Mất gần 1 phút mới nhận ra, hóa ra anh giống… cái thằng nhóc mà em hay gặp trong những giấc mơ từ thời thiếu nữ. Nó cũng có mái tóc lởm chởm như rễ tre, cái miệng vẩu, gương mặt tròn xoe… và đặc biệt là rất giống nhau ở đôi mắt. Có lẽ đó là linh tính khi trong những giấc mơ em thường trông thấy con của… anh, nên khi gặp anh… em thấy rất quen thuộc.
Thời gian qua đi, nhưng em vẫn nhớ rất rõ cảm giác của mình cái hôm anh nói với em “Anh sẽ dừng lại để em đi về phía khác. Anh không giàu có, không bằng một phần nhỏ của những người đang theo đuổi em, nếu em lấy người khác thì cuộc đời em sẽ sung sướng, em sẽ có tất cả những gì em muốn”. Trước đó em chưa từng trải nghiệm cảm giác yêu là như thế nào, nhưng ngay lúc đó em bật khóc và nhận ra mình đã yêu anh.
Rồi thêm một lần nữa chúng ta suýt lạc mất nhau, khi chính em muốn dừng lại vì áp lực gia đình. Anh đã gọi rất nhiều lần nhưng em không nghe máy. Lúc đó, từ một đất nước khác, bố đã gọi cho em vì thấy con trai bố tuyệt vọng. Em từ ngạc nhiên sang kính trọng bố sau cuộc nói chuyện ngắn gọn. Em biết bố yêu con trai của bố đến thế nào khi quyết định gọi cho đứa con gái mà bố chưa từng gặp bao giờ. Đó là lần đầu tiên bố gọi cho em để thông báo rằng con trai bố buồn và lo lắng như thế nào, và hỏi em có khỏe không. Chỉ có vậy.
Sau lần đó, chúng ta quyết tâm chinh phục ba mẹ em để mình được bên nhau mãi mãi. Cuối cùng anh đã khiến ba mẹ xiêu lòng và hứa gả. Rồi sợ ba mẹ đổi ý, anh lại ỉ ôi để đám cưới sớm hơn ngày ấn định… cuối cùng ba nói với mẹ: “Thằng này lạ thiệt, sớm cũng chết, muộn cũng chết, mà nó cứ đòi chết sớm. Thôi thì… nó đã muốn chết thì cho nó chết!”.
Như một sự bù trừ, anh thì cao to như khủng long, còn em thì bé tí. Có lẽ giống như câu dân ca “anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu… anh thương” nên từ khi mới quen nhau cho đến bây giờ, việc gì anh cũng giành làm hết. Chính em cũng đã nhầm khi trông mặt mà bắt hình dong trước vẻ ngoài cục mịch và bàn tay thô vụng của anh. Ai cũng tưởng anh chỉ có thể làm được những việc như bốc vác… vậy mà anh biết làm tất cả từ việc sửa điện nước trong nhà, leo trèo lên mái nhà sửa chữa đủ thứ, sửa xe cho vợ… cho đến cầm chổi quét nhà, giặt đồ, rửa chén... Duy chỉ có mỗi việc anh nhất quyết không chịu làm là nấu ăn vì anh cứ khăng khăng “anh nấu không ngon, đồ ăn vợ nấu là số một, từ ngày ăn đồ ăn vợ nấu rồi anh không ăn nổi đồ ăn anh nấu nữa”. Rồi anh chuẩn bị sẵn sàng hết những gì cần thiết, để vợ chỉ cần vô bếp là đứng nấu, nêm nếm thôi.
Đi với nhau, anh giành mang vác hết, không cho vợ cầm một thứ gì nặng nề. Giành giật qua lại một hồi anh chưng ra bộ mặt hình sự nói “khi trên người chồng còn chỗ để mang thì vợ không phải mang vác gì hết, rõ chưa!”. Lần nào giận nhau cũng bực dọc nói “tui ghét anh” thì chồng đều đanh mặt trả lời “tớ không cần cậu thương tớ, chỉ cần một mình tớ thương cậu là được rồi. Cậu ghét tớ cũng được, nhưng đừng có buông tay tớ ra”. Và điều đặc biệt là cho dù bị vợ giận hay giận vợ, bao giờ anh cũng nhẹ nhàng, ngọt ngào.
Thương nhất là trong những bữa ăn chồng cứ lựa món béo bở gắp cho vợ, còn mình thì xì xụp húp nước và ăn rau. Vợ phản đối thì cứ bảo: Cậu ‘to khỏe’ thì ăn những món đó đi để không thôi qua cầu gió bay, thổi mất vợ tớ. Tớ vốn ‘nhỏ bé yếu đuối’ nên ăn vầy là được rồi. Biết tính chồng nên dần dà vợ có thói quen nấu nướng theo kiểu “cả làng ăn hổng hết” để chồng phải động đũa vì tiếc của mà chịu ăn những món ngon.
Sắm thêm chiếc điện thoại xịn, chồng bắt vợ phải xài. Còn chồng thì xài cái cũ vợ đang xài. Vợ phản đối thì cố kiếm ra cái để “xạo” cho bằng được: “Cái điện thoại này là đổ đểu, người đểu phải xài hàng đểu mới hợp, nên vợ phải xài cái này thôi, không cãi nữa nhé!”.
Xa nhau, chồng cứ hay gọi về nhắc “cậu chăm sóc vợ tớ cho cẩn thận nhé, nhớ cho vợ tớ ăn uống đầy đủ… cậu mà để vợ tớ ốm là tớ bỏ đói thằng chồng mập của cậu đấy”. Nhờ cái tính tếu táo ấy mà lúc nào hai vợ chồng cũng vui vẻ như gala cười, thấy mỗi ngày bên nhau thật ngắn.
Dù bận rộn túi bụi nhưng chồng vẫn cố gắng tranh thủ gọi điện hỏi thăm ba mẹ và họ hàng nhà vợ. Có lần vợ gọi về cho dì út, nghe trách một câu mà mát cả lòng: “Cả năm con mới gọi cho út được một lần, còn thằng cháu rể thì lại rất tình cảm, út bệnh nó cũng biết để gọi hỏi thăm nữa”. Những ngày ông ngoại bệnh sắp mất, chồng nói với vợ “để chồng về ở với ông ngoại ít hôm, vì công việc vợ không thể nghỉ được, vợ đã không thể làm được thì chồng sẽ làm thay vợ. Giờ ông bà nội và bà ngoại mất cả rồi, chỉ còn ông ngoại thôi. Không có ông ngoại thì không có mẹ, không có mẹ thì đâu có vợ”. Vợ biết chồng về đó thì sẽ không ăn uống thoải mái như khi được vợ chăm, không ngủ thẳng giấc… nhưng chồng vẫn cương quyết làm.
Ngày xưa có nhiều người từng nhìn vào vẻ bề ngoài hầm hố của chồng và vì những định kiến mà khuyên vợ hãy suy nghĩ cho kỹ, vì đợi đến lúc “ở trong chăn mới biết chăn có rận” thì đã tàn đời rồi. Cũng may mắn là vợ đã cương quyết đến cùng, nếu không thì bây giờ đâu có được tấm chăn không ‘có rận’ mà còn ấm đến nhường này. Tự nhủ với lòng sẽ hiếu thảo với bố mẹ chồng và chung thủy suốt đời để vợ cũng là tấm chăn ấm của chồng. Qua trang báo, muốn nói một lời cảm ơn chồng, cảm ơn bố vì hôm ấy đã gọi cho vợ… để chúng ta không đi lướt qua nhau trong cuộc đời này.