Gỡ khó việc làm cho sinh viên

0:00 / 0:00
0:00
Tìm việc làm thời COVID là một thách thức lớn đối với sinh viên. Ảnh: Lê Thanh
Tìm việc làm thời COVID là một thách thức lớn đối với sinh viên. Ảnh: Lê Thanh
TP - Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều sinh viên lao đao tìm kiếm cơ hội việc làm. Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Thành Ðoàn Hà Nội phối hợp tìm giải pháp gỡ khó về việc làm cho sinh viên thời hậu COVID-19.

Thiếu môi trường rèn nghề

Từ khi Hà Nội bùng dịch, Phan Thị Thảo (quê ở Con Cuông, Nghệ An; sinh viên năm 3, khoa Kế toán, Học viện Ngân hàng) bị mắc kẹt không thể về quê. Hơn 4 tháng bị mắc kẹt ở Thủ đô, cuộc sống của Thảo lao đao, có thời điểm phải ăn mỳ tôm cả tuần. May mắn, sau đó Thảo nhận được cứu trợ từ Hội Sinh viên TP Hà Nội và các tấm lòng hảo tâm nên đã tạm thời vượt qua khó khăn.

Thảo chia sẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên từ năm thứ 2 đại học cô đã đi làm thêm bằng nhiều việc khác nhau. Từ tháng 4/2021, do dịch bệnh, hết việc làm thêm, bố mẹ ở quê phải vay mượn gửi tiền ra cho con gái.

“Thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách, tôi vẫn tích cực lên mạng tìm kiếm việc làm nhưng rất khó, vì hàng quán đóng cửa, doanh nghiệp thì khó khăn. Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, để có cơ hội đi làm thêm, có chi phí trang trải cuộc sống và tìm kiếm cơ hội thực tập tại đơn vị, doanh nghiệp nào đó nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn”, Thảo chia sẻ.

Trương Minh Thái sinh viên năm thứ 4, học chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Nhờ kiến thức chuyên môn tốt, gần một năm nay, Minh Thái vừa học, vừa làm bán thời gian tại một doanh nghiệp nhỏ, có thu nhập. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2021, do dịch nên công ty thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự và Thái bị mất việc.

“Điều tôi lo lắng không hẳn là vấn đề thu nhập, mà là có công việc trải nghiệm thực tế để nâng cao trình độ tay nghề trước khi ra trường”, Thái chia sẻ. Thái cho biết thêm, từ khi Hà Nội nới lỏng giãn cách đến nay, anh nộp hồ sơ xin làm bán thời gian ở nhiều nơi nhưng chưa được.

Sẽ có các mô hình trải nghiệm

Anh Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều lao động phổ thông rời Hà Nội về quê. Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhiều cửa hàng bán lẻ, shop thời trang… mở cửa trở lại, lao động bị thiếu trầm trọng.

Để giải quyết nhu cầu việc làm trước mắt cho sinh viên, giảm bớt gánh nặng kinh tế, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối cho họ làm các công việc bán thời gian. “Tuy nhiên, về lâu dài, để sinh viên thực sự đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe của doanh nghiệp và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi cần sự đầu tư bài bản”, anh Quốc Anh nói.

Theo anh Mạc Quốc Anh, trường học chủ yếu dạy sinh viên về kiến thức chuyên môn nền tảng, còn kỹ năng, thái độ làm việc,… hầu như do các doanh nghiệp đào tạo. Để sinh viên vừa có kiến thức chuyên môn, vừa hội tụ đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị.

Anh Quốc Anh cho rằng, Thành Đoàn Hà Nội có thể phối hợp với các Hiệp Hội doanh nghiệp nhận các sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối vào đào tạo, thực tập để các em có trải nghiệm thực tế, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan, cùng doanh nghiệp thống kê nhu cầu tuyển dụng, chất lượng nguồn lao động, từ đó có sự định hướng giúp các bạn trẻ lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn.

Anh Trần Đăng Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội cho rằng, thực tế có một bộ phận sinh viên bị “ảo tưởng sức mạnh”, đòi hỏi công việc tốt, mức lương cao khi cầm tấm bằng đỏ trên tay. “Nếu các bạn học giỏi, có bằng cấp tốt nhưng thiếu đi trải nghiệm thực tế, không vượt khó khăn, thách thức, thiếu chỉ số vượt khó AQ, rất khó để thành công”, anh Nam nói.

Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành Ðoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội cho biết, mới đây, Hội Sinh viên TP Hà Nội ký kết chương trình hợp tác về việc làm cho sinh viên, thanh niên với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội, Cung Thanh niên Hà Nội, cùng các đối tác giai đoạn 2021-2023. Ðây là hoạt động hỗ trợ các bạn trẻ rèn kỹ năng, tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp; trang bị kỹ năng lập kế hoạch, rèn luyện ý thức, thái độ tích cực trong học tập, công việc, cuộc sống.

Anh Nam lấy dẫn chứng, Hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội có nhiều tấm gương anh, chị rất tài năng, tốt nghiệp đại học ở những trường có tiếng, kể cả du học nước ngoài về, nhưng để thành công, họ phải nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn. Bản thân anh Nam, trước khi trở thành một chủ doanh nghiệp về lĩnh vực Logistics, anh từng làm cửu vạn, bốc vác.

Anh Nam cho biết, Hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội sẽ phối hợp với Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội tổ chức các mô hình trải nghiệm, buổi nói chuyện để chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho các bạn sinh viên, hướng đến tư duy tích cực. “Khi chúng ta bắt tay vào công việc phải bằng đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, cùng nền tảng kiến thức, kỹ năng tốt, chúng ta sẽ thành công trong công việc”, anh Nam nói.

Đặc biệt, trong chương trình phối hợp, cần tổ chức các hoạt động, sự kiện về nghề nghiệp, việc làm; tạo điều kiện cho các sinh viên có năng lực, đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” từ cấp thành phố trở lên có cơ hội được thực tập, tuyển dụng tại các doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.