Giữ nhà từ thời Pháp thuộc ở rốn chiến sự

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những vùng từng là rốn chiến sự tại Quảng Ngãi, như Vạn Tường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn nơi từng diễn ra cuộc hành quân Starline – cuộc hành quân Ánh Sáng Sao của Mỹ); tại khu vực Đồn Mỹ Trang, huyện Đức Phổ (nơi có đường lên trạm xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm), có những người dân vẫn giữ lại được nếp nhà từ thời Pháp thuộc để ngưỡng vọng, nhớ về tổ tiên, ông bà.

Xếp nhà chạy giặc

Con đường đèo Mỹ Trang đổ dài cạnh dãy núi đá và sát bên cạnh là tuyến đường sắt. Từ đây đi xuống phía đông là tới bãi biển Phổ Vinh, nơi từng là bến đỗ của những chuyến tàu há mồm chở xe tăng, thiết giáp, lương khô, súng đạn của Mỹ ầm ầm tiến tới sân bay Gò Hội. Từ ngày 1/4/1967, Mỹ đã thiết lập tại huyện Đức Phổ một sân bay quân sự, trận địa pháo binh, xây dựng các đồn bốt để tăng cường cho các tuyến và bảo vệ điểm giao thông thắt nút. Trên bản đồ quân sự, các địa danh này được ghi là LZ Liz, Bronco, Montezuma và núi Dàng.

Cuộc chiến không bị đẩy lên những đỉnh núi cao và rừng rậm, mà từng ngày diễn ra ngay cạnh nơi có bộ máy chiến tranh khổng lồ đang vận hành. Ông Trần Đứng, sinh năm 1922 từng là đội trưởng dân công thời chống Pháp của xã Phổ Hòa trở thành người hàng ngày cung cấp tin tức cho lực lượng du kích. Sát nhà ông Hòa là đồn Mỹ Trang, một tiền đồn khá nổi tiếng. Năm 1967, khi đồn này được xây dựng thì ông Đứng và nhiều người dân trong làng bắt đầu rã nhà mang đi cất. Phần lớn những ngôi nhà này được làm từ thời Pháp thuộc, khoảng năm 1910-1917…

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, sinh năm 1937 nhà ở cùng xóm với ông Trần Đứng cũng vội vã đục chốt, tháo rã ngôi nhà và bàn tính chuyện mang nhà cất ở nơi nào. Có người mang nhà gỗ cất trong một ngôi nhà tranh, có người mang ra vườn và lót đá cao như móng nhà, sau đó chất ngôi nhà gỗ vào và lấy bạt che đậy. Cụ Nguyễn Lộc, cha của ông Nghĩa từng nuôi con khôn lớn trong ngôi nhà gỗ, ông Nghĩa phải cố gắng bảo quản, giữ lại nếp nhà xưa.

Nhà cổ thời đó được làm bằng gỗ mít rừng, trần nhà được chạm đục khá công phu, từ lúc chuẩn bị tới khi có được ngôi nhà phải mất vài năm. Ngôi nhà thường làm theo kiểu 2 gian, mái nhà thấp, người đi qua cửa có khi phải cúi thấp theo quan niệm là cúi đầu trước tổ tiên trước khi bước vô ngôi nhà trăm năm.

Tại xóm nhỏ này, cứ 5 giờ chiều, bọn lính lại rút lên tiền đồn và nói “mấy ổng sắp về”. Tức là ban ngày xóm nhỏ này đầy dấu chân lính ngụy, ban đêm thì cách mạng về làm chủ. Ông Đứng và nhiều người dân thường xuyên bị bọn lính bắt lên hạch hỏi để lấy thông tin về những người cách mạng.

Năm 1975, đất nước được giải phóng, những người dân quê bắt đầu dựng lại ngôi nhà gỗ, sau đó đặt bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà. Phải mất hơn một tháng ông Đứng mới ráp xong ngôi nhà và bắt đầu cuộc sống của 8 con người (ông bà có 10 người con, 4 người chết vì bệnh tật). Những đứa con xấu số được ông Đứng thờ phụng bên cạnh người cha, ông nội, ông cố.

Từ khoảng năm 2005, khi những con người sống qua 3 thời kỳ ở rốn chiến sự Đức Phổ bắt đầu qua đời, con cháu của họ tháo dỡ ngôi nhà nhỏ để thay bằng nhà xây dựng bằng xi măng. Riêng gia đình ông Đứng và một số hộ thì vẫn giữ lại. Ông Đứng vừa sửa sang nhà của mình, nhà thờ, nhà của cô con gái lớn mà ông đã tạo dựng. Anh Âu, người con trai của ông Đứng tâm tình, “ngôi nhà đã có từ thời Pháp thuộc của ông nội lúc nào cũng có cảm giác tỏa ra hơi ấm”.

Nhà đá trăm năm

Thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn là một ngôi làng nhỏ nằm ven biển, cách căn cứ Chu Lai 17 km. Nơi đây từng diễn ra trận chạm trán đầu tiên giữa quân giải phóng với lính Mỹ (vào ngày 18/8/1965). Đơn vị tham chiến của Mỹ là 5.500 lính thủy quân lục chiến của Lữ đoàn 9; phía cách mạng là Trung đoàn Ba Gia. Quân Mỹ đã huy động các loại xe tăng M 41, M 114, có sự hỗ trợ của tuần dương hạm USS Galveston và khu trục hạm USS Orleck từ biển tiến vào. Trong ngày diễn ra chiến sự nóng bỏng đó, ông Nguyễn Bổ, sinh năm 1930 dắt bầy con, trong đó có cậu con trai là Nguyễn Ngọc Thanh rời khỏi ngôi nhà đá ong bỏ chạy ra rẫy tìm địa đạo, hầm bí mật để trú ẩn.

Giữ nhà từ thời Pháp thuộc ở rốn chiến sự ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Thanh bên ngôi nhà đá ong được xây dựng từ thời Pháp thuộc ở rốn chiến sự Vạn Tường. ảnh: Văn Chương

Giữ nhà từ thời Pháp thuộc ở rốn chiến sự ảnh 2

Ông Nguyễn Ngọc Thanh đứng ở cạnh lối vào nhà, là nơi có khá nhiều bạn trẻ tới chụp ảnh lưu niệm ảnh: Văn Chương

Hầu hết người dân Vạn Tường chạy giặc theo kiểu gánh con, dắt bò, khiêng người già. Bà Phạm Thị Đào, mẹ của ông Thanh có lúc bỏ cả 2 đứa con lên hai chiếc giỏ rồi gánh chạy lúp xúp theo triền cát, hoặc qua những xóm làng bốc khói mù mịt. Có lúc bà chỉ gánh đứa con nhỏ ở giỏ trước, còn giỏ sau là bắp, gạo, muối để ăn đường. Hai anh chị là Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Thị Hoàng được cha dắt theo sau. Khi đã quá mệt mỏi thì tài sản lớn nhất của gia đình là 2 con bò được thả cho quay trở lại ngôi nhà đá ong.

Thôn Vạn Tường là một vùng quê rất khác biệt - gần như toàn bộ những ngôi nhà trong thôn đều hiện ra màu đỏ au của đá ong. Từ thời Pháp thuộc, những người dân trong làng đã ra khu rừng Hóc để đào, đục, đẽo đá ong về làm vật liệu xây dựng nhà. Ông nội của anh Thanh là cụ Nguyễn Thuận phải lầm lũi suốt 5 năm đi đục đá, gom về chất trong vườn, sau đó xây dựng ngôi nhà 2 gian để thờ tổ tiên, ông bà. Thợ xây dựng sử dụng vôi trộn với mật ong, nhớt cây tơ hồng để tạo chất kết dính.

Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống của người Việt Nam, mặt trước là 3 gian thờ, phía sau bàn thờ và bên trái là giường ngủ của người lớn tuổi nhất. Do nhà được xây dựng bằng đá ong vững chãi nên phía sau gian nhà chính còn có một buồng nhỏ nằm thông với nhau.

Giữ nhà từ thời Pháp thuộc ở rốn chiến sự ảnh 3

Ngôi nhà từ thời Pháp thuộc được gìn giữ ở ngay rốn chiến sự, ngay tuyến đường lên Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ảnh: Văn Chương

Sau trận chiến, xung quanh Vạn Tường mọc lên các đồn bốt - đồn An Cường, đồn Cây Phượng, đồn Phước Thiện. Người dân nhận được thông báo “rời bỏ nhà cửa về khu dồn sát đồn Cây Phượng, hoặc nhà sẽ bị đốt”. Nhiều ngôi nhà bốc cháy, nhưng vì xây dựng bằng đá ong nên tường nhà còn trơ nguyên. Ông Nguyễn Bổ thỉnh thoảng lại từ khu dồn tạt về thắp hương vái lạy tổ tiên, ông bà bên ngôi nhà đã cháy trơ nóc.

Hai nơi từng là rốn chiến sự Vạn Tường – Phổ Cường cách nhau gần 100 km, nhưng những con người sống trong ngôi nhà đầy hoài niệm đều nói câu giống nhau, đó là cảm giác ấm áp, mát mẻ bốn mùa; những người thân đã khuất như vẫn còn vương vấn đâu đây.

Năm 1975, đất nước giải phóng, cha con ông Bổ vui mừng trở về và lợp lại mái nhà, cả gia đình quây quần trong ngôi nhà đá ong. Rồi 30 năm sau ngày giải phóng, nhiều người trong làng bắt đầu tô xi măng để xóa đi dấu vết ngôi nhà đá trông có vẻ lạc hậu và lỗi thời. Tụi trẻ lớn lên và phần lớn vào Nam mưu sinh, khi trở về mang theo cuộc sống mới, muốn ngôi nhà cũ được phủ một lớp vôi, vữa, màu sơn. Nhưng ông Thanh và một số người thì vẫn giữ nguyên ngôi nhà của ông nội từ thời Pháp thuộc, rồi mở rộng thêm. Ngôi nhà này giờ trở thành nơi check in selfire nhiều nhất của các bạn trẻ.

MỚI - NÓNG