Giúp bé giảm đau, giảm ho hạ sốt tại nhà

Giúp bé giảm đau, giảm ho hạ sốt tại nhà
Bé bị viêm tai giữa, đau bụng, khó tiêu... bạn hoàn toàn có thể giúp bé dễ chịu hơn ngay tại nhà.

Nathalie Gelbert, chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Pháp đã đưa ra một số biện pháp làm giảm các cơn đau của trẻ tùy theo các loại bệnh, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

1. Viêm tai giữa

Bệnh nhiễm trùng tai rất phổ biến ở trẻ trước 3 tuổi. Trẻ em hay bị viêm mũi họng, vi khuẩn sẽ từ các ổ viêm này lan lên tai gây nên viêm tai giữa. Nó có thể kéo theo một loạt bệnh khác như viêm phổi hay đau thắt ngực... Song song với đó, bé có thể khóc liên tục kéo dài, khó ngủ, sốt...

Giải quyết: Bạn nên tránh chạm vào tai hoặc nhỏ thuốc vào tai bé, không cho bé nằm xuống nhiều vì nó sẽ càng khiến bé đau hơn. Trước khi đưa bé đến bệnh viện, bạn cũng có thể cho bé uống một liều paracetamol để giảm đau. Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa. Nếu trẻ bị viêm mũi họng và viêm VA thì phải điều trị dứt điểm, đúng cách vì đó là nguyên nhân gây căn bệnh này.

2. Ho, viêm họng

Người ta ước tính trong 2-3 năm đầu tiên, trẻ ho khoảng 100 ngày/năm. Mỗi lần ho có thể kéo dài từ 10 đến 14 ngày.

Giúp bé giảm đau, giảm ho hạ sốt tại nhà ảnh 1

Giải quyết: Khi bé bị ho, cha mẹ có thể điều trị trước ở nhà cho bé bằng cách làm dịu cổ họng với một ít mật ong kèm chanh (hoặc húng tây), nước muối loãng, uống thuốc ho...

Hãy duy trì một bầu không khí ẩm (tối thiểu 60%) trong phòng. Rửa mũi bằng nước muối là cách cần thiết để loại bỏ vi khuẩn từ đường hô hấp. Bạn nên vệ sinh mũi cho con ít nhất 6 lần/ngày.

3. Đau bụng

Viêm dạ dày, khó tiêu, táo bón, căng thẳng... nguyên nhân của những cơn đau bụng là rất nhiều. Bạn có thể giúp bé giảm cơn đau bằng một vài thủ thuật ở nhà trước khi đưa bé đến bệnh viện kiểm tra cụ thể nếu cơn đau không dứt.

Giải quyết: Khi bé có dấu hiệu đau bụng, khóc kéo dài, ôm bụng, hãy dừng mọi hoạt động của bé, không cho bé chơi, đùa nghịch. Có thể bé khóc vì đói, hãy cho bé bú hoặc ăn một chút bột (cháo) nhẹ. Bạn nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa. Nhiều bé sẽ ngừng khóc và cảm thấy bụng đỡ ấm ách, nhẹ nhàng hơn nếu bạn liên tục massage vùng bụng cho bé bằng tay hoặc khăn ấm.

4. Sốt cao

Khi trẻ sốt, nhiệt độ có thể tăng lên một cách nhanh chóng, cha mẹ phải liên tục theo dõi sát sao. Bé trước 3 tháng tuổi, nếu nhiệt độ bằng hoặc vượt quá 41 độ C, hãy đưa bé đến bệnh viện khẩn cấp.

Giải quyết: Cứ cách nhau 2 giờ, bạn nên kiểm tra nhiệt độ cho bé. Để làm giảm cơn sốt, tránh để bé rơi vào tình trạng hôn mê, nên cho bé bú, uống sữa hoặc uống nước liên tục, lấy khăn ấm lau vào vùng nách, bẹn của bé. Việc dùng thuốc hạ sốt cho bé vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nên bắt đầu dùng thuốc hạ sốt cho bé khi nhiệt độ đo được ở nách trên 38,5 độ C. Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol với liều dùng theo chỉ dẫn và không quá 6 lần/24 giờ.

5. Trớ, trào ngược dạ dày

Các bé có thể bị trào ngược dạ dày thực quản sau ăn với những biểu hiện như nôn, trớ, ọc sữa... Điều đó xảy ra khi bé ợ hơi để loại bỏ không khí được nuốt vào trong khi ăn. Bé thường giảm dần hoặc chấm dứt tình trạng này khi 8-9 tháng.

Giải quyết: Bạn nên chia nhỏ các bữa ăn, không ép bé ăn quá nhiều. Khi bé bị trớ, trào ngược, có thể đặt bé trên giường, nâng bàn chân lên khoảng 15 cm, kê bằng một chiếc gối nhỏ. Khi cho bé bú bình hoặc bú sữa mẹ, một lúc nên dừng lại để bé có không khí, dễ thở. Hãy buộc cho bé một chiếc khăn hoặc yếm để giữ vệ sinh mỗi khi ăn uống.

Theo VnExpress
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG