Gỡ khó cho đầu tàu kinh tế

Dự án tuyến metro số 1 TPHCM đã được tháo gỡ khó khăn về thủ tục điều chỉnh dự án và dự kiến được thúc tiến độ để kịp hoàn thành vào năm 2021. Ảnh: Huy Thịnh
Dự án tuyến metro số 1 TPHCM đã được tháo gỡ khó khăn về thủ tục điều chỉnh dự án và dự kiến được thúc tiến độ để kịp hoàn thành vào năm 2021. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Ngày 6/1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra sẽ rất khó khăn nhưng không thể không làm và càng khó khăn thì càng đòi hỏi phát huy truyền thống năng động, đổi mới sáng tạo, luôn nỗ lực đi đầu “cùng cả nước, vì cả nước”…

Thách thức ngày càng lớn

Thu ngân sách đạt 100% dự toán là một trong 5 nhiệm vụ nặng nề TPHCM phải thực hiện trong năm 2020. Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, với 216 dự án hạ tầng giao thông, TPHCM cần huy động khoảng 78.158 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và ngoài ngân sách để giải quyết bài toán kẹt xe. Trong năm 2020, mục tiêu lớn của ngành giao thông vận tải TPHCM là hoàn thành một số dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, một số hạng mục nút giao bến xe Miền Đông (để đồng bộ với việc di dời bến xe Miền Đông), cải tạo mặt đường tỉnh lộ 10B để cải thiện hướng giao thông về Long An; hoàn thành hầm chui An Sương ở cửa ngõ Tây Bắc…

Đề cập tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai dự báo tỷ lệ giải ngân cả năm 2019 (tính theo niên độ tài chính đến hết ngày 31/1/2020) đạt 93,6% kế hoạch (khoảng 24.600 tỷ đồng) tuy đảm bảo cam kết với Chính phủ nhưng việc giải ngân không đều, chủ yếu tập trung vào các tháng cuối năm.

Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của trong năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thẳng thắn chỉ ra chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều; có nơi còn yếu kém, nhất là năng lực tham mưu. Một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm và có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc cứng nhắc, thiếu năng động, sáng tạo, gây chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mạng lưới người nước ngoài toàn cầu mới đây khảo sát, bình chọn TPHCM xếp thứ 3 trong Top 30 thành phố tốt nhất thế giới để sống, làm việc và kết bạn vào năm 2020. Điều này cho thấy, những nỗ lực của TPHCM đã có nhiều chuyển động tích cực trong mắt bạn bè quốc tế.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết, trong năm 2020, thành phố sẽ triển khai thực hiện nhiều đề án quan trọng. Cụ thể, hoàn thành Đề án điều chỉnh tỉ lệ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông; hoàn thành xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM trình cấp thẩm quyền phê duyệt…

“Tuyệt đối không để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng thời gian qua làm ảnh hưởng đến tiến độ và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Để đạt mục tiêu thu nộp ngân sách, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Ngọc Thùy Trang cho rằng, cần tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. “Đặc biệt, TPHCM cần rà soát danh mục mặt bằng và địa chỉ nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, mặt bằng đã có chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai để thu hồi, tổ chức bán đấu giá. Để kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, thành phố cần tập trung triển khai hiệu quả đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực”, bà Trang đề xuất.

Theo ông Lâm, để có thể tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, TPHCM cần triển khai có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư từ đất đai để phát triển đồng bộ các công trình giao thông như xem xét đánh thuế tài sản thứ 2. Ngoài ra, TPHCM cần rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga metro để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các trục giao thông, các tuyến đường sắt đô thị.

Bà Mai đề nghị TPHCM kiên quyết điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỉ lệ giải ngân thấp để chuyển sang các dự án có tỉ lệ giải ngân cao, có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tránh ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân năm 2020.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vụ khiếu kiện “nóng” vừa qua như vụ Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, chợ An Đông và gần đây nhất là nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện dòng Mến Thánh giá, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Nếu làm đúng chức năng, đúng pháp luật thì không sợ sai. Người đứng đầu còn băn khoăn thì họp bàn trong tập thể lãnh đạo. Nếu vẫn chưa yên tâm thì đưa ra xin ý kiến Ban Thường vụ. “Như vụ Thủ Thiêm, UBND TPHCM xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy xem xét quyết định. Có những việc Ban Thường vụ băn khoăn thì xin chủ trương của Chính phủ”, ông Nhân gợi ý.

Tiếp tục đối thoại với người dân Thủ Thiêm

Ngày 6/1, trả lời báo Tiền Phong, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Hà Phước Thắng cho biết, từ nay đến trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Thanh tra Chính phủ và UBND TPHCM sẽ có cuộc đối thoại chính thức với người dân Thủ Thiêm liên quan vấn đề xác định nhà đất bị giải tỏa của người dân 5 khu phố thuộc 3 phường nằm trong hay ngoài ranh quy hoạch của dự án này. Ðối với khu 4,3 ha, sau khi HÐND TPHCM thông qua chủ trương về hỗ trợ bồi thường thêm cho người dân trong khu vực này, UBND TPHCM đang xây dựng chính sách và tham khảo ý kiến các bộ ngành. Dự kiến trong quý 1/2020, TPHCM sẽ lấy ý kiến người dân để triển khai thực hiện.

Riêng kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan các sai phạm trong quá trình triển khai dự án, ông Thắng cho biết, sẽ yêu cầu Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan báo cáo và thông tin bằng văn bản cho báo Tiền Phong chậm nhất là vào ngày 15/1 tới.

MỚI - NÓNG