho biết, sau khi được thành lập, Ban đã tập trung rà soát, kiện toàn bộ máy, nhân sự, đồng thời giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhiều năm nay đối với các dự án tiếp nhận từ các Ban quản lý dự án cũ. “Ban đã rà soát lại tất cả những khó khăn, vướng mắc tại các dự án này, kịp thời báo cáo thành phố để chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án”.
Lãnh đạo Ban QLDA Giao thông cũng chia sẻ, để thực hiện tốt các nhiệm vụ thành phố giao, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực của Ban rất cần có sự phối hợp giúp đỡ tích cực của các sở, ngành, quận, huyện, sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân thì việc triển khai các dự án giao thông nói riêng và việc thực hiện chủ trương của thành phố mới hiệu quả. Nếu dự án bị chậm triển khai hoặc chậm đưa vào khai thác ngày nào thì sẽ vừa thiệt hại về kinh tế, vừa không phát huy được hiệu quả đầu tư.
Thành phố chỉ đạo “gỡ” vướng mắc
Trước những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án giao thông do Ban QLDA Giao thông đảm nhiệm, tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì đã tổ chức họp với các sở, ngành, quận, huyện liên quan. Theo đó, lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo rất cụ thể cho từng dự án.
Thay mặt tập thể lãnh đạo UBND thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu Ban Quản lý dự án phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong việc triển khai dự án, yêu cầu các quận, huyện có dự án thi công trên địa bàn thực hiện dứt điểm các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng theo tiến độ chỉ đạo của thành phố. Với các sở, ngành liên quan: cần khẩn trương thẩm định, trình thành phố phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kịp thời phục vụ công tác giải ngân, đảm bảo thời gian đúng quy định; Các sở, ngành, quận, huyện liên quan và Ban QLDA Giao thông kịp thời báo cáo thành phố các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tồn tại và đề xuất giải pháp đề lãnh đạo thành phố chỉ đạo kịp thời.
Ban QLDA Giao thông Hà Nội hiện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện các dự án để khởi công mới các công trình trong giai đoạn 2019-2020 và các năm tiếp theo đối với 84 dự án đã được thành phố giao. Trong đó có 59 dự án đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư (25 dự án đang trong giai đoạn lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; 34 dự án đã duyệt chủ trương đầu tư, đang triển khai lập, trình thẩm định phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi; 25 dự án đang triển khai hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị thực hiện dự án để khởi công). Tổng mức đầu tư cho các dự án này khoảng 17.000 tỷ đồng với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng khung, giải quyết nhu cầu đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các quận, huyện và thành phố.