Gò Đống Đa chưa xứng uy vũ Quang Trung

Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa chưa phát huy giá trị xứng tầm sự kiện lịch sử Ảnh: TOAN TOAN
Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa chưa phát huy giá trị xứng tầm sự kiện lịch sử Ảnh: TOAN TOAN
TP - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa chuyên chở tinh thần lẫm liệt của vua Quang Trung và chiến thắng lẫy lừng Ngọc Hồi-Đống Đa, nhưng hơn 300 ngày trong năm “hương lạnh khói tàn”. 

CHƯA XỨNG TẦM

Các chuyên gia hàng đầu ngành văn hóa, lịch sử, khảo cổ học quy tụ tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa sáng 10/12, do UBND quận Đống Đa phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức. Ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho hay: Chính quyền quan tâm đầu tư tôn tạo di tích song qua nhiều năm có dấu hiệu xuống cấp. “Nhiều giá trị văn hóa tiềm ẩn chưa được phát lộ. Công viên văn hóa lịch sử Đống Đa khang trang nhưng khách chưa nhiều”, ông Phong nói.

Khuôn viên Gò Đống Đa khá rộng cho các sinh hoạt cộng đồng, học tập lịch sử, song người dân nhìn chung còn thờ ơ. Trên đỉnh gò có tấm bia nặng 8 tấn trích lời hịch của Quang Trung và vài phiến đá trơ trọi, gần như không có thông tin gì khác. PGS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam kể, đầu tháng 11 ông tới gò khảo sát để thấy rõ bất cập này. “Tôi gặp đoàn khách từ Bình Định ra, lúc đầu họ hăm hở leo lên đỉnh gò, sau vài phút xuống ngay vì trên đó không có gì, và không hiểu gì”, ông nói.

Phân tích hồn cốt của di tích Gò Đống Đa tức chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói: “Đây là sự kiện lịch sử tầm vóc đưa Việt Nam lên tầm cao mới với vị thế chưa từng có, chứng tỏ uy vũ của vua Quang Trung vì thế chúng ta phải tìm cách bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Cần thay đổi nhận thức, không nên coi di sản văn hóa là bất biến. Chúng ta luôn nói di sản văn hóa quan trọng nhưng dường như chưa bao giờ coi là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Gò Đống Đa quan trọng như vậy, nhưng trừ ngày giỗ trận tề tựu đông đủ còn thì hơn 300 ngày còn lại hương lạnh khói tàn. Tới lúc nghĩ rộng hơn, thổi hồn chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa vào di tích”.

GIẢI MÃ THÊM GÒ ÐỐNG ÐA

Giá trị tinh thần của Gò Đống Đa không cần bàn cãi, tuy nhiên chuyện về gốc tích cái gò tưởng ngã ngũ hóa ra vẫn khiến các nhà khoa học lăn tăn. PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng, cần tăng cường nghiên cứu thêm về di tích này, bởi còn nhiều vấn đề lịch sử cần làm rõ. Ông nói gò biểu tượng cho trận Ngọc Hồi-Đống Đa, nhưng thực tế chiến trường và chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa diễn ra vùng rộng khắp xung quanh như khu vực Trường ĐH Công đoàn, Thủy Lợi. Ông nhắc lại nghiên cứu của các bậc thầy Đào Duy Anh, Trần Quốc Vượng khẳng định Gò Đống Đa hiện không chôn xác quân Thanh như một số tài liệu trên mạng vẫn lưu truyền.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dẫn bản đồ Hà Nội vẽ năm Tự Đức thứ 26 (1873) ghi khu vực Đống Đa có khoảng 6-7 gò. Lịch sử ghi lại khu vực này từ thế kỷ 17, 18 là trường thi võ. Vùng này có các đồi gò và đầm, hồ nên cả quân Thanh lẫn quân Tây Sơn đều lợi dụng để bài binh bố trận. Sau khi ta đại phá quân Thanh, sử liệu ghi lại: xác quân giặc được gom chôn cạnh gò. Vì thế không có chuyện Gò Đống Đa là gò chỉ chôn xác giặc.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nói, từ trước đến nay đinh ninh Gò Đống Đa ý nghĩa quá lớn, gắn với chiến thắng rõ ràng và được thừa nhận, nên ngành khảo cổ chỉ tập trung nghiên cứu thời xa xưa thôi. Cho tới khi được mời viết tham luận cho hội thảo này, ông mới vỡ lẽ hóa ra quanh gò còn quá nhiều chuyện. UNESCO và Hội đồng Di sản Quốc gia khi công nhận di tích phải có yếu tố gốc, thật, nhưng tài liệu giữa các nhà nghiên cứu và thông tin lan truyền trên mạng khác xa nhau. Ông đề xuất Hà Nội cần có chương trình nghiên cứu đánh giá tổng thể Gò Đống Đa, là gò thiên tạo hay nhân tạo, cần sự phối hợp của các nhà địa chất và khảo cổ học.

Trên đỉnh gò hiện còn vết tích miếu Trung Liệt xây từ thời Nguyễn, thờ năm vị có công chống giặc Pháp, trong đó có Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Lâm. Các chuyên gia cho rằng, triều Nguyễn không thể cho xây miếu thờ trên nền gò là mồ chôn xác giặc được, PGS.TS Phạm Mai Hùng nêu ý kiến.

CẦN BẢO TÀNG PANORAMA

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TS Nguyễn Văn Cường chỉ ra rằng, việc gắn bảo tồn phát huy di tích với phát triển du lịch Thủ đô chỉ là một khía cạnh, bởi di tích này còn có giá trị về nhận thức, lịch sử. Một thiếu sót lớn là sự thiếu vắng bảo tàng chuyên sâu về Quang Trung ngay tại gò. Cũng theo nhiều nhà khoa học với công lao của Quang Trung và ý nghĩa của di tích này, nơi đây xứng đáng có bảo tàng về Quang Trung hơn bất cứ chỗ nào.

Phòng trưng bày về Quang Trung và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hiện đặt dưới tầng của đền thờ Quang Trung, nhưng nội dung gây thất vọng bởi hiện vật lèo tèo, thuyết minh đơn điệu. “Cần làm lại trưng bày chia hai phần là chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và những hành động đáng trân quý của Quang Trung sau chiến thắng mùa xuân 1789. PGS. TS Phạm Mai Hùng chỉ ra, Quang Trung đặt lại tên cho Thăng Long là Bắc Thành với địa giới là vùng miền Bắc rộng lớn từ Ninh Bình trở ra, dù khi đó không còn là kinh đô nhưng ông nhìn thấy vị trí xứng đáng của Thăng Long. Nhà vua cũng cho đắp đê, khôi phục sản xuất nông nghiệp, thủ công, đầu tư tu sửa và nâng cấp công trình văn hóa, có dựng lại bia Văn Miếu, chùa Tây Phương, còn chùa Kim Liên được tu sửa khang trang hơn.

PGS. TS Đặng Văn Bài nêu quan điểm: Gò Đống Đa mang tính lưu niệm lịch sử, nên cần có phương pháp ứng xử trân trọng để thổi hồn vào di tích: “Với tinh thần kiên quyết giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và vấn đề nóng ở biển Đông thời gian qua, tôi cho rằng việc dựng lại miếu Trung Liệt là vô cùng cần thiết để mạch ngầm hào khí Đông A tiếp tục chảy”. Ông chỉ ra: nơi đây thiếu trung tâm diễn giải lịch sử, nên học sinh và du khách chưa được trải nghiệm, tương tác và đối thoại với lịch sử.

Đồng quan điểm, GS.TS Vũ Minh Giang đề xuất xây dựng bảo tàng panorama về chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ông lấy ví dụ Nga có bảo tàng panorama Borodino sinh động, tái hiện trận đánh diễn ra khi quân Pháp đang tiến đến Maxcơva, chúng ta nên tham khảo. Bảo tàng này theo GS. Vũ Minh Giang gồm phòng tranh hoành tráng mô tả cảnh quân Thanh ồ ạt kéo sang, có lễ lên ngôi của Quang Trung, có phần Quang Trung dừng chân tuyển quân ở Nghệ An và đặc biệt trận Ngọc Hồi-Đống Đa. Phần thứ hai là tái hiện và trưng bày trang phục, vũ khí thời Tây Sơn và phần thứ ba cần phòng chiếu phim 3D.

GS.TKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia phân tích: Xu hướng của thế giới là tập trung vào trung tâm diễn giải lịch sử nhưng là phương pháp trưng bày mới, sử dụng công nghệ mới chứ không nhất thiết xây bảo tàng. GS.TS Trương Quốc Bình lưu ý: khi tái hiện trận chiến thắng cần làm rõ yếu tố thần tốc hành quân của đội quân Tây Sơn-mô hình hai người khiêng một người nằm mới có thể hành quân thần tốc ra Thăng Long. Những thế trận rồng lửa trong đại thắng 1789 cũng cần làm rõ, để học sinh trải nghiệm lịch sử và du khách thấy hấp dẫn.

Gò Đống Đa chưa xứng uy vũ Quang Trung ảnh 1 Sa bàn trong phòng trưng bày tại Gò Đống Đa còn khá đơn điệu Ảnh: TOAN TOAN

Đề xuất dựng lại miếu Trung Liệt

Nhà sử học Dương Trung Quốc thay mặt Hội Khoa học Lịch sử trao lại hai tấm ảnh (GS Phan Huy Lê để lại) cho Ban quản lí di tích Gò Đống Đa. Hai bức ảnh chụp khung cảnh gò, thấy rõ miếu Trung Liệt thời đầu thế kỷ 20 trước khi bị phá.

Miếu Trung Liệt xưa vốn xây dựng ở phường Yên Hoa thờ Quan Đế và đệ nhất công thần Lê Lai, tuy nhiên thế kỷ 19 Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải cho di dời miếu về đỉnh Gò Đống Đa, để phối thờ các anh hùng liệt sĩ là quan tướng triều Nguyễn hy sinh thân mình vì Thăng Long, trong đó có các vị như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, bài vị vua Quang Trung sau này cũng được đưa vào đây.

Thời kỳ chiến tranh và những năm 1960 bị tàn phá và phá dỡ, tuy nhiên tới nay vẫn còn dấu tích nghi môn. Các nhà khoa học nhất trí: nên dựng lại miếu Trung Liệt để nhân dân và du khách thêm hiểu về di tích tôn thờ, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhất là sự tôn vinh dành cho nhà Tây Sơn với thời kỳ chống quân xâm lược oanh liệt.

MỚI - NÓNG