Gỡ khó cho đấu giá quyền thuê đất nông nghiệp công ích

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hiện nay, nhiều địa phương đang triển khai đấu giá quyền thuê đất nông nghiệp công ích để sản xuất, nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Nhiều khó khăn

Tại Hà Nội, một số địa phương như Phúc Thọ và Quốc Oai đang xây dựng phương án đấu giá thuê đất nông nghiệp. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ đã thông báo mời tham gia đấu giá 186.791 m2 đất nông nghiệp tại 4 xã.

Tại Quốc Oai, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch đấu giá 246,67 ha đất, nhưng khi triển khai đã gặp nhiều vướng mắc. Ông Vương Đắc Lập, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, cho biết xã đã lập phương án đấu giá 5,2 ha đất và được phê duyệt từ tháng 4/2024. Tuy nhiên, đến tháng 9/2024, phương án giá thuê đất bị yêu cầu dừng lại do chưa phù hợp với Luật Đất đai năm 2024.

Gỡ khó cho đấu giá quyền thuê đất nông nghiệp công ích ảnh 1

Nông dân thuê đất sản xuất nông nghiệp tại huyện Đan Phượng

Ông Lập cho biết, trước đây, người dân được giao khoán đất nông nghiệp từ 5-10 năm, và thường gia hạn khi hết thời gian. Khi xây dựng phương án đấu giá, UBND xã gặp khó khăn vì không thể yêu cầu người dân phá bỏ các tài sản trên đất như cây ăn quả hay ao cá. Xã đã yêu cầu các hộ dân ký cam kết về việc di dời tài sản nếu không trúng đấu giá trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa, chia sẻ thêm về khó khăn khi thanh lý hợp đồng cũ, trong khi một số hộ không chịu di dời tài sản. Ông Hạnh cho biết, thu nhập từ nông nghiệp hiện rất thấp nên người dân không mặn mà với việc thuê đất sản xuất. Đặc biệt, nhiều diện tích đất nông nghiệp công ích nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng kém và khó khăn trong tưới tiêu.

Tương tự, ông Phùng Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, cho biết, việc thu hồi các diện tích đất đã giao cho dân thuê khoán gặp trở ngại do người dân đã đầu tư nhiều tài sản trên đất. Quy trình cưỡng chế nếu cần sẽ phức tạp và kéo dài.

Lãnh đạo UBND xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) cũng gặp khó khăn về chi phí cho thủ tục đấu giá như đo đạc, lập hồ sơ. Nhiều thửa đất cần thanh lý tài sản trước khi đấu giá, làm chậm quá trình.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị chưa mặn mà với việc thuê đất nông nghiệp công ích do rủi ro cao. Một chủ trang trại tại Đan Phượng cho biết, ngoài chi phí đầu tư, diện tích đất thường manh mún, không phù hợp sản xuất quy mô lớn. Thời tiết bất ổn và thời hạn thuê ngắn cũng là những trở ngại khiến doanh nghiệp khó đầu tư dài hạn.

Cần có chính sách ưu tiên

Ông Nguyễn Văn S., chủ trang trại tại Đông Anh, cho rằng thời hạn thuê đất nông nghiệp công ích cần được ưu tiên gia hạn khi hợp đồng hết hạn, nếu người thuê có nhu cầu. Áp dụng mức giá trung bình của các thửa đất đấu giá tại cùng khu vực có thể giúp người dân yên tâm đầu tư dài hạn, dù giá thuê có cao hơn hợp đồng cũ.

Ông Nguyễn Văn Hạnh cũng đề xuất nhà nước nên quy hoạch vùng đất cho thuê, phù hợp với các mục đích sử dụng khác nhau như đào ao, trồng cây lâu năm hoặc chăn nuôi. Điều này có thể tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các mô hình nông nghiệp sạch, trải nghiệm.

Giáo sư Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh cần kéo dài thời hạn thuê đất để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Ông Cơ cho rằng sản xuất quy mô nhỏ lẻ chưa đạt hiệu quả, và việc tích tụ đất đai để phát triển quy mô lớn là hướng đi cần thiết, tránh tình trạng đất hoang hóa.

MỚI - NÓNG