Ảnh minh họa |
Trước hết đọc nội dung lá thư, tôi có cảm giác là các bạn chưa yêu nhau thật tình, chưa yêu nhau đúng nghĩa. Chính bạn đã không tin người mình yêu.
Yêu nhau mà bạn còn đặt ra bao nhiêu câu hỏi trong đầu, toàn là những câu hỏi nghi vấn. Yêu nhau, mà bạn nghĩ rằng “sự xa cách ấy, khiến anh ấy thay lòng đổi dạ”.
Tình yêu chân chính sẽ không bao giờ “sợ” sự xa cách. Sự xa cách, không những không làm cho tình yêu giảm đi, mà thậm chí lại càng làm cho tình yêu càng sâu sắc, mãnh liệt hơn. Còn thứ tình yêu mà vừa mới xa nhau được ít ngày đã thấy lãng quên rồi, nhạt phèo rồi, thì đó đâu phải là tình yêu.
Bạn còn nói là “Em muốn biết anh ấy có yêu em thật lòng không?”. Ngoài bạn ra không ai có thể trả lời chính xác câu hỏi ấy. Nếu bạn muốn biết điều đó, sao bạn không chấp nhận sự xa cách, để thử thách xem tình yêu giữa các bạn có phải là tình yêu “thứ thiệt” không.
Nếu các bạn yêu nhau chân chính, yêu nhau thật tình, thì đừng sợ sự xa cách, đừng sợ anh ấy học đại học trong TPHCM, rồi đem lòng yêu người khác. Nếu anh ấy chỉ vì xa bạn, chỉ vì học đại học trong TPHCM, rồi yêu người khác, thì rõ ràng anh ta không yêu bạn. Mà một người đã không yêu bạn, thì bạn còn luyến tiếc làm gì nữa?
Về việc bạn muốn biết, liệu gia đình có đồng ý không, cũng do tình yêu của các bạn quyết định. Nếu các bạn yêu nhau chân chính, yêu nhau tới mức “không thể sống mà không có nhau được”, thì các bạn sẽ có cách để thuyết phục gia đình.
Bạn băn khoăn “Liệu chúng em có hạnh phúc không khi chúng em bằng tuổi nhau?”. Trong tình yêu, hôn nhân, tuổi tác không phải là yếu tố quyết định việc hạnh phúc hay không. Hàng triệu, triệu gia đình trên thế giới, từ hàng nghìn năm nay đã chứng minh điều đó. Bạn không phải băn khoăn. Còn việc “Chúng em có hòa hợp không, khi anh ấy giỏi các môn tự nhiên. Còn em lại hơi văn chương thơ thẩn?”. Tại sao không?
Trong tình yêu, hôn nhân, không phải cứ có sở thích giống nhau, nghề nghiệp giống nhau thì mới hòa hợp đâu. Hòa hợp trong tình yêu là sự hòa hợp về tâm hồn, là sự cho và nhận, là sự hy sinh cho nhau. Sở thích có thể trái ngược nhau. Nhưng nếu yêu nhau, vì nhau, thì người này sẵn sàng hy sinh sở thích của mình để chiều người kia và họ coi đó là niềm hạnh phúc.
Người viết bài này vốn không thích cải lương, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngồi bên một nửa của mình suốt gần 2 giờ tối thứ 7, để chứng kiến sự vui buồn, có khi chảy nước mắt của cô ấy, khi xem một vở cải lương lâm ly nào đó trên tivi, của chương trình “Nhà hát truyền hình”. Ngược lại, cô ấy cũng nhiều phen thức gần như suốt sáng để cùng tôi la hét toáng lên khi có một bàn thắng đẹp vừa được M.U ghi vào lưới đối phương.
Cuối cùng là chuyện “Anh ấy cứ bảo phải để lại cho nhau “kỷ niệm sâu sắc” thì mới nhớ lâu”. Đến đây thì tôi thực sự nghi ngờ về cái gọi là “tình yêu” của anh ta đối với bạn rồi đấy. Cái mà các bạn gọi là “kỷ niệm sâu sắc”, có thể biến tình yêu của các bạn đang là thiên đường, trở thành địa ngục ngay trong chốc lát.
Đúng là, nếu các bạn làm điều đó với nhau, có thể các bạn sẽ nhớ nhau nhiều hơn thật. Thậm chí là nhớ suốt đời. Nhưng có thể không phải nhớ để thương yêu, mà là nhớ để căm ghét, thù hận mà thôi. Vì điều đó sẽ không phải là một kỷ niệm đẹp, mà sẽ là một kỷ niệm đau buồn. Hiện nay, bạn còn rất nhiều câu hỏi, rất nhiều điều băn khoăn trong mối tình ấy, tức là tình yêu của các bạn chưa “chín”.
Thế mà lại định “làm chuyện ấy” với nhau thì thật là nguy hiểm. Tôi có cảm giác là bạn đang bị dụ đấy. Hãy hết sức thận trọng trước khi trao “cái ngàn vàng” của người con gái, nhất là lại trao cho một người bạn trai mà chính bạn còn chưa tin tưởng, chưa biết rồi đây anh ta có chung thủy với bạn hay không?
Trương Đức Cảnh (TPHCM)