Giúp đỡ trẻ em, phụ nữ khó khăn từ giấy vụn, chai nhựa

TPO - Tại nhiều xã ở huyện vùng núi Ba Vì, Hà Nội, những mảnh giấy vụn, chai nhựa bỏ đi đều được chị em phụ nữ phân loại, góp vào “ngôi nhà xanh”, bán lấy tiền xây dựng Quỹ vì phụ nữ và trẻ em khó khăn trở thành việc làm vô cùng ý nghĩa, không chỉ góp phần thúc đẩy tái chế, tái tuần hoàn, bảo vệ môi trường mà còn giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong vùng.

Tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, ngày 8/10, chị em phụ nữ thôn 5, xã Thuần Mỹ của huyện vùng núi Ba Vì lại làm công việc quen thuộc, mở “ngôi nhà xanh”, nơi thực hiện mô hình biến rác thành tiền để bán rác tái chế, thu về số tiền 1,6 triệu đồng. Ngay lập tức, số tiền ý nghĩa này được trao tặng thành 3 xuất quà cho 3 hội viên mắc bệnh hiểm nghèo trong chi hội.

Nhiều năm qua, kể từ khi triển khai mô hình biến rác thành tiền, chị em phụ nữ thôn 5 đã xây dựng và hình thành được thói quen phân loại rác tái chế như giấy vụn, chai nhựa, lon bia, bỏ chung vào "ngôi nhà xanh" để lấy tiền giúp đỡ những phụ nữ, trẻ em khó khăn trong thôn.

Mô hình Ngôi Nhà Xanh, biến rác thành tiền … được Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện Ba Vì triển khai trong nhiều năm qua, nhằm hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội. Khởi điểm từ xã Tản Hồng, đến nay, mô hình được nhận rộng ở rất nhiều xã, thị trấn tại huyện vùng núi Ba Vì, trong đó có Thuần Mỹ.

Giúp đỡ trẻ em, phụ nữ khó khăn từ giấy vụn, chai nhựa ảnh 1

Chị em phụ nữ thôn 5, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì mở "ngôi nhà xanh" ngày 8/10.

Theo bà Đỗ Thị Thuý Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì, khi triển khai phong trào chống rác thải nhựa từ năm 2018, các chị em trong Ban Thường vụ rất trăn trở làm sao để các hoạt động, chương trình hoạt động vừa thiết thực, vừa ý nghĩa.

Sau nhiều tìm hiểu, học hỏi, Hội LHPN Huyện quyết định triển khai các mô hình như “Biến rác thành tiền”, “Ngôi nhà xanh – thu gom phế liệu”, “Môi trường của mẹ hạnh phúc cho con”, vừa thu gom, phân loại rác tái chế, vừa gây quỹ giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Giúp đỡ trẻ em, phụ nữ khó khăn từ giấy vụn, chai nhựa ảnh 2

Chị em phụ nữ thôn 5, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì tặng quà cho hội viên khó khăn từ tiền bán rác tái chế.

Bắt đầu thí điểm tại xã Tản Hồng, đến nay, mô hình đã được nhân rộng nhiều cơ sở hội như Tản Lĩnh, Minh Quang, Phong Vân, Đông Quang, Phú Phương, Tản Hồng, Cẩm Lĩnh.

Hoạt động của mô hình khá đơn giản là vận động hội viên phụ nữ tự phân loại rác thải tại gia đình, thu gom giấy vụn, thùng carton, vỏ chai nhựa, lon bia bán lấy tiền xây dựng “Quỹ vì phụ nữ và trẻ em khó khăn”. Từ các mô hình này, chỉ tính riêng đến năm 2023 đã thu được 60,5 triệu đồng. Số tiền này được chị em phụ nữ tặng quà, tặng học bổng, sổ tiết kiệm, hỗ trợ viện phí cho 205 phụ nữ, trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Bà Hằng chia sẻ, qua 5 năm triển khai thực hiện, hoạt động của mô hình đã đi vào nề nếp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, mang lại hiệu quả thiết thực, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo điều kiện để chị em thêm đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn.

Giúp đỡ trẻ em, phụ nữ khó khăn từ giấy vụn, chai nhựa ảnh 3

Phụ nữ thị trấn Tây Đằng hưởng ứng phong trào biến rác nhựa thành tiền.

Cùng với mô hình trên, Hội LHPN huyện Ba Vì cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy phân loại, tái chế, tái sử dụng đồ nhựa như triển khai mô hình tổ phụ nữ đi chợ bằng làn nhựa và sử dụng chai, bình thủy tinh thay thế đồ nhựa tại nhà, được triển khai tại 8 xã, thị trấn với 900 thành viên tham gia.

Các đơn vị đã khai thác các nguồn lực tặng 900 chiếc làn nhựa cho hội viên, phụ nữ đi chợ thay thế túi nilon, vận động 180 gia đình ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa trong sinh hoạt/ đi chợ bằng làn nhựa để giảm thiểu việc dùng túi nilon.

Các cấp Hội LHPN huyện Ba Vì đã triển khai tuyên truyền tới cán bộ, hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường hạn chế sử dụng rác thải nhựa bằng nhiều hình từ như tập huấn, tọa đàm trao đổi, sinh hoạt hội viên hàng quý tại cơ sở. Phối hợp với các ngành, các đơn vị tổ chức 92 buổi tuyên truyền, phổ biến Luật bảo vệ môi trường, Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt tới 11.067 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, tuyên truyền viên của Hội.

Giúp đỡ trẻ em, phụ nữ khó khăn từ giấy vụn, chai nhựa ảnh 4

Hội viên phụ nữ xã Tản Lĩnh triển khai mô hình Ngôi nhà xanh.

Huyện và cơ sở cũng tổ chức 5 buổi phát động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, phát làn nhựa, túi giấy, chai thủy tinh thay cho sản phẩm nhựa một lần tới 5.230 hội viên. Tổ chức hội thi “Tìm hiểu kiến thức bảo vệ môi trường” cũng như tổ chức các buổi trình diễn thời trang phòng chống rác thải nhựa. Nhờ đó, chị em phụ nữ có cơ hội để hiểu rõ hơn tác hại của ô nhiễm nhựa, tích cực tham gia triển khai các mô hình phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn.

Bà Hằng chia sẻ, thời gian tới, bên cạnh các phần việc đang triển khai và đạt hiệu quả tốt, Hội LHPN Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh phòng trào chống rác thải nhựa. Trong đó có việc vận động, hướng dẫn, tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ, chủ sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhà hàng và cộng đồng tham gia thu gom, phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình.

Ngoài ra, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng như bao bì, túi đựng nhiều lần (túi giấy, túi dễ phân hủy, túi vải, bình nước dùng nhiều lần...). Bên cạnh đó, tăng cường tái chế, tái sử dụng, phân loại các sản phẩm đã sử dụng từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy, thực hiện vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

Đến 2050, lượng rác thải nhựa có thể nặng hơn lượng cá ở đại dương.

Những năm qua, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề môi trường nghiêm trọng toàn cầu, chỉ sau biến đổi khí hậu. Lượng rác thải nhựa khổng lồ ra môi trường mỗi năm đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ của con người và các loài động thực vật, làm suy thoái môi trường và suy giảm đa dạng sinh học.

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa đủ để bao quanh 4 vòng Trái đất. Dự kiến đến 2050, khối lượng rác thải nhựa ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng cá. Ô nhiễm vi nhựa tiếp tục trở thành thách thức của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.